Ôn thi đại học môn Văn: Tác gia Tố Hữu

            I. Vài nét về tiểu sử:
            - Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 tại Quảng Điền - Thừa Thiên Huế, mất năm 2002 tại Hà Nội. Ông thân sinh nhà thơ là một nhà nho nghèo, rất yêu thơ ca, ham sưu tầm ca dạo, tục ngữ. Từ nhỏ, Tố Hữu được cha dạy làm thơ theo lối cổ. Mẹ Tố Hữu là con một nhà nho rất yêu ca dao, dân ca xứ Huế và giàu lòng thương con. Tố Hữu mồ côi mẹ từ năm 12 tuổi, một năm sau lại phải xa gia đình vào học trường Quốc học Huế. Quê hương và gia đình đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn thơ của Tố Hữu.
            - Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, nhưng rất may Tố Hữu đã được Đảng giác ngộ, dìu dắt. Năm 1938 ông được kết nạp Đảng. Ông đã từng bị thực dân Pháp cầm tù qua các nhà lao Thừa Thiên – Tây Nguyên.
            - Năm 1945, ông là chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa Huế. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến năm 1946, Tố Hữu liên tục giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từng là uỷ viên bộ chính trị, phó chủ tịch hội đồng, bộ trưởng.
            - Ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất chặt chẽ. Sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp Cách mạng. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).

Luyện thi đại học môn Văn: Tác gia Tố Hữu

            II. Những chặng đường thơ Tố Hữu.
            - Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh Cách mạng nên các chặng đường thơ của ông song hành với các giai đoạn đấu tranh ấy, đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng của nhà thơ.
           
1. Từ ấy (1937 – 1946)
            * Hoàn cảnh sáng tác.
            a/ Phong trào mặt trận dân chủ và cuộc vận động tiến tới Cách mạng tháng tám gồm nhiều bài chia làm ba phần: “Xiềng xích” – “Máu lửa” – “Giải phóng”.
            b/ Nội dung:
- Đánh dấu bước trưởng thành của người thanh niên quyết tâm đi theo Đảng, chia sẻ, đồng cảm với cuộc đời cơ cực của những con người nghèo khổ trong xã hội; khao khát tự do, quyết tâm chiến đấu trong chốn lao tù; nồng nhiệt ngợi ca Cách mạng tháng tám.
            - “Từ ấy” là tiếng reo vui của một tâm hồn thanh niên trẻ tuổi được giác ngộ lí tưởng .
           
2. “Việt Bắc” (1947 – 1954)
            - Quân thù trở lại, cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến anh dũng. Việt Bắc là thủ đô kháng chiến “thủ đô gió ngàn”, nơi có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo toàn dân đánh giặc. “Việt Bắc” là bản anh hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến vĩ đại và những con người bình dị mà anh hùnh của cuộc kháng chiến (như các em thiếu nhi: “Lượm”, các anh bộ đội: “Lên Việt Bắc”, các chị phụ nữ: “Phá đường”, các bà mẹ: “Bầm ơi”... và trên tất cả hình ảnh kết tinh phẩm chất dân tộc là Bác Hồ: “Sáng tháng năm”).
            - Tập thơ còn ca ngợi những tình cảm điển hình của con người kháng chiến như tình yêu nước, tình đồng bào, tình quân dân, tình cảm miền ngược với miền xuôi, tình yêu thiên nhiên, tình yêu Đảng, Bác Hồ… và niềm tin tưởng ở ngày mai tươi sáng – “Việt Bắc”.
            - Vào giai đoạn cuối với chiến công Điện Biên hoà bình lập lại, nửa nước được giải phóng đã chắp cánh cho hồn thơ Tố Hữu bay bổng với cảm hứng sử thi mang hào khí thời đại như: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Ta đi tới”. Tập thơ “Việt Bắc” là thành tựu xuất sắc nhất của văn học kháng chiến chống Pháp.
            
3. “Gió lộng” (1955 – 1961)
            - Bước vào giai đoạn này, Cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà.
            - Thơ Tố Hữu bám sát nhiệm vụ chính trị đó. Tập “Gió lộng” vừa thể hiện niềm vui, tự hào và tin tưởng ở công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, vừa bày tỏ tình cảm thiết tha với miền Nam và ý chí thống nhất nước nhà, tình cảm quốc tế anh em rộng lớn.
            - Trong niềm vui với cuộc sống hiện tại, Tố Hữu không quên nghĩ về quá khứ để bày tỏ biết ơn ông cha và những người đi trước mở đường, từ đó càng thấm thía ân tình Cách mạng. Tập “Gió lộng” tiếp tục phát triển cảm hứng sử thi và khuynh hướng khái quát với một cái tôi trữ tình da dạng hơn và một nghệ thuật biểu hiện già dặn, nhuần nhị hơn.
            
4. “Ra trận” (1962 – 1971) và “Máu và hoa” (1972 – 1977).
            - Là những chặng đường thơ Tố Hữu trong những năm chống Mỹ quyết liệt và hào hùng của dân tộc cho đến ngày toàn thắng.
            - Thơ Tố Hữu lúc này là khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công và lời kêu gọi cổ vũ hào hùng cả dân tộc “khắp thành thị nông thôn” vùng lên quyết đập tan đầu Mỹ - Nguỵ.
            - “Ra trận” cũng dành hẳn trường ca “Theo chân Bác” để tái hiện hình ảnh Bác trên những chặng đường lịch sử trong hơn nửa thế kỉ.
            - “Máu và hoa” là những suy ngẫm của nhà thơ về những hy sinh to lớn của dân tộc (máu) để tạo nên những chiến công chói lọi của lịch sử (hoa):
                                    “Phải bao máu thấm trong lòng đất
                                    Mới ánh hồng lên sắc tự hào
            Thơ Tố Hữu những năm chống Mỹ cứu nước mang đậm tính chính luận, chất sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng anh hùng ca.
            
5. Từ 1978 lại đây, thơ Tố Hữu được tập hợp trong hai tập “Một tiếng đờn” (1998) và “Ta với ta” (1999).
            - Trải qua những thăng trầm, những trải nghiệm trước cuộc đời, nhà thơ muốn bày tỏ những suy nghĩ về cuộc sống, về cuộc đời, hướng tới những quy luật phổ biến và tìm kiếm những giá trị bền vững. Giọng thơ vì thế cũng sâu lắng, thấm đượm chất suy tưởng.
            Kết luận:
           Thơ Tố Hữu là một bằng chứng sinh động cho sự kết hợp nhuần nhuyễn ciữa chính trị và nghệ thuật. Con đường thơ của ông là con đường tìm tòi, kết hợp hài hoà hai yếu tố, hai cội nguồn là dân tộc và Cách mạng trong hình thức đẹp đẽ của thơ ca. Với ngôn ngữ, thể thơ giàu tính quần chúng dân tộc, thơ Tố Hữu đã truyền được cho hàng triệu độc giả niềm say mê cho lý tưởng Cách mạng.




Đăng nhận xét

 
Top