Trước khi đọc bài, tôi xin khẳng định với các bạn tôi là một người ham chơi và tương đối lười học, nói như thế để các bạn biết rằng đây không phải là bài viết của một con mọt sách đích thực.
Trước đây chúng ta quy định thời gian học phổ thông là mười năm, sau đó đổi thành mười hai năm giống như hầu hết các quốc gia (có khác chỉ là cách phân thời gian học ở các cấp, ở nhiều nước, cấp 1 kéo dài sáu thay vì năm năm như chúng ta, có điều đó không ảnh hưởng gì lớn). Vậy có thể khẳng định phần nào, mười hai năm là quãng thời gian cần thiết để có thể giáo dục nên một con người có đầy đủ kiến thức phổ thông.
Nhưng gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng chỉ cần học phổ thông chín năm là đủ. Ý kiến này dựa trên những luận điểm:
- 16 tuổi (học hết lớp 9) là đủ độ trưởng thành, chín chắn để có thể xác đinh hướng đi cho tương lai, xác định điều gì cần thiết cho cuộc sống.
- Chương trình học cấp ba quá nặng và nhiều thứ không cần thiết, học khoa học tự nhiên thì không cần đến cảm thụ văn học, học khoa học xã hội thì không cần đến phương trình chuyển động…
- Thi tốt nghiệp cấp phổ thông có nhiều tiêu cực, tốn kém…
Đây là những luận điểm thoạt nghe vô cùng thuyết phục, nhưng nếu phân tích kỹ, thực tế lại vô cùng phi lý.
Thứ nhất, 16 tuổi là đủ độ trưởng thành?
Không phải tự nhiên mà hầu hết các quốc gia đều quy định mười tám tuổi mới là độ tuổi trưởng thành, chịu trách nhiệm trước pháp luật, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân. Điều đó chắc chắn đã được kinh qua rất nhiều các nghiên cứu về tâm lý học, sinh lý học, xã hội học v…v. 16 tuổi, cái tuổi mộng mơ, dở dở ương ương, thay đổi sở thích nhanh hơn thời tiết ấy liệu có đủ năng lực để xác định con đường mình đi trong tương lai, đủ năng lực để xác định đam mê cả đời của mình? Chắc chắn là không. Cái ngày tôi 16 tuổi, tôi vẫn còn thích lắm nghề luật sư, bây giờ nhìn lại những thứ mấy đứa bạn trường luật đang học, tự nhiên thấy thở phào nhẹ nhõm…
Thứ hai, chương trình học phổ thông quá nặng, nhiều thứ không cần thiết?
Đây là luận điểm rất có sức thuyết phục bởi nó đánh vào tâm lý chúng ta, cảm giác rằng những kiến thức đã học phổ thông hình như chẳng áp dụng gì vào cuộc sống. Thực ra không phải như thế. Tôi xin lấy vài ví dụ: Chắc có nhiều người đã đọc qua các tác phẩm của Dan Brown, ngoài tài năng văn học, trí tưởng tượng phong phú, cái để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc đó là phông kiến thức cực rộng và sâu sắc của ông, từ toán học, tin học, mật mã, lịch sử, văn hoá, tôn giáo..v..v.. Tất nhiên trong quá trình sáng tác, ông cần phải tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên ngành, nhưng chắc chắc để làm được điều đó, Dan Brown chắc chắc phải phải có kiến thức phổ thông ở tất cả các lĩnh vực tự nhiên cũng như xã hội.
Bạn là một nhà thơ cũng được, nhưng bạn biết trả lời thế nào khi con bạn hỏi: “Ba ơi, tại sao bầu trời lại có màu xanh?” “Tại sao cầu vồng lại đẹp thế ?” Câu trả lời nằm trong phần về “ánh sáng” trong chương trình vật lý cấp ba. Bạn là một nhà báo cũng được, nhưng nếu không học về sinh học cấp ba phần về “di truyền nhóm máu” bạn sẽ không thể thấy bất thường khi mà bạn và vợ có nhóm máu O, còn đứa con ruột lại có nhóm máu A. Bạn là một kỹ sư cũng được, nhưng bạn biết dạy con về tình yêu nước thế nào khi mà bạn không cả hiểu rõ về ba lần thắng quân Mông Nguyên? Nếu bạn muốn có một cái nhìn hoàn thiện về xã hội, cuộc sống xin đừng bao giờ có ý nghĩ học cái gì là không cần thiết!
Làm ơn trước khi chỉ trích chương trình học, chỉ trích người giáo viên thiếu tâm huyết, biện pháp, các bạn học sinh xin hãy nhìn lại mình đã thực sự nghiêm túc với việc học hành? thực sự khát khao kiến thức? xin đừng ngáp ngắn ngáp dài khi nhìn những cuốn sách lịch sử, đừng hoa mắt chóng mặt trước những phương trình, các pháp tính tích phân, hãy tự tìm cho mình sự lý thú trong đó!
Có thể các bạn không tin, hoặc cho rằng tôi thần kinh không bình thường, nhưng cá nhân tôi đã từng từ chối việc học chuyên sâu một môn chuyên để đi thi, thay vào đó được lên lớp, được học đầy đủ các môn phổ thông bình thường. Có thể giờ đây tôi không còn nhớ toàn bộ những gì đã học, nhưng tôi không thể phủ nhận, nền tảng kiến thức phổ thông giúp ích cho tôi rất nhiều, không chỉ trong sự nghiệp học hành, mà còn trong cuộc sống.
Đăng nhận xét