Luyện thi đại học môn Văn: Số phận người nông dân trong hai tác phẩm "Vợ Nhặt" và "Chí Phèo"
Mở bài
Đau đớn, quằn quại, Chí Phèo chết
ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện. Mòn mỏi, lay lắt, những
kiếp người trong "Vợ nhặt"
của Kim Lân sống trong nghèo khổ, tủi nhục và âm thầm tiến đến bên bờ vực của
cái chết, ngay khi đang sống. Mỗi trang văn của Nam Cao và Kim Lân như thấm đẫm
những day dứt, đau đớn về số phận con người, đau đáu một khát khao cho hạnh
phúc nhân thế và ngời sáng một niềm tin bất diệt về con người. Dẫu hai tác phẩm
đã có những hướng đi khác nhau, một bên là sự trăn trở trước nỗi khổ của một số
phận bị chà đạp, mất hết cả nhân hình lẫn nhân tính, không được quyền làm người,
một bên là nỗi đau đớn của những thân phận bị rẻ rúng trong cái đói, nghèo,
nhưng hai nhà văn đã gặp nhau ở nơi hội tụ của mọi ánh sáng văn chương chân
chính: ấy là cảm hứng nhân đạo thiết tha.
Thân bài
1. a. Nam Cao (1915-1951) là nhà văn
hiện thực phê phán xuất sắc nhất của văn học Việt Nam giai đoạn 1939-1945. Năm 1941,
tác phẩm "Chí Phèo" ra đời
đã gây một tiếng vang lớn, đưa tên tuổi của Nam Cao lên đến đỉnh vinh quang của
thành công nghệ thuật về đề tài người nông dân. Trước đó, văn học Việt Nam cũng
đã xây dựng được những hình tượng người nông dân khá hấp dẫn trong xã hội cũ
như chị Dâu trong "Tắt đèn"
của Ngô Tất Tố, anh Pha trong "Bước
đường cùng" của Nguyễn Công Hoan... nhưng phải đến khi Chí Phèo " ngật ngưỡng" bước ra từ những
trang sách của Nam Cao, thì người ta mới thực sự thấy được hình tượng điển hình sắc sảo nhất cho nỗi thống khổ của người nông dân
trước Cách mạng.
b. Cùng viết đề tài người nông dân
trước 1945, trong nền văn học Cách mạng (1945-1975), Kim Lân đã viết truyện ngắn
"Vợ nhặt" dựa trên một
chương truyện dài "Xóm ngụ cư"
cho ta thấy được tình cảnh khốn cùng của
người nông dân trong nạn đói 1945 khủng khiếp. Ý của truyện là " Trong sự túng đói quay quắt, trong bất
cứ hoàn cảnh nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết thảm
đạm để mà vui, mà hy vọng"
2. Từ đề tài chung đó, mỗi tác phẩm
đã có những khám phá riêng về số phận và
cảnh ngộ của người nông dân trước Cách mạng tháng Tam - 1945
a. Khám phá mới mẻ của Nam Cao là
khám phá về cuộc sống của người nông dân trong tột cùng nỗi khổ, trong bi kịch bị tha hoá, bị đày đoạ lăng nhục,
bị cự tuyệt quyền làm người. Họ khao khát, ước mơ một cuộc sống lương thiện
nhưng lại bị chà đạp tàn bạo về nhân phẩm khiến không những không được làm người
mà còn bị biến thành quỷ dữ, bị xã hội xa lánh. Chí Phèo vốn có một thân phận
khốn khổ từ khi sinh ra: hắn là đứa trẻ bị bỏ rơi, không nhà cửa, không họ hàng
thân thích. Tuy nhiên, đã có một thời Chí cũng là một người nông dân lương thiện
khoẻ mạnh về thể xác, lành mạnh về tâm hồn.
Cả đời hắn chỉ có một ước mơ bình dị: có một gia đình, chồng cày thuê, cuốc mướn,
vợ dệt vải. Nhưng rồi cái mơ ước bé nhỏ và chính đáng ấy cũng không bao giờ thực
hiện được. Bi kịch cuộc đời Chí bắt đầu từ khi hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến,
bị bắt đi ở tù mà không hiểu vì sao! Từ một thanh niên hiền lành, nhà tù thực
dân đã biến Chí thành một tên lưu manh, mang
diện mạo của một con quỷ dữ, mất cả nhân tính lẫn nhân hình, khi trở về làng.
Chính vì thế, Chí Phèo đã phải chịu nỗi khổ đầu tiên là bị con người xa lánh, bị
cả xã hội ruồng bỏ. Hình ảnh Chí Phèo với "cái
đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai
mắt gờm gờm trông gớm chết" khật khưỡng vừa đi vừa chửi bới, nguyền rủa
lảm nhảm... mà không có một lời đáp lại là biểu tượng cho nỗi cô đơn tột đỉnh của
Chí. Niềm khát khao giao hoà với cuộc sống của Chí đã bị cái ngoảnh mặt lạnh
lùng của xã hội dập tắt. Người ta không thèm ném cho hắn dù chỉ là một tiếng chửi.
Số phận của người nông dân là thế, từ Năm Thọ, Binh Chức đến Chí Phèo, cuộc đời
bị bọn thống trị độc ác và nhà tù tàn bạo của chế độ thực dân làm cho tha hoá,
và bị gạt bỏ ra ngoài xã hội loài người.
- Đỉnh
cao của những nỗi khổ trên là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Giữa bóng tối mênh mông của cuộc đời,
vào một đêm trăng thơ mộng, Chí Phèo được gặp Thị Nở. Được sự săn sóc giản dị với
bát cháo hành hiện thân của nhân tình, ý
thức nhân tính trong con người Chí Phèo đã
thức dậy. Chí Phèo khao khát trở về cuộc sống bằng phẳng của những con người
lương thiện "Trời ơi! Hắn thèm lương
thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn".
Chí Phèo hồi hộp hi vọng. Nhưng cánh cửa hi vọng vừa hé mở thì đã bị đóng sầm
ngay lại. Vì bà cô Thị Nở hiện thân của những thành kiến, định kiến bất công, tồi
tệ, vô nhân đạo của xã hội cũ đã không cho Thị Nở "đâm đầu đi lấy một thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ".
Thế là Chí Phèo thực sự lâm vào một tấn bi kịch tâm hồn đau đớn: bi kịch bị xã hội dứt khoát cự tuyệt làm người.
Kết cục Chí Phèo phải tìm đến một cái chết
đầy bi phẫn, thảm thương của một con vật.
- Qua "Chí Phèo", Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội phổ biến ở
nông thôn Việt Nam
trước Cách mạng: một bộ phận người nông
dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hoá, lưu manh hoá.
b. Trong "Vợ nhặt" của Kim Lân, thân phận nghèo hèn của mẹ con Tràng, dân ngụ cư thật tội nghiệp: nghèo tới mức một đời khao khát lấy được
một người vợ để có được một mái ấm gia đình mà cũng không được.
- Khi nạn đói khủng khiếp năm 1945
tràn đến, thân phận người nông dân hiện
ra mới thảm thương làm sao! "Cái đói đã tràn đến xóm ngụ cư từ lúc nào. Những
gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu
nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngỗn ngang khắp lều chợ. Người chết
như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng về không gặp
ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên...mùi gây của xác
người", "Tiếng quạ... cứ gào lên từng hồi thê thiết...". Cái đói
đã huỷ hoại cả hình thức lẫn tâm hồn người vợ nhặt "Nom chị ta rách rưới
quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa". Chị ta "gầy xọp", "khuôn mặt lưỡi cày xám xịt". Cái
đói khiến thị phải gợi ý Tràng cho ăn và chị cắm đầu một chặp bốn bát bánh đúc
liền rồi "ton ton" chạy
theo về làm "vợ nhặt" người
đàn ông xa lạ kia. Cái cảnh rước dâu diễn
ra thật thương tâm: Thị cúi đầu lầm lũi, thèn thẹn đi cách Tràng vài bước
trong lời trêu chọc và ánh mắt của trẻ con và người lớn xóm ngụ cư. Và bữa cỗ
ngày cưới cũng thật tội nghiệp: "Giữa
cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một cái đĩa muối ăn với
cháo". Cùng với một nồi cháo cám "đắng
chát và nghẹn bứ trong cổ"... Tất cả những điều ấy đã phơi bày được sự nghèo đói và tình trạng thê
thảm của con người trong bối cảnh lúc bấy giờ.
3. Sự kết thúc của hai thiên truyện
a. Sự khác nhau:
Truyện "Chí Phèo" kết thúc bằng cách lặp lại hình ảnh cái lò gạch
cũ đã xuất hiện ở phần đầu tác phẩm. Khi nghe tin Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn
nhanh xuống bụng và trong óc thị thoáng hiện ra hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ
không và vắng bóng người qua lại.
Còn truyện "Vợ nhặt" kết thúc bằng hình ảnh hiện lên trong óc Tràng:
đoàn người đi phá kho thóc của Nhật cùng với hình ảnh lá cờ đỏ của Việt Minh
bay phấp phới. Hình ảnh này đối lập với
hình ảnh về cuộc sống thê thảm của người nông dân được miêu tả trong những phần
trước của thiên truyện.
b. Giải thích vì sao có sự khác
nhau:
- Do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử: "Chí Phèo" viết
trước cách mạng (viết năm 1940, in năm 1941) trong hoàn cảnh đen tối của xã hội
Việt Nam
đương thời. Còn "Vợ nhặt"
là tác phẩm của nền văn học cách mạng từ sau 1945 có khả năng và cần thiết phải
chỉ ra chiều hướng tích cực của đời sống xã hội.
c. Kết thúc "Chí Phèo" đầy ám ảnh, góp phần
tạo nên kết cấu theo kiểu vòng tròn,
thể hiện sự luẩn quẩn bế tắc của số phận người nông dân; đồng thời cho ta thấy "hiện tượng Chí Phèo" vẫn tiếp
tục tồn tại trong xã hội cũ. Còn kết thúc "Vợ nhặt" mở ra một hướng giải thoát cho số phận các nhân vật,
chỉ ra con đường sống của người nông dân, và cho thấy khi bị đẩy vào tình trạng
đói khát cùng đường thì những người nông dân nghèo khổ sẽ hướng tới Cách mạng.
4. Phân tích những nét đặc sắc trong
tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm
a) Nhà văn
Sêkhốp đã từng nói: " Mỗi nhà văn
chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ". Điều này rất
đúng với Nam Cao và Kim Lân. Trên mỗi trang sách của hai nhà văn luôn luôn có một
trái tim đập thổn thức vì nỗi đau của con người và một tấm lòng trân trọng trước
vẻ đẹp của họ. Tuy nhiên mỗi nhà văn đã có những cách thể hiện, khám phá riêng rất đặc sắc để làm nên tính sinh động,
đa dạng, hấp dẫn cho từng tác phẩm.
b) Ở tác phẩm
"Chí Phèo", điểm đặc sắc
riêng của Nam Cao là đã lớn tiếng tố cáo
tội ác của xã hội thực dân phong kiến đã đấy người nông dân lương thiện vào
tình trạng tha hoá, lưu manh hoá, huỷ hoại
cả nhân tính và nhân hình của con người. Từ đó, tác phẩm đã vút lên tiếng kêu khẩn thiết đòi quyền sống, quyền
làm người lương thiện cho những con người cùng khổ trong xã hội cũ. Điều đặc
biệt là Nam Cao vẫn có niềm tin bất diệt
vào bản chất lương thiện của người lao động và khẳng định khát vọng lương thiện của họ ngay cả khi
họ bị đẩy vào tình trạng lưu manh hoá. Với "Chí
Phèo" , Nam Cao là nhà văn đồng
tình với khát vọng lương thiện của con người.
c) Còn trong "Vợ nhặt", Kim Lân đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với tình trạng
đói khổ cùng cực của người nông dân lao động. Nhà văn khẳng định bản chất tốt đẹp của họ. Trong cảnh cùng đường đói khát,
họ vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau. Ánh sáng của tình người là thứ ánh sáng đẹp
nhất, rạng rỡ nhất trong những ánh sáng le lói trong bầu không khí ảm đạm của
tác phẩm. Kim Lân còn thể hiện một khát vọng nhân bản của con người. Khi bị đẩy
đến bước đường cùng, người lao động vẫn không
bao giờ mất hết niềm tin, họ vẫn khao
khát hạnh phúc, khao khát sống, bám lấy sự sống như một quy luật sinh tồn tất yếu.
Điều đặc biệt là "Vợ nhặt"
còn mở ra một con đường giải quyết cái đói nghèo, bế tắc, đó là cách mạng.
Kết luận:
Trải qua bao nhiêu năm, " Chí
Phèo" và "Vợ nhặt" vẫn là những tác phẩm xuất sắc về đề tài người
nông dân trước năm 1945. Với một đề tài cũ, song hai tác phẩm đã thể hiện sự
phát hiện, khám phá mới mẻ về cảnh ngộ người nông dân và tư tưởng nhân đạo sâu
sắc. Đó là những tác phẩm sẽ "Vượt qua
sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết".
(Sêđrin)
Đăng nhận xét