Thơ là cái đẹp
muôn đời, cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của con người. Có lẽ mùa xuân là thời gian hội tụ bao vẻ đẹp
của đất nước và con người Việt Nam nên thơ
xuân mới hay và đậm đà như thế. Ta bâng khuâng một nét xuân trong thơ vua
Trần Nhân Tông:
Song song đôi bướm trắng
Phất phới phấn hoa bay.
(Buổi sớm mùa xuân)
Ta cảm một sắc
xuân tươi xinh rực rỡ trong thơ của thi hào Nguyễn Du:
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
(Truyện Kiều)
Ta rạo rực
dõi nhìn một cánh đu bay trong ngày hội xuân của làng quê thân thuộc:
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
(Đánh du- Hồ Xuân Hương)
Và đây là thơ xuân của Thanh Hải:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng...
Có người đã
cho rằng: “Đoạn thơ đẹp như bức tranh”. Đó là Bức tranh xuân của "Huế đẹp và thơ", quê mẹ hương yêu của
thi sĩ Thanh Hải.
Hai câu thơ
đầu là một sắc xuân tươi xinh rực rỡ tắm mát tâm hồn chúng ta. Vần thơ như một
tiếng nói thốt lên khi ngạc nhiên chợt thấy một cảnh đẹp mà lòng xôn xao xúc động:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc.
Dòng sông hiện
hữu trong bài thơ Thanh Hải không phải là con sông chung chung nào, mà người đọc
dễ nhận ra, đó là sông Hương “bài thư trữ tình cố đô Huế” như thi sĩ Tố Hữu tâm
sự:
Hương Giang ơi, dòng sông êm
Qua tim ta, vẫn ngày đêm tự tình...
“Bông hoa
tím biếc" mọc giữa dòng sông xanh chỉ có thể là hoa súng, hoa lục bình dân
dã mà Lê Anh Xuân từng say mê ngắm nhìn sau những năm dài xa cách mới trở về
quê nội:
Hoa lục bình tím cả bờ sông.
Động từ “mọc” được tác giả khéo léo đặt ở đầu
câu thể hiện một sức sống mãnh liệt của mùa
xuân. Xuân đã xuất hiện, mạnh mẽ, xinh đẹp và lộng lẫy như thế. Bằng việc sử
dụng hai gam màu sáng, tác giả đã vẽ nên một Bức tranh xuân đẹp và tươi xinh đến hoàn hảo nhất.
Ngắm dòng
sông, bâng khuâng nhìn hoa xuân đẹp, nhà thơ khẽ reo lên khi bỗng nghe chim hót
“vang trời”:
Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.
Thán từ : “ơi” được nhà thơ thốt ra một có
chút bồi hồi xen lẫn niềm vui, niềm hạnh phúc. Chim chiền chiện là một người bạn thân thiết của nhà nông. Tiếng chim
hót báo hiệu cho một vụ mùa bội thu của người nông dân. Chính vì vậy khi nghe
tiếng chim hót “vang trời”, hẳn trong lòng tác giả cũng không thể kìm nén được,
muốn chia sẻ, muốn hòa vào niềm vui chung đó. Hai tiếng “hót chi” được dùng như
một lời cưng nựng yêu thương, nghe rất dịu dàng và ngọt ngào và ấm áp.
Qua đó, ta
thấy nét xuân thứ hai được nhà thơ cảm nhận là một nét vui. Qua tiếng chim hót
mà ta cảm được cái mênh mông trong sáng của bầu trời xuân. Ta cảm được tấm lòng
hồn hậu của đứa con xứ Huế.
Một cử chỉ rất
tao nhã đáng yêu:
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Không hề nói
đến nắng mà ta vẫn cảm nhận được ánh hồng bình minh làm long lanh những giọt
sương tròn như hòn ngọc bé tí treo trên đầu ngọn cỏ, lá cây. "Từng giọt
long lanh rơi" cũng có thể là những chuỗi âm thanh, từng chuỗi tiếng chim chiền chiện từ trời cao vọng đến,
"rơi" xuống? Cái cử chỉ “đưa tay... hứng” thể hiện một hồn thơ chan
hòa với thiên nhiên, đất ười, tạo vật.
Thơ đích thực
mở ra trong lòng người đọc những sắc màu và chân trời bao la. Tiếng chim hót,
giọt long lanh trong thơ Thanh Hải cũng vậy, nó mở ra bao thế giới về cảnh sắc
ban mai trên đồng quê. Cảnh sắc thân thuộc đáng yêu biết bao:
Mặt trời lên càng tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo trên đầu cỏ
Sương lại càng long lanh
Bay vút tận trời xanh
Chiền chiện cao tiếng hót...
(Thăm lúa - Trần Hữu Thung)
Đoạn thơ ngũ
ngôn sáu câu ba mươi chữ của Thanh Hải quả là một Bức tranh xuân đẹp và tươi vui. Có bầu trời và dòng sông. Có hoa
khoe sắc và chim cất tiếng hót. Có giọt sương mai long lanh. Hình ảnh con người
xuất hiện trên Bức tranh xuân với cử
chỉ tao nhã, ung dung, với tâm hồn trong sáng, lạc quan yêu đời và giàu tình
yêu thiên nhiên.
Đăng nhận xét