HỎI?
Thầy cô cho em hỏi là đối với học sinh lớp 13 thi cần phải có lộ trình học như thế nào là hiệu quả nhất và làm thế nào để tư tưởng của mình tâp trung trong khi đang luyện thi đại học? ( hoababy1993@gmail.com Đậu Thị Hoa)
Thầy Quang Anh:
Thầy nghĩ rằng đây cũng chính là một câu hỏi mà không ít học sinh đã đưa ra. Thầy thấy rằng em đang học lớp 13, em có một số điểm thuận lợi và khó khăn hơn so với các bạn lớp 12
Thứ nhất em có điểm thuận lợi là em đã thi một năm nên có nhiều kinh nghiệm hơn trong thi cử đồng thời em em không còn phải mất nhiều thời gian cho việc học các môn không thi đại học.
Tuy nhiên không phải em không có khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là em phải chủ động hoàn toàn trong quá trình học tập vì không còn ai có thể kiểm soát được việc học của em nữa.
Thứ hai chưa thi đỗ cũng tạo ra một áp lực buộc em phải thi đỗ trong năm học này.
Thầy tin rằng với ý chí và sự quyết tâm của bản thân, thầy tin em sẽ thành công.
HỎI?
Thầy cô cho em hỏi giờ em đang là học sinh lớp 13 nhưng hiện tại em cảm thấy mình hổng kiến thức nhiều quá, mong thầy cô giúp em lập kế hoạch ôn thi khối C hiểu quả ạ? Em cảm ơn thầy cô. ( congtu_haohoa_phudu_08@yahoo.com.vn)
Cô Trịnh Thu Tuyết |
Căn cứ vào cấu trúc đề thi, em lập kế hoạch ôn luyện theo 3 vấn đề chính:
1. Ôn các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm của phần văn học hiện đại (Các tác giả Nam Cao, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, Tố Hữu với quan điểm sáng tác, sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật; 2 bài khái quát văn học VN (giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến 1945 và giai đoạn 1ừ 1945 đến hết thế kỉ XX); các vấn đề cơ bản trong mỗi tác phẩm văn học như hoàn cảnh sáng tác, nhan đề, lời đề từ, tình huống truyện, cảm hứng chủ đạo, giá trị nội dung, nghệ thuật... Đây là phần kiến thức đáp ứng câu hỏi 1 phần chung trong đề thi.
2. Ôn tập các tác phẩm giảng văn, phần VH hiện đại trong chương trình lớp 11 và 12, phần này đáp ứng câu hỏi 3,phần riêng, bài nghị luận văn học 5 điểm trong đề thi. Lưu ý kết hợp học kiến thức cơ bản với nâng cao để có thể đáp ứng những dạng bài yêu cầu phân tích 1 đơn vị kiến thức cụ thể (VD: Phân tích bài thơ Chiều tối, tác giả Hồ Chí Minh) và cả những dạng bài yêu cầu phân tích một vấn đề nâng cao (VD: Phân tích chất cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối - Hồ Chí Minh).
3. Luyện các dạng bài nghị luận xã hội cơ bản (Nghị luận về một tư tưởng đạo lí và NL về một hiện tượng xã hội); phần này đáp ứng câu hỏi 2 trong đề thi.
HỎI?
Em chào các thầy cô! Em là học sinh lớp 13, hiện em đang ôn luyện trên Hocmai.vn, em đã xem cấu trúc đề thi các năm thì năm sau mức độ khó và đòi hỏi nắm vững kiến thức cao hơn năm trước, trong khi ôn luyện em thấy kiến thức của mình sau 1 năm đã có phần rời rạc. Em mong thầy cô có thề chỉ giúp em giải quyết vấn đề này ạ, em phải học và phân bổ thời gian như thế nào (em chuyên về khối B). (tralibus)
Thầy Quang Anh: Thầy chào em. Thầy nghĩ rằng bài toán phân bổ thời gian rất quan trọng. Người thành công là người biết sử dụng thời gian một cách hợp lý nhất để thu được hiệu quả cao nhất. Các em biết rằng thời gian quý hơn tất thảy mọi thứ trên đời nên các em phải sử dụng thời gian sao cho hiệu quả.
Thầy nghĩ rằng trong quá trình học tập các em nên lập cho mình một kế hoạch học tập và ôn luyện sao cho hợp lý, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng thời gian không hiệu quả. em hãy định cho mình những mục tiêu nhỏ như mỗi tuần tự học một chuyên đề nào đó, tự giải bài tập sau đó em theo dõi các bài giảng mà các thầy đưa lên trên trang Hocmai.vn.
Thầy nghĩ rằng đề thi càng ngày càng có sự phân hoá học sinh nên để có thể làm được hoàn chỉnh đề thi trong một thời gian theo quy định, các em cần phải nắm chắc các nội dung kiến thức trong chương trình , có thời gian luyện tập và giải đề đủ để các em có khả năng phản xạ giải đề được tốt.
Thầy tin rằng nếu em thực sự quyết tâm em sẽ thành công. Thầy chào em và chúc em sẽ đạt kết quả cao nhất trong kì thi đại học sắp tới.
HỎI?
Em muốn hỏi các thầy cô là ôn thi như thế nào cho hiệu quả với cả 3 môn khối A cho những học sinh lớp 13 chúng em ạ. Em thấy rất bối rối trước những kiến thức nhiều mà em không có phương pháp học tập đúng đắn nên thành công đã bị trì hoãn trong năm vừa rồi. ( vuanh_hd1991@yahoo.com.vn, Tạ Thị Huyền Trang)
Thầy Phương: Muốn ôn thi sao chi hiệu quả với cả 3 môn khối A thì đương nhiên em phải đầu tư công bằng cho cả 3 môn đó. Đối với từng môn học, em phải biết chắt lọc thông tin để đưa vào bộ não, không phải nội dung kiến thức nào cũng học mà em chỉ học những nội dung có trong đề thi thôi, những nội dung có trong đề thi là gì, muốn biết thì em hãy sưu tầm đề thi ĐH của 3 năm gần đây nhất (2009, 2010, 2011) để xem. Đề thi ĐH 2012 tới chắc chắn vốn là nội dung các kiến thức ấy chỉ có điều mức độ tư duy và yêu cầu tính toán có thể sẽ cao hơn.
HỎI?
Theo thầy cô thì kế hoạch học tập cho 1 học sinh lớp 13 như em không phải tới trường, không phải chạy sô học thêm và học những môn thi tốt nghiệp thì thời gian cả ngày rảnh rỗi em nên học mấy tiếng một ngày, hay học cả ngày từ sáng tới tối ạ? (dinhlap18)
Thầy Quang Anh: Thầy nghĩ rằng em đang có một thuận lợi rất lớn là có nhiều thời gian. Nhưng em đừng bao giờ suy nghĩ rằng em có nhiều thời gian nhé. em hãy biết quý trọng từng thời khắc, nỗ lực phấn đấu để thay đổi suy nghĩ của người khác về mình rằng em là một người thông minh, một người có năng lực và có bản lĩnh.
Thầy nghĩ rằng em nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, đồng thời sắp xếp thời gian biểu nghiêm ngặt và phải tự quản lí, ép mình thực hiện đúng theo kế hoạch đã đặt ra.
Buổi sáng nên dậy sớm, tập thể dục để tăng cường thể lực đồng thời tăng hiệu năng làm việc của bộ não, tắm rửa, ăn nhẹ rồi ngồi học khoảng 2 giờ, nghỉ ngơi một chút khoảng 30 phút rồi học tiếp 2 tiếng nữa
Sau đó ăn trưa, làm một số công việc vặt cho thay đổi không khí, ngủ trưa khoảng 1h rồi dậy vận động nhẹ , tập thể dục và ôn lại kiến thức buổi sáng đã học. Tiếp theo em nghỉ ngơi một chút, làm bài tập và tiếp tục học 2 ca tiếp theo vào buổi tối.
Hãy luôn chú ý đan xen việc học tập kiến thức mới với việc ôn luyện kiến thức cũ. Thầy tin em sẽ thành công.
HỎI?
Chào quý thầy cô, chào Hocmai.vn. Thật là bổ ích và thú vị khi Hocmai và thầy cô đã tổ chức được buổi giao lưu trực tuyến này. Ngay khi biết mình sẽ là học sinh lớp 13, em đã cho phép mình thư giãn 1 tháng và sau đó bắt tay ngay với kế hoạch ôn thi lại - vẫn là trên Hocmai với 4 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh.
- Thời điểm mỗi bài giảng mới xuất hiện là khác nhau nên lập một lịch học cụ thể và chắc chắn là điều khó khăn. Em sẽ phải làm gì để có được 1 lịch học logic và hợp lí, hiệu quả?
- Em rất gặp khó khăn với môn Toán. Em và các ban nên làm gì khi gặp một bài toán khó và khó khăn hơn nữa là làm sao để nhớ nó. Thầy Phương sẽ tư vấn giúp em chứ!
HỎI?
Em và các bạn rất mong sẽ có nhiều hơn những buổi giao lưu này. Xin cảm ơn! (hiepgia0493)
Thầy Phương: Vì em học 4 môn nên theo thầy mỗi ngày em học một môn, học theo chủ đề, học được chủ đề nào thì thật chắc chắn chủ đề đó nếu em khó khăn với môn toán thì em cần đầu tư thời gian cho môn toán nhiều hơn các môn khác. Em không lên xa đà với các bài toán khó bởi vì trong đề thi sẽ có 8 điểm là ở các câu hỏi ở mức độ không khó. Còn khi gặp một bài toán khó muốn giải quyết được nó thì trước tiên em phải phân tích kỹ đề bài sau đó sử dụng những kiến thức và phương pháp mà em có để giải. Nếu phương pháp này không giải quyết được thì phải sử dụng các phương pháp khác. Muốn có được phương pháp thì đương nhiên em phải ôn luyện thật kỹ.
Các cụ ta có câu “đòn đau, nhớ đời”. Khi gặp một bài toán khó mà em đã phải trăn trở vì nó cho đến khi giải được rồi thi đương nhiên ai cũng nhớ, chứ chẳng có phương pháp gì để nhớ nó cả.
3. Giao lưu tư vấn
HỎI?
Thưa cô Tuyết. Môn Văn khi thi đại học thường chấm điểm dựa trên việc đủ ý bên cạnh cách diễn đạt và hành văn. Làm thế nào để có thể kiểm tra được bài viết của mình có đủ ý hay không ạ? Có nên lập dàn bài trước khi viết bài không ạ? Có phải môn Văn cứ viết dài khoảng 3 tờ trở lên là được >6 điểm không ạ? Em cám ơn cô. (Hà Linh)
Cô Tuyết: Nội dung ý của mỗi bài văn được xác lập trên cơ sở các đơn vị kiến thức cơ bản của từng bài kết hợp với yêu cầu nghị luận của đề bài, vì thế em chỉ có thể kiểm tra được hệ thống ý trong bài làm của mình khi em nắm chắc được hệ thống ý trong các bài học từ bài giảng của các thầy cô trên lớp hoặc từ các lớp luyện thi, các thầy cô sẽ giúp em về cả kiến thức và kĩ năng, đó là những yếu tố giúp cho em hình thành hệ thống ý đầy đủ nhất trong mỗi đề bài.
Nên lập dàn ý (rất sơ lược) trước khi làm bài để có được định hướng từ đầu để không bị sót, hoặc quên kiến thức.
Tất nhiên là không phải, điểm của bài văn chỉ căn cứ vào nội dung kiến thức và kĩ năng trình bày của thí sinh chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào dung lượng bài viết, tuy nhiên nếu viết quá ngắn, đó cũng là biểu hiện cho thấy sự sơ sài về kiến thức và điều đó sẽ ảnh hưởng tới điểm số của em.
HỎI?
Em chào cô. Em học khối D nhưng môn Văn là yếu nhất. Mục tiêu thi đại học môn Văn của em là 5 điểm nhưng em không biết mình có thể đạt được như mong muốn hay không. Cô có thể hướng dẫn giúp em cách học môn Văn ngay từ bây giờ để có thể đạt được 5 điểm Văn không ạ? (Minh Xuân)
Cô Tuyết: Em hoàn toàn có thể đạt trên điểm 5 khi nắm vững kiến thức cơ bản trong mỗi bài giảng văn, biết cách xác định yêu cầu của đề bài và diễn đạt được nội dung kiến thức một cách ngắn gọn, giản dị nhất.
HỎI?
Trong một số nội dung thuộc môn Văn yêu cầu phải học thuộc. Cô chỉ giúp em xem làm thế nào có thể học thuộc và nhớ lâu được ạ. Em học thuộc rất kém lại nhanh quên nữa. Cám ơn cô! ( tieuthukieuki@yahoo.com)
Cô Tuyết: Với những tác phẩm đã học, em lập dàn ý và học theo các đơn vị kiến thức cơ bản trong dàn ý. Để việc ôn tập có hiệu quả, em nên tham khảo ý kiến nhận xét của thầy cô về dàn ý đó. Với tác phẩm chưa học, ngay bây giờ, học đến đâu, em về nhà lập dàn ý tới đấy, em sẽ nhớ bài ngay khi phải suy nghĩ, sắp xếp ý.
HỎI?
Em được biết trong đề thi đại học môn Toán có 8 điểm dễ và 2 điểm khó, em muốn hỏi 8 điểm dễ thường thuộc phần nào ạ? ( honhatnguyen93@gmail.com)
Thầy Phương: Trong mỗi đề thi ĐH thường có phần dễ gồm:
• Khảo sát hàm số và các bài toán liên quan
• Tích phân
• Số phức
• Phương trình, bất phương trình mũ logarit
• Phương trình lượng giác
• Hình học không gian – Hình học tọa độ không gian.
HỎI?
Em thường mất nhiều thời gian để viết phần mở bài và kết bài và cảm thấy rất lúng túng đối với hai phần này. Mong cô tư vấn cho em một số mẹo nào để viết hai phần này một cách ngắn gọn, súc tích mà vẫn đạt đủ điểm tối đa. (giaythuytinh_176)
Cô Tuyết:
- Mở bài: Khi giảng văn, thầy cô đã cung cấp các ý cơ bản về tác giả (vị trí, phong cách), tác phẩm (vị trí, giá trị cơ bản), khi viết mở bài, em chỉ việc nhắc lại 2 phần đó, kết hợp với phần giới thiệu vấn đề cần nghị luận theo yêu cầu của đề bài là đủ. Tránh viết dài, lan man mà vẫn thiếu ý.
- Kết luận: Em tóm tắt lại những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm vừa phân tích; có thể chỉ ra mối liên hệ với những giá trị của một tác phẩm văn học (VD: GT nhân đạo, GT hiện thực, CN anh hùng cách mạng, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn...); hoặc đánh giá tác phẩm trong sự liên kết với phong cách nghệ thụât của nhà văn...
Cô Trịnh Thu Tuyết trả lời câu hỏi của các bạn học sinh
HỎI?
Em chào cô, em học khá kém môn Văn. Mong cô giúp em cách tìm các ý tưởng trong bài viết và cách diễn đạt trôi chảy. Em cảm ơn cô! ( hoctrongheo_minh@yahoo.com)
Cô Tuyết: Ý tưởng trong bài viết xuất hiện ngay trong đề bài. Sau khi suy nghĩ về yêu cầu của đề, em lập dàn ý (rất sơ lược) theo các đơn vị kiến thức đã được thầy cô cung cấp trên lớp, trong các bài giảng văn; sắp xếp lại có hệ thống theo định hướng của đề bài; kết nối các đơn vị kiến thức thành từng đoạn (luận điểm) và cả bài. Việc diễn đạt yêu cầu đầu tiên là chính xác, rõ ý, mạch lạc, sau đó mới là hay, biểu cảm.
HỎI?
Thưa cô Tuyết. Em là học sinh trường Ba Đình, Thanh Hóa. Em học chuyên Toán nhưng có mong muốn thi thêm khối D. Hiện môn Văn của em là học lực trung bình. Em dự kiến thi thêm trường ĐH Hà Nội, khoa Tiếng Anh. Vậy thưa cô em phải đạt điểm Văn khoảng bao nhiêu thì mới có thể đỗ vào trường đại học này? Môn Văn khối D có đòi hỏi nhiều như môn Văn khối C không ạ? Em cám ơn cô. Kính chúc cô sức khỏe. (Nguyễn Thị Thái Anh)
Cô Tuyết:
1. Yêu cầu điểm thi môn Văn của em hoàn toàn phụ thuộc vào tương quan với các môn Toán, Anh và điểm chuẩn của trường ĐH Hà Nội, điều này em hoàn toàn có thể tham khảo điểm chuẩn các năm và đối chiếu với lực học của mình.
2. Yêu cầu kiến thức và kĩ năng của khối D và khối C ngày càng giảm bớt sự chênh lệch, em có thể quan sát điều đó khi tham khảo hệ thống đề thi TSĐH các năm gần đây. Vì thế để có được điểm cao trong bài thi, em vẫn phải nắm chắc các đơn vị kiến thức cơ bản cũng như thành thạo các kĩ năng cần thiết khi làm bài.
HỎI?
Kính thưa các thầy cô ở Hocmai.vn, em là học sinh lớp 12, em định hướng thi khối A theo em lớp 12 học chăm chưa đủ mà cần phải có chiến học tập phù hợp,và em đã lập ra kế hoạch học tập theo mô hình từ lớn đến nhỏ: Trong 1 năm học đến các tháng tiếp theo là tuần. Trong các tuần em bố trí lịch học theo chủ đề của cả 3 môn Toán, Lí, Hóa. Sau một thời gian em thấy việc học trong các tuần chưa hiệu quả. Vậy em có một số thắc mắc mong được các thầy cô giải đáp: Trong 1 tuần nên hoàn thiện 2 đến 3 chủ đề hay nên chia các chủ đề trong nhiều tuần để vẫn thành thạo kĩ năng giải bài tập. và một ngày có nên học cả ba môn hay không (tự học)? Và em muốn hỏi một vấn đề nữa: làm sao để dung hòa 2 tâm trạng quyết tâm cao va chán nản ở học sinh 12, và rèn luyện tâm lí thi qua việc học bài như thế nào? Kính mong các thầy cô giúp đỡ ạ!
Thầy Phương: Em đang là học sinh lớp 12 cho nên còn phải đi học ở trường do đó một ngày mà em tự học được cả 3 môn thì quả là hết sức nặng nề theo thầy em nên chia lịch học theo tuần, trong tuần mỗi môn học 2 buổi và học theo chủ đề, học chủ đề nào thì phải chắc chắn chủ đề đó, tức phải nắm vững lý thuyết và giải thành thạo bài tập. Không nhất thiết là trong tuần phải hoàn thiện 2 đến 3 chủ đề. Trong quá trình học phải tự tạo ra tâm lý thoải mái, sảng khoái và phải hừng hực một khí thế quyết tâm. Khi nào học mà thấy mệt không vào thì hãy nghỉ ngơi thư giãn, chẳng hạn nghe nhạc hoặc tưởng tượng trước mắt mình là 2 tờ giấy báo trúng tuyển đại học, đang phân vân không biết chọn trường nào. Sau khi chọn được rồi thì lại tưởng tượng một buổi liên hoan linh đình chia tay bạn bè để đến trường nhập học.
Khi nào em thấy tinh thần thoải mái thì lại tiếp tục học. Để rèn luyện tâm lý thi qua việc học bài thì khi giải bài tập em phải đặt mình vào tình huống như đang ngồi làm bài thi và phải luôn luôn bình tĩnh, tự tin.
HỎI?
Em chào cô Tuyết. Em học khối A, vẫn muốn thi thêm khối D nhưng em hay mắc lỗi là viết sai chính tả. Có biện pháp nào để khắc phục lỗi này không ạ? (Minh Hằng)
Cô Tuyết: Em chỉ có một cách duy nhất là tự kiểm tra, chỉnh sửa các lỗi chính tả của mình khi đối chiếu với Từ điển Tiếng Việt phổ thông.
HỎI?
Em chào cô, khi viết văn em thường bị cuốn theo cảm xúc. Chính vì vậy, nhiều khi không kiểm soát được thời gian làm bài. Cô hướng dẫn em vấn đề này với ạ.
Cô Tuyết: Cảm xúc là yếu tố cực kì quan trọng trong một bài văn, để kiểm soát được thời gian làm bài, em cần có một dàn ý (rất sơ lược) trước khi viết, thậm chí cần giới hạn thời gian cho từng ý trong dàn bài, như vậy bài văn của em vẫn đủ ý, đủ thời gian và tràn đầy xúc cảm. Đầy đủ các đơn vị kiến thức cơ bản, diễn đàn có xúc cảm, bài mạch lạc, rõ ràng.
HỎI?
Thưa cô, hiện em đang học lớp 12. Em đang muốn mua tài liệu để tham khảo thêm cho môn Văn nhưng bây giờ ra hàng sách thì có rất nhiều loại sách nên em không biết chọn loại nào. Em mong cô tư vấn và giới thiệu các loại sách tham khảo cho môn Văn để bọn em có thể tìm mua ạ. Em cám ơn cô. ( hoacomay_94@yahoo.com)
Cô Tuyết: Năm học lớp 12 là năm cuối cùng với hai kì thi Quốc gia, các em sẽ gặp rất nhiều áp lực về thời gian và sức khỏe, vì thế giải pháp tốt nhất cho môn Văn không phải là tham khảo tràn lan, em nên tập trung nắm vững kiến thức cơ bản của SGK ngữ Văn lớp 11 và 12 phần Văn học Việt Nam hiện đại dưới sự hướng dẫn của các thầy cô ở trường phổ thông, của trung tâm luyện thi, kết hợp với tự kiểm tra qua các kì thi thử đại học và ôn luyện theo chuyên đề.
HỎI?
Cho em hỏi phần đáp án bài tập, cũng giống như các bài giảng thầy (tiêu biểu là thầy Phương - môn Toán ạ) luôn có những mục tổng hợp kiến thức cũ hoặc kiển thức liên quan (tương tự như gợi ý) nhưng sao trong các bài tập lại không có phần đó ạ? Theo em nghĩ thì những phần bài tập nên có phần gợi ý, họăc tạo thêm một phần "Kiến thức liên quan" nữa, như vậy thì giúp chúng em giải quyết bài tập nhanh hơn và đỡ mất thời gian lục lọi và tìm kiếm lại những kiến thức cũ để giải quyết bài tập ạ. Nếu vậy thì thời gian làm bài tập sẽ giảm tải cộng với thời gian học online trên hocmai.vn của chúng em sẽ được nhiều hơn. Em xin cảm ơn. Mong nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy quý cô. (troc_em)
Thầy Phương: Do phải hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nên thời gian của thầy rất hạn chế. Do đó phần bài tập là do các trợ giảng của thầy thực hiện. Thầy sẽ nghiên cứu ý kiến đóng góp của em. Song, theo quan điểm riêng của thầy thì có lẽ đây cũng là điều rất tốt, bởi vì trong quá trình làm bài tập em phải tìm lại các kiến thức cũ để giải quyết. Việc đó sẽ làm cho em nắm vững kiến thức và nhớ kiến thức đó lâu hơn. Tạo tư duy tốt trong học Toán.
HỎI?
Thưa cô. em đang học lớp 11. Con rất thích đọc sách văn học, các tác phẩm tiểu thuyết hay truyện ngắn nhưng con lại viết văn kém. Trên lớp, cô giáo chỉ cho con 5, 6 điểm. Con nghĩ đọc sách sẽ giúp cho con thêm nhiều thông tin, tư liệu nhưng sao điểm văn của con thấp quá. Cô chỉ cho con với ạ. Con kính chúc cô sức khỏe và vui ạ. (Ngọc Bích)
Cô Tuyết: Niềm say mê với văn chương là cần thiết, nhưng mới chỉ là điểm khởi đầu cho việc học văn, bên cạnh tình cảm với môn văn, em cần có kiến thức và khả năng diễn đạt những kiến thức đã tiếp nhận được theo yêu cầu của từng bài văn.
Cô chỉ cho con cách làm tốt một bài văn nghị luận, có phải để làm tốt phần văn nghị luận thì phải có kinh nghiệm sống và quan sát tốt không ạ? ( xuanmai952011@yahoo.com)
Cô Tuyết: Kinh nghiệm sống và khả năng quan sát giúp cho em có kiến thức, em cần có thêm kĩ năng để xử lí những kiến thức của đời sống đã thu nhận được, kết hợp với kiến thức cơ bản trong trường phổ thông. Phương pháp làm một bài văn nghị luận đã được thầy cô cung cấp trong các bài lý thuyết Làm văn ở trường phổ thông, trên cơ sở lí thuyết, em nên tham gia các kì thi thử, ôn luyện theo các dạng đề cơ bản thường gặp trong các kì thi tuyến sinh, có thể nhờ các thầy cô thẩm định để xác định đúng hướng đi của mình.
HỎI?
Em tên Trương Mỹ Hoàng cũng đang là học sinh lớp 12. Em mong các thầy cô hướng dẫn cho em cách học ở nhà hiệu quả nhất. Thầy cô trả lời giúp em tại sao khi vào các bài kiểm tra đặc biệt là với 3 môn Toán, Lí Hóa, em làm bài thường không đạt hiểu quả cao trong khi các kiến thức trong đó e điều biết, và tại sao khi làm bài tâm lí không chắc chắn khi khoanh trắc nghiệm em làm sai những câu không đáng sai. Em cảm ơn thầy cô. (truong_my_hoang)
Thầy Phương: Khi làm bài các kiến thức em đều biết, xong cuối cùng điểm lại không cao, chứng tỏ việc trình bày của em không tốt. Em cần xem lại cách trình bày đối với môn thi trắc nghiệm em lại khoanh sai những câu không đúng hoặc khoanh những câu không chắc chắn điều đó chứng tỏ kiến thức của em chưa tốt.
HỎI?
Em chào cô, cô cho em hỏi là học văn ngoài để thi thì học văn còn để làm gì ạ? Em thấy nhiều bạn học văn giỏi mà nói năng hay giao tiếp với bạn bè thì dùng ngôn ngữ không hay chút nào. ( friendforever2000@yahoo.com)
Cô Tuyết: Văn là người, học văn cũng là học làm người, nếu có những bạn học văn giỏi mà nói năng hay giao tiếp với bạn bè nhưng dùng ngôn ngữ không hay chút nào, thì có nghĩa là bạn mới chỉ học được cái vỏ của văn chương
Nếu có lời khuyên cho học sinh khối C thi đại học môn Văn thì cô sẽ khuyên gì ạ? (Hocmai.vn)
Cô Tuyết: Bên cạnh việc nắm chắc hệ thống kiến thức cơ bản của văn học Việt Nam hiện đại trong cả lớp 11 và 12, em cần ôn luyện thêm về kĩ năng tổng hợp, nâng cao các kiến thức. Ví dụ cần luyện theo các dạng đề so sánh (so sánh hai nhân vật, hai đoạn thơ, hai phong cách, hai chi tiết nghệ thuật...); các chủ đề nâng cao (giá trị nhân đạo, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn, chất cổ điển và hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh, trong thơ Huy Cận...).
Thầy Phương trả lời câu hỏi của học sinh
HỎI?
Em xin chào các thầy các cô. Em xin hỏi thầy Lê Bá Trần Phương rằng nếu chỉ học trong sách giáo khoa không thôi thì khi thi đại học được bao nhiêu điểm. Và nếu muốn được điểm cao thì ta phải học như nào nên chú trọng vào bài tập hay vào lí thuyết, cách ôn luyện ra sao? (anhhungboyhp95)
Thầy Phương: Chào em! Em nên biết rằng, các câu hỏi trong đề thi Đại học không được phép nằm ngoài chương trình SGK. Song các câu hỏi đó đòi hỏi học sinh phải có khả năng tư duy cao và phải có kỹ thuật tính toán. Tức là các câu hỏi đó có mức độ tư duy cao hơn các bài tập sách giáo khoa ít nhất là một bậc. Do đó, nếu em chỉ học theo bài tập sách giáo khoa thì khi thi Đại học, mỗi môn không thể vượt quá 5 điểm. Muốn được điểm cao thì em phải học theo phương châm: “Đào sâu, bới kỹ, nâng cao kiến thức có trong SGK” và phải biết cách trình bày bài thi. Và một điều không thể không nói đến là em phải nắm được các kiến thức trọng tâm có trong các đề thi. Nếu em đã học khóa LTĐB Toán thầy Lê Bá Trần Phương thì em sẽ thấy được các kiến thức trọng tâm đó.
Đối với riêng môn Toán, thì đề thi không có lý thuyết mà chỉ có bài tập. Song, để giải được các bài tập đó thì nhất thiết phải nắm vững được lý thuyết, và biết cách vận dụng vào việc giải bài tập một cách hợp lý. Còn các môn khác theo thầy nghĩ thì lý thuyết và bài tập luôn có quan hệ mật thiết. Để có lời khuyên tốt nhất, em nên hỏi các thầy cô dạy chuyên các môn đó.
HỎI?
Con thích thơ hơn văn xuôi, vì thế khi phân tích, bình giảng thơ con thường làm tốt và nhiều cảm xúc còn với văn xuôi thì ngược lại. Có cách nào để con cũng làm tốt văn xuôi không a? Một vấn đề nữa là cách lấy dẫn chứng trong bài viết, ngoài trích dẫn từ chính tác phẩm thì cũng cần có thêm những dẫn chứng mới từ bên ngoài. Nhưng sao con thấy khó quá cô ạ. ( bexinh_beyeu_2508@yahoo.com)
Cô Tuyết: Vậy tốt nhất trong hai câu chọn một của phần riêng trong cấu trúc đề thi TSĐH, em nên chọn phần thơ, tuy nhiên nếu buộc phải chọn phần văn xuôi, em vẫn hoàn toàn có thể làm tốt bài văn khi nắm chắc kiến thức cơ bản, hiểu đề, viết có cảm xúc (em thích thơ cho nên cô đoán em cũng là người viết văn có cảm xúc, đó là yếu tố rất quan trọng trong một bài văn). Rất nhiều tác phẩm văn xuôi có chất thơ; và vẻ đẹp của một tác phẩm văn xuôi luôn thể hiện trong hệ thống hình tượng, nhân vật, tình huống...đó cũng là những yếu tố quan trọng đưa đến xúc cảm cho người viết. Dẫn chứng dù trong hay ngoài tác phẩm đều được phải đưa vào đúng lúc, đúng chỗ, có lời dẫn và sự phân tích thích đáng thì mới đạt được hiệu quả.
HỎI?
Dạ thưa cô. Con ở trong Nam. Con từng nghe cô giảng văn khóa cấp tốc ở Hocmai.vn. Con mong cô dạy nhiều hơn nữa. Cô cho con hỏi về đặc điểm của thể loại bình giảng. Điều gì cần chú ý khi bình giảng? (Guest)
Cô Tuyết: Rất cám ơn em, việc xây dựng chương trình Online sẽ phụ thuộc vào lịch của Trung tâm, em thường xuyên theo dõi tin tức để cập nhật. Những năm gần đây, đề văn không có dạng bình giảng, mà chỉ là phân tích hoặc cảm nhận; nhưng dù phân tích, bình giảng hay cảm nhận, em đều phải phân tích được những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, kết hợp với việc thể hiện những cảm nhận riêng của em.
HỎI?
Thưa thầy, em là học sinh lớp 12, em học không tốt phần hình học không gian. Bây giờ em thật sự rất lo lắng về phần này trong cấu trúc đề thi đại học. Thầy có thể chỉ giúp em phương pháp học tốt phần này được không ạ? (Nguyễn Thị Thanh Loan, Địa chỉ:38 Trần Thúc Nhẫn)
Thầy Phương: Chào em! Thực ra, phần Hình học không gian trong đề thi chỉ tập trung vào mấy vấn đề cô đọng:
• Chứng minh vuông góc
• Tính khoảng cách, góc
• Tính thể tích
Nội dung phần kiến thức này không nhiều cho nên nếu biết cách ôn thì em có thể hoàn thành tốt phần thi này.
Theo thầy, trước tiên em phải đọc lại các kiến thức cơ bản của Hình học không gian cụ thể là các định lý nói về quan hệ vuông góc, quan hệ song song, góc, và các công thức tính thể tích và phải nắm vững các kiến thức này để vận dụng vào việc giải bài tập.
Cách tốt nhất là em nên tham khảo phần Hình học không gian ở khóa học LTĐB Toán của thầy trên Hocmai.vn. Vì ở đó, tất cả những kinh nghiệm, kĩ năng làm bài, những kiến thức cần chuẩn bị cho mỗi dạng bài tập, thầy đã nói rất rõ mỗi bài học.
Nếu em nắm vững các nội dung kiến thức mà thầy đã dạy thì em có thể hoàn toàn tự tin làm tốt bài thi phần Hình học không gian. Chúc em học tốt!
HỎI?
Em được nhiều người tư vấn rằng cứ làm thật nhiều bài tập vào, thành kĩ năng thì không phải lo gì cả, nhưng việc học chiếm nhiều thời gian quá (học ôn trên lớp để thi tốt nghiệp, tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi, casio, rồi còn đi học thêm ngoài nữa), em khó có thể bỏ nhiều thời gian để làm để rèn kĩ năng, thầy cô tư vấn giúp em với ạ. (blue_girlhp1)
Thầy Quang Anh: Làm nhiều bài tập là tốt nhưng không phải lúc nào cũng đạt điểm cao. Nếu làm quá nhiều bài tập cho một môn thì sẽ rất mất thời gian không có thời gian dành cho các môn khác dẫn tới tình trạng học lệch. Trước tiên cần nắm rõ kiến thức cốt lõi cho từng chuyên đề thì sẽ có phương án giải quyết cho những bài toán mới, tự học và tự khắc phục khó khăn thì em mới đạt được kết quả cao...
Khi phân tích bình giảng bất kỳ một đoạn văn , một bài văn nào cũng cần có thêm phần đánh giá nâng cao để ghi thêm điểm. Nhưng có lẽ do kiến thức lí luận văn học còn ít ỏi, mặt khác do vốn từ của em còn hạn hẹp mà phần đánh giá hoặc là giống những gì các thầy cô đã giảng, hoặc là có đôi chỗ lời văn sáo rỗng. VD như: đây là một đoạn văn rất hay... Em muốn hỏi cô là có phương pháp để đánh giá, bình luận vừa phù hợp với giọng văn của học sinh mà vừa phù hợp với yêu cầu của người chấm bài không ạ? Em rất mong nhận được sự giải đáp của cô. (vivivann19)
Cô Tuyết: Mỗi nội dung luôn cần một hình thức biểu hiện tương xứng, em không nên băn khoăn về cách diễn đạt ý cầu kỳ. Phần đánh giá nâng cao thường hướng tới các giá trị cơ bản về nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm văn chương, tùy từng bài, em sẽ có sự đánh giá phù hợp theo đúng định hướng GV cung cấp trên lớp.
HỎI?
Em từng là học sinh lớp chuyên Văn của trường chuyên tỉnh nhưng vì em không thích học văn nữa và học Anh văn không tốt lắm nên em đã chuyển qua thi khối A, nhưng năm nay mẹ em lại muốn em thi cả 2 khối A, D. Vậy thì làm sao để em sắp xếp học cùng lúc 5 môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Tiếng Anh và Ngữ văn một cách hiệu quả nhất? Có phải em chuyển học khối A là không tốt không vì em có thể không tư duy nhanh bằng các bạn học tự nhiên. (nhox_trang193)
Cô Tuyết: Trong 5 môn của 2 khối đã có 3 môn em phải học nghiêm túc cho thi tốt nghiệp rồi; riêng môn văn em phải xem lại có hệ thống phần văn học hiện đại từ lớp 11. Tất nhiên sẽ rất khó khăn, nhưng em là người duy nhất biết năng lực và sở trường của em để xác định 1 khối chính, còn khối kia chỉ thi thêm. “ Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”!
HỎI?
Môn Văn có cần phải đi học thêm không ạ? Nếu tự học thì phải bắt đầu từ đâu, phải học như thế nào ạ? (abaobao)
Cô Tuyết: Bất cứ môn nào cũng có thể tự học hoặc học thêm, tùy theo nhu cầu và khả năng tự học của em. Nếu tự học, em nên học đồng thời chương trình văn 12 trên lớp với ôn tập chương trình Văn 11; đến cuối năm, sau khi thi TN, em sẽ ôn luyện theo các chuyên đề.
HỎI?
Đối với học sinh lớp 13 như em, đa phần kiến thức là đã học rồi, chỉ có thể là nhớ không rõ, chưa sâu nên khi học lại thấy hầu như đã biết, nên khá chán. Vậy có phương pháp nào giúp tăng hứng thú cho mình khi học và giúp mình nhớ tốt hơn không? (khangle12)
Cô Tuyết: Năm nay em chỉ tập trung vào 3 môn thi ĐH nên có nhiều thời gian hơn, em nên tập trung ôn tập để nắm thật chắc và có hệ thống các kiến thức cơ bản; sau đó ôn luyện theo các chuyên đề (đã có trên chương trình trực tuyến); cuối cùng là tham gia các kì thi thử ĐH, hoặc tự làm đề thi ĐH các năm với sự thẩm định của các thầy cô.
Thầy Quang Anh: Thầy nghĩ rằng hứng thú học tập chỉ có được khi các em phải có một kế hoạch với một mục tiêu cụ thể. em hãy hoàn thành một mục tiêu nho nhỏ, đó sẽ là động lực để em tiếp tục hoàn thành những mục tiêu lớn hơn. Chỉ khi nào em có một niềm đam mê chiếm lĩnh tri thức, thì khi đó thầy nghĩ rằng với sự nỗ lực của bản thân, mỗi buổi học sẽ là những ngày vui với bản thân em.
Thầy chúc em tìm thấy niềm đam mê của mình và thành công em nhé.
HỎI?
Em muốn hỏi là nếu học các khoá học trực tuyến thì có cần phải học thêm ngoài không ,vì ở địa phương em chưa ai có điều kiện học trực tuyến như thế này cả hầu như tất cả đều đi học thêm ở ngoài, và khi em nói ra rằng em sẽ đăng kí học trên mạng và không đi học thêm ở ngoài thì mọi người cười và không tin rằng học như thế sẽ có kết quả. Vậy cho em hỏi nếu học trực tuyến sẽ có đủ kiến thức để thi đại học chứ và em sẽ nói gì cho mọi người biết việc lựa chọn những khoá học trên Hocmai.vn là vô cùng xứng đáng và cần thiết chứ không phải là hành động sai lầm? (anpro96)
Cô Tuyết: Vấn đề quan trọng là em phải nghiên cứu kĩ chương trình luyện thi trực tuyến đã đủ các đơn vị kiến thức cơ bản và chuyên đề nâng cao hay chưa để có thể kết hợp nhiều nguồn cung cấp kiến thức khác. Cũng cần khẳng định tính ưu việt của chương trình luyện thi trực tuyến so với việc tham gia các lớp học thêm (thời gian, sức khỏe, số lần học một đơn vị kiến thức...)
Thầy Quang Anh: Thầy nghĩ rằng khi các thầy cô cùng với hocmai.vn mở lớp học luyện thi đại học đảm bảo là đã suy nghĩ rất nhiều trong việc thiết kế chương trình học để làm sao cho các em có thể có đủ kiến thức thi đại học với kết quả cao. Thầy thấy rằng em cần phải có niềm tin, tin vào các thầy cô ở Hocmai.vn tin vào năng lực của bản thân khi đó với sự nỗ lực của mình em sẽ thành công. Thầy chúc em có nhiều sức khoẻ, học và thi đạt kết quả cao nhất!
HỎI?
Em xin được hỏi thầy Lê Bá Trần Phương có bí quyết gì để đạt điểm cao môn Toán. Theo nhiều người nhận định đề Toán khối B là khó, lại thi vào chiều 1 giờ, không như khối A là thi vào buổi sáng tinh thần minh mẫn, lại thêm vào đó là những sự lo lắng căng thẳng, tâm lí phòng thi cho nên gây khó khăn cho những thí sinh khối B để làm bài thi Toán. Xin chân thành hỏi thầy là làm sao chúng em có thể chiến thắng tất cả những điều đó để có 1 tinh thần sáng suốt quyết chiến quyết thắng để làm bài thi môn Toán khối B thật tốt, đạt được điểm cao.
Thầy Phương: Để đạt được điểm cao đối với môn toán thì đương nhiên em phải có kiến thức về toán tốt, sau đó phải biết cách trình bày.
Tính toán phải có kỹ thuật và chính xác. Trước khi bước vào phòng thi hãy tạo cho mình một tâm lý thoải mái, tràn đầy sự tự tin. Phải luôn tự nhớ mình rằng bài thi hôm nay mình chỉ việc thực hành tại những điều mà mình đã ôn luyện kỹ. Nếu tinh thần vẫn còn căng thẳng thì hãy hít thở thật sâu và tưởng tượng ra một chú đại bàng đang vươn mình chuẩn bị cất cánh, trong người chí đang tạo rạo rực một niềm tin quyết thắng.
Theo Bí kíp thi đại học
Đăng nhận xét