Luyện thi đại học: Về bài: "Nguyễn Đình Chiểu" của Phạm Văn Đồng

            A. MỞ BÀI:
            Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) quê ở xã Đức Tân, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, không chỉ là một nhà chính trị, nhà ngoại giao mà còn là một nhà văn hóa lớn. Ông có nhiều công trình về văn nghệ nước nhà và đã viết nhiều bài nghị luận độc đáo, đặc sắc về tiếng Việt, về Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh… Bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” là một trong số bài nghị luận như thế.

B. THÂN BÀI
            Đây là một bài văn nghị luận hoàn chỉnh và trọn vẹn. Vì vậy, bố cục của bài văn được chia làm ba phần rõ rệt:
            1. Mở bài:
            Từ đầu đến “một trăm năm”: phải có cái nhìn mới mẻ sâu sắc, đúng mức về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và văn thơ của ông.
            2. Thân bài:
            Từ “Nguyễn Đình Chiểu” đến “Lục Vân Tiên”. Ở phần này, Phạm Văn Đồng nêu ba luận điểm chính cần triển khai để làm sáng tỏ luận đề cơ bản: “ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu có ánh sáng khác thường, càng nhìn càng thấy sáng” để làm sao cho ngôi sao ấy “phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này”. Ba luận điểm đó là : điểm đặc biệt của cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu; cách đánh giá đúng đắn thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu (đặc biệt là bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”); cuối cùng là sức hấp dẫn, sức sống của bản trường ca “Lục Vân Tiên”.

            3. Kết bài:
            Khẳng định lại vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc: “Nguyễn Đình Chiểu là một người chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta… Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng”.

Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc

           
PHÂN TÍCH CÁC LUẬN ĐIỂM
            1. Cuộc đời và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.
            a/ Với Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương chói sáng về tinh thần yêu nước (nồng nàn) và lòng căm thù giặc cháy bỏng: “cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là của một chiến sĩ hy sinh phấn đấu vì một nghĩa lớn.
            b/ Với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chức. Nguyễn Đình Chiểu sử dụng văn thơ như một vũ khí sắc bén chống quân xâm lược, ca ngợi chính nghĩa, ca ngợi anh hùng, những đạo đức cao quý ở đời: “thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng”:
 “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm.
 Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
 “Bài phẩm của ông là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm”.
            c/ Nguyễn Đình Chiểu quan niệm làm người phải có khí tiết, tức là phải có tâm hồn trong sáng, không vì danh lợi mà đánh mất mình, làm những điều bất nhân, bất nghĩa. Làm người phải phấn đấu vì nghĩa lớn, vì dân, vì nước. Vì vậy “các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, ngoài những giá trị nghệ thuật còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại”. Tình cảnh đất nước, cảnh ngộ riêng càng long đong đen tối thì khí tiết của người chiến sĩ yêu nước càng cao cả, rạng rỡ:
                                    “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt
                                    Lòng đạo xin tròn một tấm gương
            2. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là “một vì sao có ánh sáng khác thường”.
            Phương pháp lập luận, phân tích của Phạm Văn Đồng rất khoa học. Lênin từng nói: “Trước mắt ta thực sự là một nghệ sĩ vĩ đại thì tác phẩm của ông ta phải phản ánh được vài ba mặt cơ bản của cách mạng, của hiện thực”. Ở đây, Phạm Văn Đồng đặt thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu vào hoàn cảnh cụ thể của phong trào chống Pháp “oanh liệt và bền bỉ” của nhân dân Nam Bộ thời bấy giờ “từ 1860 về sau, suốt 20 năm trời”. Trên cái nền lịch sử ấy, tác giả Phạm Văn Đồng đã khẳng định giá trị lớn lao của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là đã “làm sống lại trong tâm trí chúng ta phong trào, khí phách oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ 1860 trở về sau” và đã “ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại”. Vì thế thơ văn Đồ Chiểu, đặc biệt là những bài văn tế tất yếu chiếm vị trí lá cờ đầu của thơ văn yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX.
            Từ đó, Phạm Văn Đồng đi sâu phân tích, chứng minh và ngợi ca bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”:Chúng ta hãy đọc lại nhiều đoạn trong bài văn tế… Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm ta nhớ tới bài “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi. Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là khúc ca những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang… Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật là sinh động và hào hùng cảm tình của dân tộc với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước”. Bằng trí tuệ sắc sảo, bằng một trái tim với niềm xúc động trào dâng, Phạm Văn Đồng đã viết nên những câu văn sắc sảo nhất, hấp dẫn nhất làm lay động hàng triệu trái tim người đọc. Có lẽ xưa nay, chưa ai đánh giá cao và đúng đắn về bài văn tế như thế.
            3. Sức hấp dẫn và sức sống của bản trường ca “Lục Vân Tiên
            Ở trường ca này, Phạm Văn Đồng cũng đã nhìn ra được “ánh sáng khác thường”. Tác giả lập luận theo lối đòn bẩy. Tác giả rất khoa học và trung thực khi không phủ nhận những sự thực: “Những giá trị luân lý của Nguyễn Đình Chiểu đã có phần lỗi thời… văn chương Lục Vân Tiên” có những chỗ “lời văn không hay lắm”. Đây là lúc tác giả “hạ xuống” nhưng liền sau đó là để “nâng lên” khẳng định: Lục Vân Tiên có thể trở thành tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu và rất được phổ biến trong dân gian. Bởi vì, trước hết Lục Vân Tiên là “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những con người trung nghĩa”. Đó là điều chúng ta cần “hiểu đúng” để có thể “thấy hết giá trị” của “tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu” này. Sau nữa, “Lục Vân Tiên” mang những nội dung tư tưởng, đạo đức gần với quần chúng nhân dân cả thời xưa lẫn thời nay, và do đó, được họ “cảm xúc và thích thú”. Truyện lại có một lối kể chuyện, nói chuyện “nôm na, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá trong dân gian”. Như vậy Phạm Văn Đồng đã đứng trên lập trường nhân dân để có cách đánh giá khách quan, rất khoa học, rất sâu sắc về tác phẩm văn học. đúng như trong một bài bàn về “cách viết”, Bác Hồ luôn căn dặn các nghệ sĩ phải giải đáp được các câu hỏi sau đây khi cầm bút: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, Viết như thế nào?”…

            C. KẾT LUẬN
            Tóm lại, bài văn “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là bài nghị luận văn chương xuất sắc. Bằng trí tuệ sắc sảo và trái tim nhạy cảm, vốn hiểu biết văn học sâu rộng của một nhà văn hoá lớn, Phạm Văn Đồng đã có một cách nhìn mới mẻ, đúng đắn, sâu sắc vừa thấu lý, vừa đạt tình về “vì sao văn học Nguyễn đình Chiểu”. Bài văn không chỉ thức tỉnh lý trí mà còn lay động trái tim người đọc. Bài viết ra đời trong không khí quê hương Bến Tre của Đồ Chiểu đồng khởi “cờ phất bừng tươi đất Mỏ Cày” đã có sức cổ vũ lớn lao đối với khí thế chống Mỹ của đồng bào miền Nam ruột thịt. Ngày ấy, bài văn là nén tâm hương đốt lên nhân ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu, hẳn giờ đây, nén hương lòng ấy vẫn còn toả hương ngạt ngào làm vui lòng “người con quang vinh của dân tộc” đang ngậm cười chín suối.

Đăng nhận xét

 
Top