Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH
môn Vật lí đều được ra dưới hình thức trắc nghiệm. Để làm bài thi tốt, học sinh
cần lưu ý một số vấn đề sau.
I. Học bài mới
1. Phần lý thuyết:
- Các định nghĩa, khái niệm, định luật:
cần cố gắng hiểu rõ và nhớ chính xác từng ý nghĩa của các mệnh đề được phát biểu.
- Các công thức: cần hiểu rõ ý nghĩa,
đơn vị của từng đại lượng.
- Tập thói quen tự làm dàn bài tóm tắt
bài học theo ý mình sau khi vừa học xong để sao cho khi học theo dàn bài, ta dễ
dàng hiểu và nhớ chính xác bài học.
2. Phần bài tập:
- Làm đầy đủ bài tập (từ dễ đến khó)
trong sách giáo khoa và sách bài tập Vật lí 12 do Bộ GD-ĐT phát hành. Với hầu hết
bài trong các bài tập này, HS sẽ làm được không khó khăn lắm nếu học kỹ phần lý
thuyết.
- Ở từng chương trong sách bài tập thường
có một hay hai bài tập mức độ khó, cần cố gắng làm những bài tập này sau khi
làm các bài tập dễ và trung bình.
II. Ôn tập
- Cần tự làm dàn bài tóm tắt từng
chương. Việc làm này nhiều HS tưởng rằng mất thời gian, nhưng thật ra rất tiết
kiệm thời gian và rất hiệu quả để nhớ lâu và nắm vững phần lý thuyết (vì chỉ tốn
thời gian lần đầu để hệ thống từng chương, những lần sau khi ôn tập rất dễ nhớ
lại kiến thức của cả chương).
- Làm lại các bài tập cơ bản trong sách
giáo khoa và sách bài tập để nhớ sâu phần lý thuyết và tăng cường kỹ năng
nhanh, nhạy trong việc làm các câu hỏi trắc nghiệm định lượng. Cố gắng giải những
bài tập mà lần đầu tiên chưa giải được.
Lưu ý thêm:
* Đề thi môn Vật lí lúc nào cũng có đủ
hai phần định tính và định lượng, HS cần coi trọng cả hai phần lý thuyết và bài
tập, đặc biệt không học qua loa phần lý thuyết vì có nắm vững lý thuyết nhuần
nhuyễn mới giải quyết tốt các câu hỏi trắc nghiệm định tính và định lượng. Do
đó đừng học lý thuyết bằng cách nhồi nhét mà cần phải hiểu thật rõ ý nghĩa để
biết phân tích, suy luận khi làm các câu hỏi trắc nghiệm.
* Đề thi trắc nghiệm gồm 50 câu rải đều
trong cả chương trình nên không được học tủ, không được bỏ bài học nào.
* Không nên tập trung làm những bài tập
quá dài và khó, đòi hỏi nhiều thời gian vì những bài như vậy không phù hợp với
lối thi trắc nghiệm (do thời gian không cho phép). Ưu tiên làm các bài tập cơ bản
do giáo viên hướng dẫn tại lớp, trong sách giáo khoa và sách bài tập do Bộ
GD-ĐT ban hành, sau khi thuần thục mới làm thêm các bài tập phù hợp và giải thử
các đề trắc nghiệm để rèn luyện kỹ năng.
III. Các vấn đề cần lưu ý khi làm bài
thi trắc nghiệm môn Vật lí
- Đọc lần lượt từ trên xuống dưới, câu
nào chắc chắn giải được trong thời gian ngắn thì làm ngay và tô ngay phương án
lựa chọn vào phiếu trả lời.
- Lần thứ nhì tiếp tục giải những câu
khó hơn và cứ tiếp tục đến khi hết thời gian.
Lưu ý thêm:
* Đợt làm đầu tiên không nên "sa lầy"
vào những câu làm mất quá nhiều thời gian, vì câu nào cũng có điểm như nhau,
không phân biệt câu dễ hay khó. Mặt khác, nếu số câu hỏi còn nhiều mà thời gian
làm bài còn ít sẽ mất bình tĩnh dẫn đến làm sai nhiều.
* Khi thời gian làm bài thi gần hết mà
còn một số câu chưa giải quyết xong, nên chọn nhanh phương án trả lời cho tất cả
câu này, không bỏ sót câu nào.
Theo Thầy Võ Văn Dũng
(phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng
Hiền, TP.HCM)
(Tuổi Trẻ)
Đăng nhận xét