Vẽ biểu đồ hoặc lược đồ Việt Nam là phải
thể hiện bằng bút mực đang sử dụng để làm bài, không được thể hiện bằng bút chì
cũng như bất kỳ một loại mực nào khác, bút chì chỉ được vẽ đường tròn mà thôi,
nếu không, bài làm sẽ bị phạm quy.
Củng cố lại kiến thức cơ bản một cách
toàn diện: Cần củng cố lại kiến thức
theo từng phần, từng chương, từng bài hoặc theo từng chủ đề, nội dung nhất định
với cấu trúc và dàn ý một cách khoa học, để từ đó có thể bao quát được toàn bộ
chương trình và từng vấn đề.
Nắm chắc chắn và thuần thục các kỹ năng
cần thiết: Tính toán, xử lý số liệu, vẽ
biểu đồ: đây là một yêu cầu rất thường gặp trong đề tuyển sinh ĐH-CĐ các năm
qua. Thường là dựa vào bảng số liệu đã cho, từ đó tính toán, xử lý số liệu để vẽ
biểu đồ. Yêu cầu vẽ biểu đồ thường phải là biểu đồ thích hợp nhất, cần phải
phân biệt rõ ràng về đặc điểm, ý nghĩa của các loại biểu đồ để chọn chính xác,
phù hợp với yêu cầu của đề bài.
Nhận xét bảng số liệu hoặc biểu đồ: Cần
phải nêu được bản chất của hiện tượng, nếu hiện tượng diễn ra qua nhiều năm thì
cần nêu sự biến động của nó qua thời gian (cả thời kỳ, từng giai đoạn) cũng như
so sánh các đối tượng với nhau.
Vẽ lược đồ Việt Nam: đây là một yêu cầu
mới đề thi ĐH-CĐ năm nay, gồm hai phần:
- Vẽ lược đồ Việt Nam: với chiều dài bằng
tờ giấy thi, hình dạng thực tế của lãnh thổ tương đối chính xác với mạng lưới
kinh vĩ tuyến (hệ thống các ô vuông), có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lưu ý vẽ hình dạng thực tế của lãnh thổ nhưng không nên quá chi tiết.
- Điền vào một số đối tượng địa lý: thường
gặp là các dãy núi, một số đỉnh núi cao, các hệ thống sông, các cửa khẩu, các
nhà máy thủy điện, nhiệt điện, các trung tâm công nghiệp, phân bố một số cây trồng,
vật nuôi, một số tuyến giao thông quan trọng (đường bộ, đường sắt), các hải cảng,
sân bay...
Cần biết vận dụng kiến thức để giải quyết
vấn đề: Vận dụng kiến thức là một yêu cầu có tính nâng cao về kiến thức, thể hiện
khả năng sáng tạo của thí sinh nên rất phù hợp với một đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ.
Muốn vận dụng được kiến thức, cần phải nắm vững, hiểu rõ kiến thức và biết cách
vận dụng kiến thức theo yêu cầu của đề bài. Sau đây là vài ví dụ cơ bản:
Ví dụ 1:
Trình bày ảnh hưởng của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo
lãnh thổ đến vấn đề việc làm ở nước ta (đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2002).
Thí sinh phải biết vận dụng kiến thức để
nêu được:
a. Sự chuyển dịch kinh tế theo ngành và
theo lãnh thổ (nêu khái quát dựa vào bài học)
b. Ảnh hưởng đến việc làm: Đa dạng hóa
kinh tế nông thôn, đưa nông nghiệp tự cung, tự cấp lên sản xuất hàng hóa, phát
triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn
vững chắc hơn; Phát triển công nghiệp, dịch vụ nhất là các ngành cần nhiều lao
động ở thành thị sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho thanh niên; Chuyển dịch cơ cấu
kinh tế theo lãnh thổ song song với phân bố lại dân cư lao động giữa các vùng
góp phần tạo việc làm và nâng cao chất lượng lao động.
Ví dụ 2:
So sánh sự khác nhau về điều kiện sản xuất cây công nghiệp giữa vùng
trung du miền núi Bắc Bộ và Đông Nam Bộ (đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2008).
Yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức
về điều kiện sản xuất cây công nghiệp của mỗi vùng và so sánh sự khác biệt theo
các nhân tố để nêu được:
a. Điều kiện tự nhiên:
* Địa hình: Đông Nam Bộ (ĐNB) ít bị chia
cắt hơn, thuận lợi tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn so với trung du miền núi
Bắc Bộ (TDMNBB).
* Đất: TDMNBB có nhiều đất feralit trên
đá vôi, đá gơnai, đá phiến... còn ĐNB chủ yếu đất đỏ badan và đất xám bạc màu.
* Khí hậu: TDMNBB có một mùa đông lạnh
và phân hóa theo độ cao của địa hình, ĐNB mang tính chất cận xích đạo.
b. Điều kiện kinh tế xã hội:
* Dân cư lao động: TDMNBB thưa dân nên hạn
chế về lao động, trình độ lao động thấp; ĐNB tập trung và thu hút nhiều lao động,
đặc biệt lao động có trình độ cao.
* Cơ sở vật chất kỹ thuật: TDMNBB còn thấp
kém, thiếu thốn. ĐNB phát triển hàng đầu cả nước.
* Thị trường: ĐNB có nhiều lợi thế hơn cả
về thị trường trong vùng và bên ngoài.
* Về đầu tư: ĐNB có khả năng thu hút mạnh
về đầu tư, đặc biệt đầu tư của nước ngoài hơn nhiều so với TDMNBB.
Phải cẩn thận trong làm bài thi:
Đọc đề thật kỹ, có thể đọc vài lần, chú
ý đến các câu, các từ quan trọng để xác định đúng yêu cầu của đề bài, tránh làm
lệch hướng, thậm chí có thể làm sai đề. Câu dễ làm trước, khó làm sau. Dù câu dễ
hay khó cũng cần thiết viết lên giấy nháp dàn ý cơ bản trước khi làm vào bài
thi nhằm giảm thiểu tình trạng bổ sung hoặc gạch bỏ kiến thức. Vẽ biểu đồ hoặc
lược đồ Việt Nam là phải thể hiện bằng bút mực đang sử dụng để làm bài, không
được thể hiện bằng bút chì cũng như bất kỳ một loại mực nào khác, bút chì chỉ
được vẽ đường tròn mà thôi, nếu không, bài làm sẽ bị phạm quy. Trong bài làm
các em có thể sử dụng các mục 1, 2, 3... , a, b, c..., dấu gạch đầu dòng ( - ) một cách bình thường để thể hiện các ý
diễn đạt, không được dùng các ký hiệu bất thường.
ĐOÀN VĂN XUÂN
(giáo viên trường THPT chuyên Lê
Quý Đôn, Khánh Hòa)
Theo TNO
Đăng nhận xét