Luyện thi đại học môn Văn: Những nét chính về phong cách thơ Xuân Diệu

            Xuân Diệu (1916-1985) là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới và là một trong những cây bút lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ Xuân Diệu có phong cách độc đáo và hấp dẫn. Dưới đây là những nét chủ yếu của phong cách thơ ông.

Những nét chính trong phong cách thơ Xuân Diệu - Luyện thi đại học môn Văn

1.Có thể nói Xuân Diệu là một trái tim lớn,một nguồn tình cảm yêu đời, yêu cuộc sống trần thế; một cách mãnh liệt đến say mê cuồng nhiệt ( trước khi mất, Xuân Diệu để lại cho đời những vần thơ cảm động:
                                     Hãy để cho tôi được giã từ                                                                                
                                     Vẫy chào cõi thực để vào hư
                                     Trong hơi thở chót dâng trời đất
                                     Cũng vẫn si tình đến ngất ngư.
                                                                              (Không đề )
  
   Đây là một cá tính tự nhiên của Xuân Diệu.Nhưng cá tính cũng có liên quan đến hoàn cảnh gia đình và môi trường thiên nhiên và xã hội, nơi ông sinh ra và lớn lên. Xuân Diệu chịu ảnh hưởng rất nhiều của người bố. Đó là một ông đồ xứ Nghệ, cần cù chịu khó, ham học. mẹ Xuân Diệu người Quy Nhơn, Xuân Diệu lớn lên ở đây, nơi có “ gió nồm thổi lên tươi mát”. Sau này ra Hà Nội rồi vào Huế học. Cảnh lộng lẫy của đất Thăng Long cùng với vẻ đẹp đầy mộng mơ của Huế, “ gió nồm Nam biển dạt dào Quy Nhơn” đã khơi dậy ở tâm hồn Xuân Diệu một tình yêu đời say đắm.

2.Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới, nghĩa là có ý thức sâu sắc, khẳng định cái tôi cá nhân của mình bằng nghệ thuật thơ ca. Nhưng khác với nhiều nhà thơ cùng thời trong phong trào thơ mới, Xuân Diệu không đem cái tôi của mình đối lập với đời và tìm cách thoát ly với cuộc sống này; trái lại, ông muốn khẳng định nó trong quan hệ gắn bó với đời; “ đời” hiểu theo nghĩa hiện thực nhất. Đời: là con người, là trời đất, hoa lá, cỏ cây ở quanh ta đây. Ông quan niệm được sống mãi với đời là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất. Mà trên đời này có gì đáng yêu hơn là mùa xuân tuổi trẻ và tình yêu. Đó là nguồn thơ phong phú của ông, là đề tài chủ yếu của Xuân Diệu.

3.Với niềm khát khao giao cảm hết mình với cuộc đời trần thế này, 1 cách tự nhiên Xuân Diệu là nhà thơ tình yêu. Vì tình yêu là niềm giao cảm mãnh liệt nhất và trần thế nhất. Đây là loại tình cảm bao giờ cũng đòi hỏi cao độ… người ta đã tặng cho Xuân Diệu danh hiệu “Nhà thơ tình số một”, là “ông Hoàng của thơ tình yêu

4. Tha thíêt với mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu, Xuân Diệu đã đi đến một cách tân đáng kể về thi pháp. Nếu thơ văn xưa , coi tự nhiên là chuẩn mực của cái đẹp thì giờ Xuân Diệu đảo ngược lại : đối với ông, không gì hoàn mĩ bằng con người, nhất là phụ nữ giữa tuổi xuân. Một quan điểm thẩm mĩ như vậy đã tạo nên trong thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu  những hình tượng giàu sức sống và đầy “xuân tình xuân sắc”. Tuy nhiên trong xã hội cũ, Xuân Diệu  cảm thấy tình yêu say đắm, nồng nàn của mình không được đáp lại xứng đáng, tựa như “nước đổ lá khoai”. Với Xuân Diệu , thơ mới là đào sâu vào tâm hồn của cái tôi cá nhân, cá thể. Và càng đi sâu càng lạnh. Cho nên con người yêu đời là vậy mà lắm lúc cảm thấy cô đơn, thậm chí muốn trốn đời và trốn cả bản thân mình. Vì vậy trong thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu  mùa xuân và bình minh đi liền với những chiều thu tàn và những đêm trăng lạnh.

5. Xuân Diệu chịu ảnh hưởng của nền văn chương Đông Tây, cổ điển vá hiện đại. Xuân Diệu  đặc biệt chịu ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng của Pháp, như Bôđơle Rimbo Veclen. Thơ tượng trưng hết sức đề cao quan hệ tương giao giữa các giác quan cùng tính nhạc của thơ và mài sắc các giác quan để cảm nhận và diễn tả được những biến thái tinh vi nhất của tạo vật và lòng người. 2 nguồn văn hoá Đông Tây được kết tinh ở một tâm hồn nghệ sĩ đã giúp cho Xuân Diệu  sáng tạo nên những vần thơ súc tích như kết đọng biết bao tinh hoa.

Kết luận: là nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời, Xuân Diệu  đã dễ dàng gắn bó với con người , với nhân dân. Từ một nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới lãng mạn, Xuân Diệu  đã trở thành nhà thơ lớn của văn học Cách mạng. Là một nghệ sĩ đa tài, sau CM, Xuân Diệu  càng phát huy năng khiếu của mình trên nhiều thể loại : bút ký, tuỳ bút, dịch thuật, đặc biệt là nghiên cứu và phê bình văn học. Ở lĩnh vực nào, ông cũng có những đóng góp rất có giá trị.


Đăng nhận xét

 
Top