Luyện thi đại học: Phân tích bài thơ "Chiều tối" của Hồ Chí Minh
Mở bài:
Với bút pháp vừa cổ điển vừa hiện đại, bằng một vài nét chấm phá, Bác đã khắc
họa được một bức tranh trời chiều xinh xắn nơi núi rừng có ánh lửa hồng của lò
than nhà ai chiếu sáng hình ảnh cô gái lao động. Từ bức tranh thơ bừng sáng lên
một tấm lòng lạc quan, đôn hậu đối với con người và đặc biệt nhạy cảm trước vẻ
đẹp thiên nhiên của Bác. Đó chính là nét đặc sắc nhất của bài thơ “ Chiều tối”.
Thân bài:
I.Hoàn cảnh
sáng tác:
Trong tác phẩm “ Những mẩu chuyện về
đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” tác giả Trần Dân Tiên có cho biết hoàn cảnh
sáng tác của bài thơ như sau: “ Người ta
giải Cụ Hồ đi nhưng không cho biết Cụ đi đâu.Tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ
mang xích, có sáu người lính mang súng giải đi, đi mãi nhưng vẫn không cho biết
đi đâu. Dầm mưa, dãi nắng, trèo núi, qua truông. Mỗi buổi sáng gà gáy đầu, người
ta đã giải Cụ Hồ đi, mỗi buổi chiều, khi chim về tổ, người ta dừng lại ở một địa
phương nào đó giam Cụ vào trong một xà lim, trên một đống ra bẩn, không cởi
trói cho Cụ ngủ”.
II. Sự hài
hòa giữ cảnh và tình: ( Biểu hiện tâm trạng trong cảnh vật)
Phải gắn bài thơ,với cảnh tù đày, chuyển lao đầy gian khổ của Bác như thế,
chúng ta mới thấy hết ý nghĩa sâu xa của bài thơ. Suốt ngày phải chuyển lao
gian khổ, gần về tối, người tù ngẩng đầu lên đỉnh trời rồi bất chợt nhận ra
cánh chim bay về rừng tìm chốn ngủ và làn mây lẻ loi lững lờ trôi. Dù lâm vào cảnh
ngộ bị đọa đày, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện tình cảm yêu mến, thiết tha và thái độ
đồng cảm, chia sẻ với tạo vật thiên nhiên vùng sơn cước lúc chiều buông. Bởi: “
Bác yêu trăng như thể yêu người”. Đối
với Bác hoa với trăng là bạn.
Hình ảnh thơ của Bác xuất hiện thật tự nhiên. Tuy là hình ảnh thơ mang màu
sắc ước lệ của thơ cổ điển, nhưng vẫn phù hợp với cảnh thực, tâm trạng thực của
nhà thơ. Bởi cũng như tâm trạng con người đang mệt mỏi cô đơn, hình ảnh cánh
chim xuất hiện ở câu thơ đầu tiên gợi cho ta một cái gì đó mệt mỏi, chán chường
“ Quyên Điểu
quy lâm tầm túc phụ”
Ở đây đã có sự hòa hợp cảm thông giữa con người và cảnh vật. Điều đó cũng
được thể hiện rõ hơn ở câu thơ thứ hai bởi từ “ Cô vân mạn mạn độ thiên không”. Bản dịch chưa lột tả được hết ý, hết
tình trong hình ảnh “ cô vân” và từ “
mạn mạn” trong nguyên tác. Hình ảnh “
cô vân” nói lên làn mây lẻ loi cô đơn
gợi nỗi buồn đơn côi của cảnh chiều. Từ “mạn
mạn” nghĩa là chậm chậm cũng gợi lên sự uể oải, lững lờ của đám mây chiều.
Điều đó làm cho làn mây cũng trở nên có tâm trạng hơn,dường như nó cũng mang nỗi
buồn như con người.
Thơ ca cổ điển xưa nay hay sử dụng thủ pháp lấy không gian để miêu tả thời
gian. Cho nên trong cảnh chiều muộn thường xuất hiện hình ảnh cánh chim,
làn mây:
Chim hôm thoi thót về rừng
(Nguyễn Du)
“Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn”
(Lý Bạch)
Xuân Diệu dịch:
“Chim
rừng một loạt cao bay
Trên
trời lơ lửng đám mây một mình”
Ở đây thơ Bác cũng có hình ảnh
chim bay mỏi nhưng lại có thêm hình ảnh cô vân. Song không phải là cô vân độc
khứ nhàn, gợi sự nhàn nhã, cô độc, thanh cao, phiêu diêu, thoát tục mà là “Cô
vân mạn mạn độ thiên không” làm cho khung cảnh buổi chiều thêm cô đơn, mệt
mỏi buồn thương hơn. Đúng là câu thơ của một tù nhân vào buổi chiều tà nơi xa xứ.
Bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Buồn vì xa tổ quốc quê hương,
bạn bè đồng chí, trong khi Cách mạng đang mong chờ, buồn vì bị mất tự do không
biết bao giờ mới được ra khỏi tù. Người trong cảnh ấy, cảnh trong tình này Bác
vui sao được? Chưa kể cảnh ngộ trong bài thơ chiều tối của Bác còn là điểm tiếp
nối hai sự đoạ đầy của người tù. Sự đoạ đầy ban ngày chưa qua, sự đoạ đầy ban
đêm đang chờ đợi phía trước.
Hai câu sau: ý thơ của Bác rất
hiện đại luôn luôn hướng về sự sống và ánh sáng. Nhưng nếu bài thơ của Bác chỉ
dừng lại ở đó thì nhà thơ Hồ Chí Minh của chúng ta có hơn gì các nhà thơ cổ
điển như Bà Huyện Thanh Quan, Đỗ Phủ, Lý Bạch, đặc biệt là nhà thơ Liễu Tống
Nguyên với bài thơ “Giang Tuyết” hết sức tĩnh lặng và lạnh lẽo.
“Ngàn
non bóng chim tắt
Muôn
nẻo dấu người không
Thuyền
đơn, ông tơi nón
Một
mình câu tuyết sông”
Song thơ Bác rất cổ điển mà
cũng rất hiện đại cho nên đến hai câu sau Bác viết:
“Sơn
thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao
túc ma hoàn lô dĩ hang”
Đến hai câu thơ này bức tranh
trữ tình về cảnh trời mây đã nhường chỗ cho bức tranh sinh hoạt gần gũi ấm áp
của con người. Câu thơ chỉ là một lời lẽ bình thường. Nhưng ý thơ thì sinh động
và đẹp đẽ biết bao trong nguyên văn “Sơn thôn thiếu nữ”, mà dịch thành “có
em xóm núi” thì lời dịch đã làm sai lệch mất ý thơ rất hay trong nguyên
tác. Với câu thơ ấy, bác đã đưa hình ảnh cô gái lao động lên vị trí trung tâm,
đẩy lùi về phía sau nền trời chiều với cánh chim bay mỏi và làn mây trôi nhẹ.
Ta nên nhớ rằng trong thơ xưa, cảnh thiên nhiên thường vắng bóng con người, và
con người bị hoà vào thiên nhiên:
“Lom
khom dưới núi tiều vài chú
Lác
đác bên sông chợ mấy nhà”
Bài thơ “Chiều tối” được
kết thúc bằng một hình ảnh thật tự nhiên mà bất ngờ thú vị “xay hết lò than
đã rực hồng”. Ngọn lửa hồng ấm áp đã bừng sáng.
1. Như thế là bài thơ tứ tuyệt
của Bác đã diễn tả được sự vận động của thời gian từ chiều đến tối hẳn. Tìm
hiểu trong câu thơ nguyên tác của Bác, chúng ta thấy câu thơ không có chữ “tối”
mà nói được cái tối, bởi thời gian cứ trôi dần theo cánh chim bay, làn mây,
cùng nhịp vòng quay cối xay ngô. Điệp từ “bao túc” được Bác dùng theo
trật tự đảo gợi được sự đều đều của vòng quay, cối xay ngô của sự tuần hoàn
luân chuyển của thời gian và cho đến khi cối xay dừng lại lò than đã rực hồng,
tức là thời gian đã tối hẳn. Có thế mới làm nổi rõ được cái rực hồng của lò
than vốn đã hồng từ lúc nào. Ở
đây, tưởng dùng cái sáng để nói cái tối. Đó là một thủ pháp rất quen thuộc của
thơ ca cổ điển. Thế mà bản dịch đã đưa thêm một chữ tối vào làm giảm tính hàm
xúc và mất đi vẻ đẹp cổ điển tinh tế có màu sắc rất Đường Tống này của hình ảnh
thơ Bác.
2. Cùng với sự vận động của
thời gian ấy là sự vận động của cảnh sắc, tư tưởng tính chất của tác giả. Sự
vận động và chuyển biến thật bất ngờ khoẻ khoắn. Từ tối đến sáng, từ tàn lụi
đến sự sống, từ buồn đến vui, từ lạnh lẽo đến cô đơn đến ấm nồng. Suốt ngày
phải chuyển lao gian khổ vượt vúi băng rừng, lội suối; còn phía trước biết đâu
một số tối nhà ngục lạnh giá đầy muỗi rệp, xích xiềng đang chờ đợi. Đã thế, cảnh chiều buông nơi miền sơn cước
tỉnh Quảng Tây lại dễ khêu gợi nỗi sầu tha hương, vậy ý thơ của Bác đi từ bóng
tối đến ánh sáng, từ buồn đến vui, một cái vui tràn đầy trong cuộc sống (Hoài
Thanh). Điều này được thể hiện rõ nhất ở chữ “hồng” cuối bài thơ. Đây
chính là chỗ đẹp nhất của bài “Chiều tối”.
“Nguyệt
lạc ô đề sương mãn thiên
Giang
phong ngư hoả đối sầu miên
Cô
Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ
bản chung thành đáo kháng huyền”.
Không phải là hình ảnh “Lửa
trại cây bến, sầu vương giấc hồ” trong thơ “Trương kể” mà là ánh lửa
hồng đầm ấm reo vui hạnh phúc, ánh lửa hồng của sự sống, niềm lạc quan. Với một
chữ “hồng” Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ đã làm mất đi sự mệt
mỏi, uể oải, vội vã, nặng nề đã diễn tả trong 3 câu thơ đầu, đã làm sáng rực
lên gương mặt cô gái sau khi xay xong ngô tối. Chữ “hồng” trong nghệ
thuật đời thường, người ta gọi là nhãn tự (chữ con mắt). Một mình chữ “hồng”
đã làm cân bằng sinh khớ cho cả bài thơ, đúng như Hoàng Trung Thông đã nhận xét:
"Với chữ “hồng” đó, có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi nhọc nhằn nữa đâu
mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình, cả lao động của cô
gái yêu kia. Đó là màu đỏ của tình cảm nhân ái, lạc quan Bác Hồ". Chữ
“hồng” cũng góp phần tạo nên chất hội hoạ cho bài thơ, khắc hoạ được một
bức tranh có cảnh vật có con người, có gam màu tối sáng. Như vậy Bác Hồ đã vượt
lên trên cái cảnh ngộ khổ đau buồn bã của bản thân để hướng tâm hồn mình đến
quan tâm chia sẻ với niềm vui giản dị của cô gái là xay ngô nơi xóm núi. Mới
biết mọi vui buồn sướng khổ của chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều khi không thể giải
thích được bằng cảnh ngộ riêng của Người mà phải căn cứ vào cảnh ngộ của người
khác; của nhân dân, của nhân loại. Đây là một tấm lòng nhân đạo lớn đã đạt đến
mức “nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
“Ôi
lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương
cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ
biết quên mình cho hết thảy
Như
dòng sông chảy nặng phù sa”
Kết
Luận:
“Chiều tối” là một bài thơ nhỏ mà đã thể hiện một phong cách lớn: phong
cách Bác Hồ:
“Tinh
hoa trái đất, chất kim cương
Con
người đẹp nhất trong nhân loại
Trí
tuệ tình yêu của bốn phương”
Bài thơ đã toả sáng một tấm lòng nhân đạo bao la. Chính tấm
lòng ấy đã làm cho bài thơ “Chiều tối” không phải là kết thúc bằng hình
ảnh bóng đêm tăm tối mà bừng sáng một ngọn lửa hồng ấm áp.
Đăng nhận xét