Tôi có niềm đam mê rất lớn với môn
Hóa. Tôi học tốt môn Hóa cũng chính vì niềm đam mê đó. Để học tốt môn Hóa cần
phải có tư duy nhanh nhậy, kiến thức theo hệ thống, và đặc biệt không thể thiếu
chính là niềm đam mê.
Những ngày đầu hạ
tháng 4 được coi là những ngày khá vất vả với Nguyễn Thanh Hải – cậu sinh
viên ĐH Y khi phải đối mặt với lịch học dày đặc, với lịch thi học kỳ kín mít,
nhưng Hải vẫn dành thời gian gửi mail về Hocmai.vn để chia sẻ những tâm sự, những
kỷ niệm, cùng với những phương pháp học tập quý báu của mình với môn Hóa…
Hóa học - niềm đam
mê lớn của tôi
Tôi có niềm đam mê
rất lớn với môn Hóa. Tôi học tốt môn Hóa cũng chính vì niềm đam mê đó. Để học
tốt môn Hóa cần phải có tư duy nhanh nhậy, kiến thức theo hệ thống, và đặc biệt
không thể thiếu chính là niềm đam mê.
Thầy tôi đã từng
nói, bất cứ người học Hóa nào cũng phải biết, “Hóa học là khoa học của thực
nghiệm”, mọi lý thuyết dù có hợp lý đến mấy cũng vô nghĩa nếu không được thực
nghiệm chứng minh. Hóa không phải là môn khoa học phi thực tế. Việc học Hóa có
ý nghĩa thế nào trong cuộc sống, theo tôi, nên để mỗi bạn tự khám phá, dành cho
nó cái nhìn khách quan, thì bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra những điều rất thú
vị tiểm ẩn trong nó và niềm đam mê từ đó sẽ tự nảy sinh.
Tôi bắt đầu yêu thích môn Hóa từ
ngày học THCS. Nhưng môn Hóa đã thật sự “đi vào” cuộc sống của tôi từ khi tôi
gặp người thầy, người bác đã ôn thi Đại học môn Hóa cho tôi. Tuy bác đã có
tuổi, có nhiều vấn đề về sức khỏe, những vẫn nhiệt tình dạy dỗ cho tôi, nhiều
đêm mấy thầy trò gần như thức trắng để chữa bài tập. Bác còn tự mày mò nghiên
cứu về máy tính, về mạng để lấy tài liệu dạy học và nghiên cứu về môn Hóa.
Những điều đó đã “truyền lửa” cho tôi, giúp tôi có đam mê thật sự với Hóa học.
Học Hóa đừng để mất gốc
Môn Hóa là môn học có hệ thống, yêu
cầu người học phải nắm chắc các kiến thức từ gốc để có thể đạt kết quả cao nhất
trong việc ôn tập. Do đó, khi học và ôn thi môn Hóa, nên nắm chắc các kiến thức
cơ bản, nếu không sẽ rất khó trong cả lý thuyết lẫn bài tập. Nhưng sẽ rất nhàm
chán nếu môn học chỉ là lý thuyết suông. Bạn hãy tự tay làm môt số thí nghiệm
nhỏ (nhớ phải đảm bảo an toàn đấy), hoặc xem một số clip thí nghiệm, phản ứng
sẽ giúp bạn cảm thấy khá thú vị và nhanh hiểu bài hơn.
Không chỉ môn Hóa, mà môn học nào
cũng có cần có gốc vững vàng, và sau đấy mới là những phương pháp riêng để học
dễ dàng hơn. Ngày trước, tôi có một mẹo nhỏ là liên hệ những phần mới và cũ với
nhau xem nó giống nhau ở những điểm nào, rồi tự khái quát thành những quy luật
nhỏ cho dễ nhớ. Còn nếu bạn rơi vào trường hợp bị rỗng kiến thức môn Hóa ngay
từ đầu, thì bạn nên nhanh chóng bổ sung những kiến thức cơ bản nhất làm gốc,
trước khi ôn tập những phần chính trong đề thi Đại học.
Điểm 10 cũng cần yếu tố may mắn
Khi bạn đã có kiến thức tốt, thì
việc được điểm 10 hay không chủ yếu nằm ở sự cẩn thận trong học tập và làm bài
thi, không bỏ qua một chi tiết nào của từng bài học và cộng thêm yếu tố may mắn
nữa, sẽ giúp bạn có 1 bài thi hoàn hảo. Thật vui là trong kỳ thi Đại học vừa
rồi tôi đã làm được cả 2 điều đó.
Ngoài ra, chương trình thi, các phần
trọng điểm trong đề thi Đại học năm nào cũng đều được nêu rất rõ trong hướng
dẫn của Bộ Giáo dục gửi về từng trường THPT , chúng ta nên tự cập nhật để ôn
tập cho tốt. Theo kinh nghiệm của tôi thì đề thi Đại học chỉ ra bám sát chương
trình SGK, đề thi không đánh đố, nhưng có nhiều câu hỏi nâng cao, mở rộng từ
kiến thức SGK để phân loại học sinh. Do đó, các bạn không nên chỉ bó buộc việc
học của mình ở những gì SGK viết, mà nên tìm tòi học hỏi thêm để có kết quả thi
Đại học tốt nhất. Tuy nhiên đề thi Đại học hoàn toàn không có những câu nằm
ngoài chương trình, nên để được điểm 10 các bạn không nên học tràn lan, mà nên
ôn thật sâu, thật chắc các kiến thức trong Đề thi theo hướng dẫn của Bộ Giáo
dục.
Cẩn thận bị “chết” bởi “tủ đè”
Học “tủ” có ưu điểm là vừa mất ít
thời gian, vừa có cơ hội được điểm cao, tất nhiên là nếu bỏ qua khả năng phải
nộp bài trắng khi bị “tủ đè” .
Theo tôi học tủ là hoàn toàn không
nên, đơn giản là chúng ta không được đào tạo để trở thành một nhà tiên tri hay
một nhà tâm lý học. Việc ngồi 1 chỗ và đoán xem giáo viên sẽ ra đề vào phần nào
thật là vô lý.
Trước khi thi, bạn nên xem trước cấu
trúc đề thi, hoặc ít nhất là nên xem phần nào sẽ chiếm nhiều điểm nhất trong đề
thi để ôn tập cho kĩ. Nếu để “chết” vì bị tủ đè thì thật là mất mặt phải không?
Trên đây là những
dòng chia sẻ của bạn Thanh Hải với thành viên Hocmai.vn chúng mình về phương
pháp học môn Hóa sao cho có kết quả tốt nhất. Các bạn tham khảo và cho ý kiến
nhé!
|
Bạn: Nguyễn
Thanh Hải
Thủ khoa ĐH Ngoại thương Hà Nội 2008
với điểm số Toán: 10; Lí: 10; Hóa: 10
Thủ khoa ĐH Y Hà Nội 2008 với điểm
số Toán: 9.75; Hóa: 9.5 ; Sinh: 9.5
Nhiều năm liền là học sinh giỏi
cấp tỉnh.
Thanh Hải vinh dự đại diện cho các
thủ khoa miền Bắc báo cáo thành tích với Phó Thủ tướng. Chàng sinh viên
Nguyễn Thanh Hải hiện đang giữ vị trí phó bí thư của lớp.
|
Nguồn Hocmai.vn
Đăng nhận xét