"Dù các em là ai (sức học thế nào)
hãy học với tâm thế quyết thắng (chứ không phải cho qua, cố kiếm điểm 5), đừng
để ta phải sợ Vật lí mà phải để môn Vật lí... sợ ta!"
Đây là một bài viết rất vui và bổ ích -
“quà tặng” mà thầy Nguyễn Văn Phương, giáo viên môn Vật lí (trường THPT Nguyễn
Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) gửi đến các bạn.
Môn thi Vật lí có đặc điểm bao gồm cả lí
thuyết và bài tập. Đa số học sinh sợ học lí thuyết Không học bài thì... hết thuốc
mà học nhiều thì... hết hơi! Vậy phải hiểu rõ bài, nắm chắc cái cốt lõi (đọc
SGK kĩ và nhờ thầy cô trong lớp).
Không học tủ, “đoán” trọng tâm vì Bộ đã
cho biết cấu trúc đề thi: mỗi chương có bao nhiêu câu rất rõ nên phải học hết
thôi. Học sinh thường bỏ những phần học thấy nản, hay chỉ học lơ mơ... lấy có,
hì hì, như thế nghĩa là đã “chấp nhận thương đau” vì người ra đề thường ra đúng
ngay những câu như vậy!
Học theo SGK, vì đó tài liệu chính thống
mà người ra đề “rút ruột” cho thi. Những câu hỏi điều xoay quanh những điều đã
học, cho dù là có suy luận gì thì cũng “theo bài học ta có...”. Và dùng thêm
sách của Nhà Xuất bản Giáo dục để vừa làm quen câu hỏi trắc nghiệm vừa nắm vững
vàng thêm lí thuyết. Học sinh thí điểm phân ban học bộ 1 cũng nên kiếm bộ 2 làm
tài liệu thêm phong phú và ngược lại. Còn HS đại trà cũng nên kiếm 2 bộ sách
bài tập (có câu hỏi trắc nghiệm) của bên thí điểm phân ban để “làm quen”.
Làm bài tập cũng theo SGK, nhất quyết đi
đường “chính thống giáo”. Các dạng bài tập ở đây cũng đủ và rất căn bản. Đề thi
không ai “làm khó” như ta tưởng đâu. Nếu thích thì chỉ làm những bài tập “đao
to búa lớn” khi đã vững vàng. Đừng bước vào mê hồn trận mất thì giờ công sức mà
không được kết quả (chưa kể còn bị thui chột chí khí... luyện thi!). Quan trọng
là học phải ÔN, ÔN NỮA, ÔN MÃI.
Đó là cách học. Còn trợ thủ cho việc học
(“giám đốc” cũng phải có “thư kí” mà!) là phải rèn vài kĩ năng. Thí dụ như học
quang hình mà không vẽ được hình, không biết thật/ảo thì “game over”. Học
chương quang điện, vật lí hạt nhân, tính toán mà bấm máy lọng cọng thì liệu mà
bấm đến... năm sau luôn. Học dao động con lắc lò xo, con lắc đơn mà không phát
thảo được cái hình cứ ngồi tưởng tượng mất thì giờ lắm (chưa kể là khó mà tưởng
tượng!). Học điện xoay chiều mà vấn đề “pha” không vững chỉ biết có công thức
là coi chừng “ú ớ”. Giải bài toán cực trị mà cứ thẳng một đường “toán” lấy đạo
hàm thì lắm khi “dao to chém cá bé”... (bởi “luyện” là... vậy đó).
Bài làm trắc nghiệm hiện máy chấm chỉ lập
trình một dạng (chọn 1 trong 4 chọn lựa) nên ta có thể giải quyết bằng cách loại
suy, tương đồng... Bài thi do phải xáo trộn 1 đề gốc ra nhiều đề nên không thể
có “liên hoàn câu hỏi” dính chùm nhau để lấy kết quả câu trên dùng làm dữ liệu
cho câu dưới nên nói chung không có bài toán lớn, phức tạp (thường chỉ 1, 2 bước
tính mà thôi). Gặp trường hợp không biết giải thì sao? Tình thế nào cũng có giải
pháp, ta làm... ngược, lấy kết quả A/ B/ C/ D ở đáp án thế vào đầu bài, trúng
thì... OK. Và nếu “bí” đường cũng cứ biết đâu đến đó, không nên bỏ trống.
Cái huyệt ở đầu là quan trọng nhất, dù
các em là ai (sức học thế nào) hãy học với tâm thế đùng đùng quyết thắng (chứ
không phải cho qua tụ, cố kiếm điểm 5) đừng để ta phải sợ Vật lí mà phải để môn
Vật lí... sợ ta!
Theo Mực Tím
Đăng nhận xét