Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tổ trinh sát mặt đường, trên con đường chiến lược Trường Sơn thời đánh Mĩ.

  Cuộc sống và chiến đấu của tổ trinh sát mặt đường diễn ra đầy cam go và khốc liệt. 3 cô gái thanh niên xung phong gồm Nho, Phương Định và chị Thao phải sống giữa những tiếng gầm rú của máy bay địch, giữa những trận mưa bom mà chúng thả xuống, phải sống ở nơi mà tưởng như không còn sự sống “Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn”, nơi mà “không còn lá xanh hai bên đường”, “thân cây bị tước khô cháy”.

 Công việc của họ vô cùng căng thẳng và nguy hiểm, tính mạng luôn bị đe dọa bất cứ lúc nào. Luôn đối mặt với tử thần nhưng không vì thế mà tinh thần của họ bị lung lay. Trái lại, tất cả đã tôi luyện cho họ một tinh thần thép, một ý chí quật cường.

 Phương Định là nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc. Một cô gái Hà Nội với làn da trắng, “cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”. Đôi mắt Định được các anh lái xe nhận xét “có cái nhìn sao mà xa xăm”. Trong mắt của Phương Định “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”.

Phương Định là một cô gái rất hồn nhiên yêu đời, giàu cá tính. Thuở nhỏ đã hay hát. Cô có thể ngồi lên thành cửa sổ căn phòng nhỏ bé nhà mình “hát say sưa ầm ĩ". Bàn học lúc nào cũng "bày bừa bãi lên", để đến nỗi mẹ phải "nguyền rủa”: "Con gái gì cái của mày. Lấy chồng rồi mà no đòn... No đòn... !". Vì thế ngay từ lúc còn ở nhà, cô đã thề là "không lấy chồng".

Phân tích nhân vật Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi"


Những tưởng trong hoàn cảnh chiến trường khốc liệt sẽ khiến Phương Định không hát được nữa. Nhưng không. Càng gian khổ bao nhiêu, Phương Định lại càng hát. Cô hát trong khoảnh khắc “im lặng” khi máy banh trinh sát bay rè rẻ, khi cơn bão lửa sắp ụp xuống cao điểm. Cô hát khi “máy bay rít, bom nổ. Nổ trên cao điểm, cách cái hầm này 300m”. Cô hát để động viên Nho, động viên chị Thao, động viên chính bản thân mình và động viên cuộc kháng chiến trường kỳ nhiều gian khổ của dân tộc.

Trong kháng chiến chống Mĩ, ở hai miền Nam, Bắc của Tổ quốc đã có hàng vạn, hàng triệu chàng trai lên đường ra trận với dũng khí và quyết tâm "đánh cho Mĩ cút đánh cho ngụy nhào" để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiền tuyến vẫy gọi, hàng ngàn hàng vạn cô gái mang chí khí Bà Trưng, Bà Triệu xung phong ra tiền tuyến. Con đường chiến lược Trường Sơn huyền thoại được làm nên bằng xương máu, mồ hôi và bao sự tích phi thường của những người con gái Việt Nam anh hùng.

 Cuộc sống và chiến đấu của tổ trinh sát mặt đường được miêu tả chi tiết trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”. Những hiểm nguy, gian khó, những chiến tích lặng thầm dần hiện ra trong mắt người đọc. Trọng điểm đang chìm trong mưa bom bão lửa. Tiếng Định lại cất lên: "Tôi, một quả bom trên đồi. Nho, hai quả dưới lòng đường. Chị Thao, một quả dưới chân cái hầm ba-ri-e cũ". Cảnh tượng chiến trường trở nên "vắng lặng đến phát sợ". Cảnh vật bị hủy diệt: cây xơ xác, đất nóng, khói đen vật vờ từng cụm trong không trung: Phương Định, dũng cảm và bình tĩnh tiến đến gần quả bom, "đàng hoàng mà bước tới". Quả bom có 2 vòng tròn màu vàng nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Thần chết đang đợi chờ vỏ quả bom nóng. Định dùng lưỡi xẻng đào đất, có lúc lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Có lúc Định "rùng mình" vì cảm thấy tại sao mình làm quá chậm thế! Hai mươi phút đã trôi qua. Tiếng còi chị Thao rúc lên. Định cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi vào dây mìn. Cô khỏa đất rồi chạy nhanh về chỗ nấp... Tiếng còi của chị Thao lại thổi lên. Quả bom nổ. Ba tiếng nổ nữa tiếp theo. Mảnh bom xé không khí. Đất rơi lộp bộp. Bom nổ váng óc, ngực đau nhói, đôi mắt cay mãi mới mở ra được. Mồ hôi thấm vào môi, cát lạo xạo trong miệng. Nguy hiểm, căng thẳng không thể nào kể xiết. Chị Thao vấp ngã, vết sẹo bóng lên, mảnh dù bay trên lưng, chị cười. "răng trắng, đôi mắt mở to...". Nho bị thương. Bom nổ, hầm sập. Chị Thao và Định phải moi đất, bế Nho lên. Máu túa ra, ngấm vào đất. Chị Thao nghẹn ngào. Định rửa vết thương cho Nho, tiêm thuốc cho Nho, pha sữa cho Nho... Rồi chị Thao lại giục: "Hát đi, Phương Định, mày thích bài gì nhất, hát đi!". Đó là cuộc sống chiến đấu thường nhật của họ.

Mỗi ngày, tổ trinh sát mặt đường phá bom đến 5 lần; ngày nào ít: ba lần. Phương Định cho biết: Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể...

Đoạn văn tả cảnh phá bom trên cao điểm là đoạn văn xuất sắc nhất trong truyện Những ngôi sao xa xôi. Lê Minh Khuê đã sử dụng bút pháp hiện thực nghiêm ngặt tái hiện lại cảnh phá bom vô cùng nguy hiểm, dựng nên một tượng đài về khí phách anh hùng lẫm liệt của tổ trinh sát mặt đường. Chị Thao, Nho và Phương Định đã sáng ngời lên trong khói lửa bom đạn. Chiến công thầm lặng của họ bất tử với năm tháng và lòng người. Tổ quốc và nhân dân có bao giờ quên những nữ anh hùng Đồng Lộc, những nữ anh hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn:

...Đất nuớc mình nhân hậu
Cả nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh...
(Khoảng trời hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ)

Định, cô gái Hà Nội xinh đẹp, dũng cảm trong lửa đạn, giàu yêu thương đồng đội. Cô cũng thích làm duyên như cô thôn nữ ngày xưa soi mình xuống giếng làng vừa mỉm cười vừa vuốt tóc; Định "thích ngắm" đôi mắt mình trong gương. Cô tự hào về cặp mắt mình "nó dài dài, màu nâu,hay nheo lại như chói nắng". Tâm hồn của Định rất trong sáng mộng mơ. Cô đã gửi lòng mình theo tiếng hát; hát trong bom đạn. Định, trái tim dào dạt thương yêu. Cứ sau mỗi trận chiến đấu ác liệt, chị Thao cất tiếng hát, Nho vừa tắm dưới suối lên đã đòi ăn kẹo. Còn Định thì "niềm vui con trẻ...” khi nhặt đưực những hạt mưa đá trên cao điểm. Và hình bóng mẹ, cái cửa sổ, những ngôi sao to trên bầu trời thành phố, chiếc xe chở đầy thùng kem, con đường nhựa ban đêm, cái vòm tròn nhà hát... tất cả những cái đó "xoáy mạnh như sóng" trong lòng cô gái một thời đạn bom. Đôi mắt của Định, của Nho, của Thao, của hàng vạn cô thanh niên xung phong trên những cao điểm, những trọng điểm của con đường chiến lược Trường Sơn, và trái tim rực đỏ của họ, của những người con gái Việt Nam anh hùng là Những ngôi sao xa xôi mãi mãi lung linh, tỏa sáng.

Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng ta hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của tổ trinh sát mặt đường, của Định, Nho, của chị Thao, của hàng ngàn, hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Chiến công thầm lặng của Phương Định và đồng đội là bài ca anh hùng.

 Ngày hôm nay, khi mà chiến tranh chỉ còn là quá khứ, thế hệ chúng ta được ngồi đây, được sống một cuộc đời hạnh phúc và tự do. Nhưng khi đọc tác phẩm, chắc chắn đâu đó trong tâm hồn mỗi chúng ta vẫn ánh lên những niềm tự hào và khâm phục dành cho những người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc. Chúng ta tự hào về những Phương Định anh dũng, quả cảm, không quản ngại hiểm nguy để cứu lấy con đường Trường Sơn huyết mạch. Tâm hồn chị vẫn luôn như những ngôi sao, tỏa sáng tâm hồn bao thế hệ đi sau.

Đăng nhận xét

 
Top