Trước hết học sinh (HS) phải nắm chắc cấu
trúc đề thi đại học (do Bộ GD-ĐT ban hành) vì cấu trúc đề thi không chỉ thể hiện rõ dạng
thức đề thi mà còn bao gồm phạm vi kiến thức cụ thể cần ôn tập trong quá trình ôn thi đại học.
Theo đó, mỗi đề thi đều có hai phần: phần
chung (bao gồm một câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức và một câu yêu cầu HS viết
bài văn nghị luận xã hội ngắn); phần riêng (yêu cầu viết bài văn nghị luận văn
học). Kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung vào các đơn vị kiến thức cơ bản của
chương trình lớp 12, kỳ thi ĐH-CĐ sẽ bao gồm cả một phần chương trình lớp 11
(không có văn học nước ngoài). Thời gian quy định làm bài với kỳ thi tốt nghiệp
THPT là 150 phút, với ĐH-CĐ là 180 phút.
Ở phần chung: Khi ôn thi đại học HS cần chú ý các phần kiến
thức giao nhau của hai chương trình (Cơ bản - Nâng cao). Đối với câu hỏi yêu cầu
tái hiện kiến thức, phải nắm chắc những kiến thức khái quát về giai đoạn, tác
gia văn học cũng như những kiến thức cụ thể trong những bài học về tác phẩm văn
học Việt Nam (hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
hoặc đoạn trích...).
Riêng phần kiến thức về ba tác giả, tác
phẩm văn học nước ngoài ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, HS cần nắm được những nét
chính về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác và những kiến thức về tác phẩm (tóm tắt
tác phẩm, đoạn trích, giá trị nội dung - nghệ thuật, các chi tiết tiêu biểu...).
Câu trả lời tái hiện kiến thức cần được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, có thể gạch
đầu dòng chứ không nhất thiết phải trình bày thành một đoạn văn. Đối với câu
yêu cầu HS viết bài văn nghị luận xã hội ngắn, cần chú ý dung lượng (400 từ với
tốt nghiệp THPT, 600 từ với kỳ thi ĐH-CĐ). Thực tế cho thấy, nhiều HS còn khá
lúng túng đối với dạng đề này. Các em cần xác định ngay từ đầu những bước (thao
tác) cơ bản của dạng đề nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống hoặc tư tưởng đạo
lý. Đầu tiên cần làm rõ vấn đề nghị luận (qua giải thích, phân tích, chứng
minh) rồi mới bàn luận (khẳng định ý kiến, bàn luận mở rộng, liên hệ thực tế...).
Dẫn chứng thực tế cho dạng đề này là cần thiết nhưng không nên lạm dụng, tránh
tình trạng dài dòng, lan man.
Ở phần riêng: HS chú ý các dạng đề nghị
luận văn học (về tác phẩm - đoạn trích thơ, văn xuôi; nghị luận về một ý kiến
bàn về văn học). Cần thể hiện trong bài làm những hiểu biết khái quát về tác giả,
tác phẩm (nên để ở phần đầu của bài viết) cũng như đánh giá, nhận xét, nâng cao
vấn đề (nên để ở cuối bài viết). Trước khi bắt tay vào làm bài văn, nhất thiết
phải lập dàn ý đại cương đề hình dung hệ thống lập luận (luận điểm, luận cứ,
trình tự sắp xếp các ý...). Để đáp ứng được yêu cầu của đề thi đại học, khi làm
bài, cần vận dụng kiến thức văn học sử, lý luận văn học vì đây là kiến thức
công cụ giúp các em kiến giải, vận dụng... khi đứng trước một hiện tượng văn học.
Đăng nhận xét