Thầy Nguyễn Quang Ninh
Nội dung giao lưu trực tuyến:
-          Định hướng ôn tập môn Ngữ văn với đề thi khối C, D năm 2011
-          Kinh nghiệm, lời khuyên khi làm bài thi môn Ngữ văn trong kì thi đại học, cao đẳng năm 2011.



Nội dung trả lời của thầy Nguyễn Quang Ninh:
Em thấy hai kì thi đại học môn Văn khối C gần đây trong câu 5 điểm (chọn 1 trong 2 câu) đều có một câu về thơ và một câu về văn xuôi. Vậy thầy cho em hỏi cấu trúc đề thi năm nay có tương tự như 2 năm trước không ạ? (thainguyenvedeptieman@gmail.com, haduyen9x, phuthuynhodethuong93)

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Cấu trúc đề thi năm nay vẫn như các năm trước, em có thể tham khảo đề thi của năm 2008-2009, 2009-2010.
Em muốn hỏi giả sử là bài văn thi nghị luận về một tư tưởng đạo lí trong các kì thi năm nay đề cập đến một câu danh ngôn hoặc tục ngữ nước ngoài mà khá trừu tượng. Vậy thì làm thế nào để ta có thể tiếp cận được đề và hiểu đúng ý nghĩa mà câu danh ngôn muốn nhắc đến. (misschiu)

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Bài làm một câu danh ngôn nước ngoài hay trong nước thì cách làm vẫn giống như thầy giáo đã hướng dẫn trong bài giảng trên mạng về các bước làm một bài văn nghị luận.
Em chào thầy! Chuẩn bước vào mùa thi 2011, thật sự e rất lo lắng em học khối D nên e muốn hỏi thầy 1 số câu hỏi:
- Xu hướng ra đề Văn năm 2011 khối D sẽ như thế nào? Em thấy các năm gần đây, đề Văn ở câu 2 điểm thường tập trung hỏi về một hoặc một số vấn đề trong tác phẩm chứ không hỏi về mảng kiến thức cụ thể (tác giả, đặc điểm Văn học Việt Nam qua các giai đoạn…). Liệu năm nay có như vậy không ạ?
- Làm thế nào để viết được mở bài, kết bài hay, hợp lí, đủ ý, đặc biệt là đạt điểm tối đa bởi theo em thì đây sẽ là phần gỡ điểm cho thí sinh.
- Chữ viết có tính vào phần điểm thi không ạ, chữ em khá xấu em lo lắng bị trừ điểm thi?
Thầy Nguyễn Quang Ninh:
- Xu hướng ra đề là mảng nào chưa ra thì họ sẽ ra chứ không có vùng nào là cấm kỵ cả. Câu 2 điểm là nhằm kiến thức về tác giả, tác phẩm, khái quát lịch sử văn học (Ví dụ: Nêu một số đặc điểm hoặc thành tựu văn học 1945-1975; nêu sự nghiệp văn học, phong cách một tác giả nào đó – viết ngắn gọn hoặc đặc sắc nghệ thuật, những nội dung chính của các tác phẩm…)
- Phần mở bài thường là nếu tác giả, tác phẩm và đoạn thơ, nhân vật, giá trị tư tưởng chính của tác phẩm (Nếu là phân tích đoạn thơ thì nêu giá trị, nội dung cơ bản đoạn thơ đó; nếu là nhân vật thì nêu nét chính của nhân vật; nếu là nội dung nhân đạo thì nêu nhân đạo đặc sắt của tác phẩm).
Ví dụ: Phân tích Mị thì nêu các phẩm chất: Cần cù, hiếu thảo, giàu đức hi sinh, rất mực tài hoa, đặc biệt là tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Phân tích nhân vật Chí phèo: mở bài nhấn mạnh tư tưởng nhân đạo sâu sắc, độc đáo hiếm có…
- Phần kết luận thường có các ý sau:
Kết: Thâu tóm lại vấn đề và nâng cao lên
Luận: Mở rộng vấn đề có thể liên hệ bản thân (xem các phần mở bài và kết luận trong bài giảng của thầy)
- Chữ viết rõ và đẹp sẽ là ưu tiên khi chấm điểm phần hình thức trình bày bài làm.
Thưa thầy, nếu như bài làm đủ ý mà diễn đạt không hay lắm thì đạt mức điểm bao nhiêu ạ? Câu nghị luận xã hội, làm thế nào để bài văn của em có ít dẫn chứng mà vẫn đủ ý ạ?

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Bài đủ ý mà diễn đạt kém thì cùng lắm được trung bình khá vì VĂN = Ý + LỜI (Lời đây là lời văn phải có màu sắc văn chương).
Nghị luận xã hội (NLXH) cần phải có dẫn chứng minh họa mới giàu sức thuyết phục (Bài đã có khống chế số chữ 600-700 chữ cho nên có thiếu chút dẫn chứng thì bài vẫn đạt điểm tốt nhưng không thể đạt điểm tối đa)
Thưa thầy cho em hỏi, câu nghị luận đời sống xã hội có phải làm mở bài, thân bài, kết bài không ạ? (Nguyễn Hải Nam)
Thầy Nguyễn Quang Ninh: NLXH phải đủ cả 3 phần: Mở bài – Thân bài – Kết luận mới là một bài làm hoàn chỉnh.
Em có một thắc mắc mong thầy giải đáp ạ: Câu 3d phần nghị luận xã hội, nếu học sinh làm bài không theo kiểu truyền thống (như kiểu viết thư chẳng hạn) thì chấm bài sẽ thế nào ạ? Bài làm đảm bảo khá đầy đủ ý thì liệu có được điểm cao không ạ? ( river311093@yahoo.com)

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Viết thư cũng có thể chấp nhận nhưng trong nội dung thư phải mang tính chất một bài nghị luận hoàn chỉnh.
Thầy ơi cho em hỏi khi làm câu 2 điểm nếu đề hỏi về phong cách sáng tác của một tác giả thì mình phải trình bài có mở bài, thân bài, kết bài hả thầy? Mình có thể viết ý chính bằng cách gạch đầu dòng không thầy? ( lee_nhu93@yahoo.com, Meocon_tinhnghich143@yahoo.com)

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Phải có mở bài, kết bài nhưng thường ngắn gọn, chỉ 1 hoặc 2 câu. Có thể gạch đầu dòng ghi 1, 2, a, b nhưng nên trình bày như một bài làm ngắn gọn (Xem thầy trình bày phong cách Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tố Hữu… đáp án của Bộ GD&ĐT cũng gần như thế).
Thưa thầy, tư tưởng nhân đạo (TTNĐ) và giá trị nhân đạo (GTNĐ) khác nhau như thế nào ạ? Có phải là GTNĐ dùng cho tác phẩm không ạ? Và để làm sao mình không làm sai cấu trúc giữa TTNĐ và GTNĐ? Khi đề  bắt mình nói về GTNĐ thì mình phải chuyển về TTNĐ để làm ạ? ( michj_miko@yahoo.com)
Thầy Nguyễn Quang Ninh: Tư tưởng nhân đạo là tư tưởng của nhà văn được biểu hiện qua tác phẩm, còn giá trị nhân đạo là giá trị đó được biểu hiện trực tiếp trong tác phẩm. Trong các năm gần đây, qua các đề thi thầy thấy hai thuật ngữ này được hiểu như nhau.
Thưa thầy, mở bài như thế nào để đạt điểm tối đa mà lại dễ? Với lại làm sao để viết cho dài?

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Phần mở bài thường là nếu tác giả, tác phẩm và đoạn thơ, nhân vật, giá trị tư tưởng chính của tác phẩm (Nếu là phân tích đoạn thơ thì nêu giá trị, nội dung cơ bản đoạn thơ đó; nếu là nhân vật thì nêu nét chính của nhân vật; nếu là nội dung nhân đạo thì nêu nhân đạo đặc sắt của tác phẩm). Muốn viết được dài phải có kiến thức đề bài phong phú ý.
Chỉ còn vài chục ngày nữa là kì thi đại học khối D diễn ra. Môn Văn là môn mà em lo lắng nhất vì cách hành văn của em vẫn còn lủng củng và chưa mạch lạc. Em đã học khóa luyện thi của thầy và cảm thấy rất hay lẫn bổ ích. Những lời văn thầy nói ra nghe rất bay bổng và sâu sắc. Em lắng nghe rất kĩ bài giảng của thầy, câu nào hay em đều viết vào vở để tham khảo. Tuy vậy nhưng mỗi lần làm bài thi hay tự giải đề ở nhà, em luôn gặp lúng túng trong việc viết văn sao cho vừa đủ ý mà vẫn mạch lạc. Như thầy đã nói là Văn = ý + lời. Phần ý của em cũng tạm ổn nhưng phần lời thì hơi có vấn đề. Chính vì vậy mà khi đi thi em tốn khá nhiều thời gian để suy nghĩ, chọn lọc và viết ra một câu văn hoàn chỉnh nên em khá sợ mình sẽ làm bài không đủ giờ. Thầy có thể cho em lời khuyên để cải thiện tình hình này được không ạ ? Và theo thầy thì phân bố thời gian làm bài cho cả 3 câu ( 1: 2đ; 2: 3đ; 3: 5đ ) như thế nào là hợp lý để không bị "cháy" giờ ? Em xin cảm ơn! (nikko084)

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Muốn viết văn trôi chảy, mạch lạc, lời văn có màu sắc văn chương nên đọc nhiều sách nghị luận văn học của các tác giả phê bình có uy tín: Hoài Thanh, Đặng Thanh Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đăng Khoa, Chu Văn Sơn… ; đọc các bài thơ học sinh giỏi chọn lọc hoặc đọc thêm cuốn sách thầy viết: “Để viết được một bài văn vào đại học đạt điểm cao”.

Phân phối thời gian: Câu 2 điểm, 3 điểm ~ 80 phút; câu 5 điểm ~ 100 phút. Cần ưu tiên thời gian mấy phút để soát lại bài.
Thưa thầy dung lượng bài viết như thế nào là hợp lí?

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Bài làm của em có thể từ 2 - 3 trang.
Trong phần nghị luận văn học thì với dạng bài SO SÁNH thì phương pháp làm bài là gì ạ? Với một đề nghị luận xã hội, ta cần định hướng bài làm của mình như thế nào ạ? (thiensubinhminh123)

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Khi làm bài so sánh, ta có thể làm từng điểm giống và khác nhau nhưng làm như thế thường khó và dễ rơi vào trùng lặp. Cách dễ hơn là trình bày từng hình tượng (bài thơ, đoạn thơ, nhân vật…) rồi tổng hợp lại đánh giá chung (xem bài hình tượng sông Hương và hình tượng sông Đà). Với một đề NLXH, ta định hướng làm bài là những nội dung chính của câu nói hoặc chủ để cơ bản cần bàn. 
Thưa thầy, em học văn để thi khối D. Nhược điểm lớn nhất của em là viết không nén được cảm xúc, không được rõ ý. Mặc dù đã cố gắng sửa nhiều lần, em rất lo người chấm bài không đọc kĩ bài của em sẽ không thể cho điểm. Thầy có thể cho em lời khuyên để khắc phục không ạ? (renard)

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Em cần phải hình thành từng luận điểm rồi đặt đầu dòng các luận điểm đó để người chấm bài dễ chấm.
Thưa thầy, lúc này em cảm thấy rất choáng váng với kết quả thi tốt nghiệp môn Văn của mình. Em đã từng đạt giải học sinh giỏi Văn, và một số giải thưởng cho các bài viết của mình, các bài viết em vẫn được điểm khá tốt 8 và 8.5. Và vừa qua, em đã dành thời gian khá lớn ôn tập môn Văn, mong đạt được kết quả cao. Song kết quả thật khó tưởng tượng: 6.5 - một điểm số em chưa từng phải nhận bao giờ. Em đã tự hỏi tại sao? Em vẫn không tìm ra được câu trả lời. Thực sự giờ em rất hoang mang trước kì thi đại học sắp tới. Em phải làm sao để đạt điểm môn văn đại học tốt đây ạ? Liệu khả năng hay cách học của em có vấn đề? ( bonghongtuyet93)

Thầy Nguyễn Quang Ninh: Văn muốn được điểm cao thì phải làm đầy đủ các câu theo cấu trúc đề. Văn phải có luận điểm và các luận điểm ấy phải sát đáp án. Có lẽ bài làm vừa rồi của em các ý xa đáp án hoặc có lẽ em viết phóng túng, tự do quá theo ý kiến chủ quan của mình.
Thầy ơi, đề thi khối D nếu ra dạng đề so sánh thì chỉ rơi vào phần nâng cao ạ?
Thầy Nguyễn Quang Ninh: Không nhất thiết như thế nhưng để phù hợp với trình độ văn khối D thì ít khi người ta so sánh. Tuy nhiên, những đề so sánh dễ thì người ta vẫn ra. Ví dụ: So sánh sông Hương với sông Đà; so sánh sự giống và khác nhau của hai chị em Việt và Chiến trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.
Thưa thầy, các văn bản nhật dụng lớp 12 có thi đại học không ạ? (divalinhxinh)
Thầy Nguyễn Quang Ninh: Văn Nhật dụng không thi.
Thưa thầy, cho em hỏi các phần giới thiệu về tác giả, tác phẩm của câu 5 điểm nên đặt ở phần nào vậy thầy? Em thường làm ở phần thân bài, tách hẳn ra 1 đoạn, nhưng cũng có nhiều thầy cô không chấp nhận chỉ nêu vắn tắt ở phần mở bài chung với vấn đề nghị luận. Cả trong barem điểm em cũng chưa thấy có phần tách riêng ra và chấm mục này.
Thầy Nguyễn Quang Ninh: Ý giới thiệu tác giả và tác phẩm, đáp án thi đại học của Bộ GD&ĐT thường ghi ở ý 1 phần thân bài. (Xem phần tư tưởng nhân đạo của “Vợ nhặt”- bài soạn của thầy)
Cho em hỏi là khi làm bài về phần truyện thì có cần tóm tắt lại truyện không hay chỉ cần nêu khái quát nội dung và nghệ thuật ạ? (hoathuytinh_th)
Thầy Nguyễn Quang Ninh: Không cần tóm tắt nếu cần thì nêu một, hai câu khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Thưa thầy, sang năm em lên lớp 11 và hai năm nữa em dự định thi khối D xin thầy cho em vài lời khuyên về những việc cần làm ngay từ bây giờ để trau dồi kĩ năng và kiến thức cho kì thi đại học? Có phải học giỏi văn là cần phải có năng khiếu không thưa thầy, em cảm thấy mình không có năng khiếu nhưng trước mỗi khi kiểm tra bài viết thì em có đầu tư thời gian đọc nhiều bài tham khảo và tìm kiếm một số tài liệu liên quan nên kết quả cũng tương đối, em không được tự tin vào các kì thi, xin thầy chia sẻ cho em chút ý kiến. ( pebu_74@yahoo.com)
Thầy Nguyễn Quang Ninh: Học kĩ tác phẩm và học thuộc thơ (Văn 11, Văn 12). Học kĩ bài giảng của thầy trên mạng. Nếu em có năng khiếu thì đỡ vất vả hơn tuy nhiên khi đi thi đại học cần chịu khó học, không có năng khiếu vẫn có thể đạt điểm 7, 8.

MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN LƯU Ý ĐỐI VỚI MÔN NGỮ VĂN THI ĐẠI HỌC 2011
  Câu 2 điểm:
  1. Tình huống độc đáo “Chữ người tử tù”
  2. Hoàn cảnh sáng tác và nghệ thuật đặc sắc “Việt Bắc”
  3. Quan điểm nghệ thuật và sự nghiệp sáng tác của Bác
  4. Hoàn cảnh sáng tác và giá trị chính của "Tuyên ngôn độc lập"
  5. Sự nghiệp, phong cách và quan điểm sáng tác của Nam Cao
  6. Thành tựu văn học trong giai đoạn 1945-1975
  7. Đặc sắc nghệ thuật trong các tác phẩm: “Vợ nhặt”, “Vợ chồng A Phủ”, “Những đứa con trong gia đình”
  8. Phong cách, sự chuyển biến phong cách và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân
  9. Sự nghiệp sáng tác và phong cách nghệ thuật của Tố Hữu
Câu 3 điểm:
       Đời sống xã hội:
  1. Vấn nạn giao thông
  2. Vấn nạn phá rừng
  3. Thuốc lá là ôn dịch
  4. Nghĩ về người nghèo và bất hạnh
  5. Hiểm họa ma túy và HIV
  6. Vào đại học có phải là con đường duy nhất
        Tư tưởng đạo lý:
  1. Lý tưởng và Sống đẹp
  2. Tri thức là sức mạnh
  3. Tấm gương không đầu hàng số phận
  4. Không có việc gì khó
  5. Tôn sư trọng đạo
  6. Câu nói của Lê Nin: “Chân thành và thẳng thắn”
  7. Câu nói của Puskin: “Tính độc lập và tinh thần tự trọng”
Câu 5 điểm
  1. Tác phẩm “Hồn Trương Ba da hàng thịt”
  2. Bài thơ “Từ ấy”
  3. 3 lần Chí Phèo đến gặp Bá Kiến
  4. Cảnh cho chữ trong tác phẩm “Chữ người tử tù”
  5. Bài thơ Việt Bắc: Đoạn đầu và đặc biệt là đoạn thiên nhiên Việt Bắc (Bộ tranh tứ bình)
  6. Đoạn giữa của bài thơ “Sóng”: Nỗi nhớ, sự thủy chung trong tình yêu
  7. Thiên nhiên sông Đà và vẻ đẹp sông Hương ( Lưu ý: Chỉ ra sự giống và khác nhau giữa Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường)
  8. Phân tích nhân vật Huấn Cao và người lái đò (Lưu ý: Làm rõ sự chuyển biến về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân)
  9. Phân tích tác phẩm “Chiều tối” (Lưu ý: Chỉ ra vẻ đẹp cổ điển với hiện đại)
  10. Phân tích nhân vật Tnú
  11. Phân tích tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia”
  12. Phân tích tác phẩm “Vĩnh biệt cửu trùng đài”
Một số vấn đề khác cần chú ý:
  1. Đoạn đầu và đoạn giữa của tác phẩm “Đất nước”
  2. Nguyễn Đình Chiểu của Phạm Văn Đồng
  3. Nhân vật: Bá Kiến, A Phủ, Mỵ
  4. Tính sử thi và phẩm chất anh hùng của người dân Tây Nguyên qua “Rừng xà nu”
  5. Tác phẩm “Hai đứa trẻ”
  6. So sánh “Những đứa con trong gia đình” và “Rừng xà nu"
(Lưu ý: 5, 6 chỉ dành cho khối C)
Lời khuyên dành cho học sinh
Các em thân mến. Dựa trên kinh nghiệm giảng dạy, thầy nhấn mạnh những vấn đề quan trọng có thể có trong đề thi tuyển sinh đại học 2011 ở phần nêu trên. Ngoài ra, các em cũng cần chú ý những điểm sau:
  • Phải học tất cả những đề thầy giáo đã giảng, đã soạn và đưa lên trên mạng ngày 8/6/2011, gồm đầy đủ các phần: Nghị luận xã hội, Thơ và văn xuôi. Soạn đủ 3 câu trong cấu trúc đề: Câu 2 điểm, câu 3 điểm và câu 5 điểm.
  • Về câu 2 điểm: Các em phải học tất cả và học kĩ sau đó chú trọng những câu thầy giáo đã nhấn mạnh. Vì sao phải học kĩ tất cả? Vì hoàn thiện được câu 2 điểm coi như các em đã đậu đại học rồi. Có được 2 điểm trọn vẹn, làm thêm hai câu 3 điểm và 5 điểm để cộng vào tổng số để có điểm cao là không khó. Kinh nghiệm chấm bài của thầy những năm qua cho thấy hầu hết các em có bài đạt điểm từ 8 trở lên và đỗ vào trường đại học, riêng môn Văn đều làm tốt câu 2 điểm.
  • Về câu 3 điểm: Tuy đề ra xoay xung quanh hai mảng đề tài là Đời sống xã hội và Tư tưởng đạo lý nhưng phạm vi ra đề cụ thể rất rộng: một hiện tượng xã hội nào đó (bạo lực học đường, mà túy, hiến máu nhân đạo, ô nhiễm môi trường, phá rừng, tai nạn giao thông,…), hay một câu nói của doanh nhân, một lời bàn về một tư tưởng đạo lý nào đó. Hướng ra đề thi năm nay, theo thầy sẽ gắn liền với tính thời sự. Học sinh cần học kĩ phần phương pháp làm văn nghị luận, nhất là phương pháp đó được cụ thể hóa qua các bài giảng của thầy. Từ chỗ nắm được phương pháp, các em có thể áp dụng vào từng đề cụ thể khi làm bài.
Ở phần này, trong những đề thầy đã nhấn mạnh thì đề câu nói của Puskin va Lê Nin về mặt nội dung là đề quan trọng vì mấy năm nay xu hướng ra đề thường đề cập đến những phẩm chất quan trọng của con người để nhằm hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ.
  • Câu 5 điểm (Nghị luận văn học: Thơ, Văn xuôi): Ngoài những vấn đề thầy đã nhấn mạnh thì có 2 điểm sau đây học sinh cần lưu ý:
- Đề phân tích hình tượng sông Đà và sông Hương, từ đó chỉ ra sự giống nhau và khác nhau trong việc tiếp cận hình tượng dòng sông của tác giả Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Với một đề thi so sánh hai hình tượng trong khuôn khổ thời gian 100 phút thì các em cần phải viết rút gọn để đảm bảo tính cô đọng, không viết dài quá sẽ dẫn đến lan man.
- Đề về tác phẩm “Hồn Trương ba da hàng thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ có thể ra các đề:
   + Đề 1 và đề 2 thầy đã soạn trên mạng cho các em tham khảo. Khi làm bài các em có thể tuân theo cấu trúc biên soạn của thầy giáo và nên giữ lấy các luận điểm ấy.
   + Phân tích nhân vật Trương Ba. Nếu làm đề này chúng ta có thể làm theo cấu trúc như sau:
Gợi ý phân tích nhân vật Trương Ba
Mở bài: Giới thiệu khái quát những nét chính về tác giả, tác phẩm rồi nêu nhân vật
Thân bài:
  1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm (ngắn gọn, không lặp lại phần mở bài và giới thiệu kĩ hơn về nhân vật)
  2. Phân tích nhân vật
  • Lai lịch nhân vật (ở đây Trương Ba là một nông dân)
  • Những phẩm chất tốt đẹp vốn có: cần cù, chăm chỉ, thông minh, hết lòng thương yêu vợ con, yêu thiên nhiên và có một tâm hồn “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”,… Nhưng từ khi phải sống chung với thể xác “kềnh càng thô lỗ” của anh hàng thịt nghĩa là sống chung với cái dung tục, Trương Ba chẳng những không điều khiển được xác của anh hàng thịt mà trái lại nó còn làm cho tha hóa vẩn đục tâm hồn, với những ham muốn vật chất tầm thường như  thèm rượu thịt,…
  • Trương Ba trong con mắt của người thân:
    • Trong con mắt của người vợ thương yêu
    • Trong con mắt của đứa cháu
    • Trong con mắt của đứa con dâu
Biết mình như vậy trong con mắt của người thân Trương Ba vô cùng đau khổ
  • Trương Ba không buông xuôi, đầu hàng mà trái lại đã đấu tranh kiên quyết với hoàn cảnh, với bản thân thậm chí với cả bề trên, cả những người có thể quyết định vận mệnh của mình để “được sống là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình có, sống trong sự hài hòa tự nhiên giữa thể xác và tâm hồn” dù phải trả giá bằng cái chết.
Kết luận:
Nhân vật Trương Ba rất đẹp. Vẻ đẹp của nhân vật đã làm cho câu chuyện bi thương trở thành một bi kịch lạc quan, giàu chất thơ, giàu ý nghĩa nhân bản.
Chúc các em ôn tập hiệu quả và đạt điểm cao môn Văn trong kì thi đại học sắp tới.

Thầy giáo: Nguyễn Quang Ninh
Theo Bí kíp thi đại học

Đăng nhận xét

 
Top