Luyện thi đại học môn Văn: Phân tích bản “ Tuyên ngôn độc lập”  ( Theo quan điểm: từ góc độ văn chính luận)

Mở bài
Do hoàn cảnh không gian địa lý đặc biệt: lưng tựa Trường sơn hùng vĩ, mặt hướng ra Biển Đông bốn mùa sóng vỗ, trải qua mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã từng phải đương đầu với đủ loại ngoại xâm: từ Bắc xuống, từ Nam lên, từ Tây sang, từ Đông vào.Vì vậy cùng với những chiến công hiển hách phá Tống, bình Nguyên, diệt Minh, đuổi Thanh, nền văn học của chúng ta cũng đã có những áng  văn  kiệt tác khẳng định đanh thép, hùng hồn chủ quyền độc lập dân tộc. Bên cạnh bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt sang sảng ngâm trên sông Như Nguyệt, “Bình Ngô đại cáo” một thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi, ngày nay chúng ta có  “Bản Tuyên ngôn độc lập” một áng văn chính luận mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh- “Tinh hoa của dân tộc, khí phách của non sông”- Phạm Văn Đồng.

Luyện thi đại học môn Văn: Phân tích bản “ Tuyên ngôn độc lập”

Thân bài:
I.Vài nét về hoàn cảnh sáng tác.
1. Đối tượng và mục đích của Bản Tuyên ngôn
Bản Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử được Bác viết ra cho đồng bào cả nước và nhân dân thế giới: “Hỡi đồng bào cả nước… chúng tôi trịnh trọng tuyên bố với thế giới”. Vì viết cho đồng bào nên lời văn của Bản tuyên ngôn xiết bao xúc động vì đây là lời của người cha, người mẹ nói với các con:
“ Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao
Giọng của Người không phải sấm trên cao
Ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước
Con nghe bác tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau
Vì tuyên bố với thế giới nên giọng văn của Bản tuyên ngôn sắc bén, lý lẽ đanh thép. Để tái hiện lại giờ phút thiêng liêng khi Bác đọc Bản tuyên ngôn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong bản trường ca “ Theo chân Bác”, Tố Hữu đã viết mấy câu thơ thật chân thực và xúc động:
Người đọc tuyên ngôn…rồi chợt hỏi:
“ Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”
Ôi câu hỏi hơn mọi lời kêu gọi
Rất đơn sơ mà ấm bao lòng
Cả muôn triệu một lời đáp: “ Có”
Như Trường sơn say gió Biển Đông
Vâng Bác nói chúng con nghe rõ
Mỗi lời Người mang nặng núi sông
Và Người viết nhằm mục đích tuyên bố quyền độc lập của dân tộc ta và ngăn chặn âm mưu của Anh, Mỹ, đặc biệt là Pháp nhân danh bảo hộ, khai hóa, đồng minh, hòng cướp lại nước ta một lần nữa.

III. Những lý lẽ có tính chất nguyên lý:
Trước hết để khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta là đúng nguyên lý, phù hợp với công pháp quốc tế, Bác đã trích hai câu nói nổi tiếng trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776 và bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp 1791: “ Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc… Người ta sinh ra tự do, bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn tự do và bình đẳng về quyền lợi. Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

1/ Ý kiến suy rộng ra ấy là một đóng góp vô cùng quan trọng của Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Một nhà văn hóa nổi tiếng của thế giới đã viết: “ Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy là tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết lấy vận mệnh của mình”. Ý kiến suy rộng ra của Bác có thể được xem là tiếng chuông khởi đầu cho thời kỳ bão táp cách mạng ở các nước thuộc địa sẽ làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới vào những năm 60-70 của thế kỷ 20.
=>Như thế là Bác đã dùng những lý lẽ của chính tổ tiên người Mỹ, người Pháp đã ghi trong những bản tuyên ngôn được cả thế giới công nhận và từng làm vẻ vang cho truyền thống, tư tưởng văn hóa của những dân tộc đó. Cách viết như thế là vừa khéo léo, vừa kiên quyết.
2/ Khéo léo vì tỏ ra rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Pháp, người Mỹ.
3/ Kiên quyết vì như ngầm cảnh cáo
Nếu họ tiến quân xâm lược Việt Nam, thì chính họ đã phản bội lại tổ tiên mình, làm vấy bẩn lên lá cờ nhân đạo, thiêng liêng của những cuộc cách mạng vĩ đại của họ mà được cả thế giới ngưỡng vọng”. Ở đây Bác đã vận dụng thủ pháp nghệ thuật rất hiệu quả trong việc đánh địch là dùng “gậy ông để đập lưng ông”. Nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng: “ Những câu tuyên ngôn trích trên kia vừa là quả táo với chúng ta, vừa là quả lựu đạn đối với kẻ thù: khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào
4/ Vả lại cách viết như vậy, phải chăng Bác đã đặt ba bản tuyên ngôn ngang nhau, đặt ba cuộc cách mạng ngang nhau?
Điều đó làm cho ta gợi lại niềm tự hào bài “ Đại Cáo bình ngô” nổi tiếng khi mở đầu tác phẩm bằng hai vế cân xứng để đặt ngang hàng Triệu- Đinh- Lý- Trần của Việt Nam với Hán- Đường- Tống- Nguyên. Bác Hồ đặt cân xứng bản tuyên ngôn của ta với bản tuyên ngôn của Mỹ, Pháp.Cũng phải thôi, vì cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 hầu như đã giải quyết đúng nhiệm vụ hai cuộc cách mạng của Mỹ ( 1776) và của Pháp ( 1789). Bản tuyên ngôn của Bác đã nêu rõ: “ Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”. Đó cũng là yêu cầu đặt ra cho cuộc cách mạng nước Mỹ, đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa Bắc Mỹ ra khỏi ách thực dân Anh. Bản tuyên ngôn của Pháp cũng viết: “ Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Đây cũng là tinh thần cơ bản của cuộc cách mạng dân quyền, nhân quyền của Pháp thế kỷ 18.

IV. Những lý lẽ nhằm bác bỏ luận điệu sảo trá của kẻ thù:
Tiếp đó là để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân loại tiến bộ để đẩy lùi kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất đe dọa nền độc lập dân tộc đó là thực dân xâm lược Pháp, Bác đã nêu lên lý lẽ và lập luận hết sức thuyết phục về mặt pháp lý nhằm bác bỏ luận điệu của bọn đế quốc thực dân.
1/ Để vạch trần luận điệu về công lao khai hóa của Pháp đối với Đông Dương, Bác đã nêu rõ “ những hành động trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa” của chúng trong 80 năm thống trị nước ta về hai phương diện: chính trị và kinh tế, thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ, chia rẽ Tổ quốc ta thành ba kỳ:
Giặc cướp hết non cao biển rộng
Cướp cả tên nòi giống tổ tiên
Lưỡi gươm cắt đất ngăn miền
Núi sông một khúc ruột liền chia ba”
“ Tắm các phong trào yêu nước và cách mạng của ta trong những bể máu”
Thi hành chính sách ngu dân, đầu độc dân ta bằng thuốc phiện, rượu lậu, bóc lột vơ vét đến tận xương tủy làm cho nước ta xơ xác, dân ta tiêu điều, cuối cùng chúng đã gây ra nạn đói rùng rợn khủng khiếp khiến cho từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ hơn hai triệu đồng bào ta chết đói. Như vậy là khai hóa đó sao? Sự thực là các ngài đã khai tử cả dân tộc chúng tôi.
2/ Để phơi bày luận điệu xảo trá về “công lao bảo hộ Đông Dương” của Pháp, bản tuyên ngôn đã chỉ rõ đó không phải là công mà là tội. Vì chúng chẳng những không bảo hộ mà trong năm năm chúng đã bán đứng nước ta hai lần cho Nhật.
3/ Và cuối cùng bác bỏ lời tuyên bố là: Đông Dương là thuộc địa của chúng với tư cách là thành viên của đồng minh, bản tuyên ngôn chỉ rõ đó là tội: Pháp đã quỳ gối đầu hàng Nhật, kẻ thù của đồng minh, dâng Đông Dương cho Nhật làm một căn cứ đánh đồng minh. Pháp không còn tư cách gì là đồng minh để trở lại đây nữa. Và dân ta đã giành độc lập từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp, giành bằng sự nổi dậy của chính mình, giành khi đồng minh chưa bén mảng đến đây. Luận điểm này đứng về ý nghĩa pháp lý là vô cùng quan trọng. Nó sẽ dẫn đến lời tuyên bố hùng hồn tiếp theo của bản tuyên ngôn: “ Bởi thế, cho nên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
4/ Việt Nam đã độc lập đó là thực tế. Việt Nam phải được độc lập đó là theo các nguyên tắc của Hội nghị Cựu Kim Sơn của các nước đồng minh “ Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và thực tế đã trở thành một nước tự do, độc lập” chính là nhấn mạnh lý và sự ấy, đồng minh khó bẻ một lý nào.

Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh


V. Những lý lẽ nhằm khẳng định dân tộc ta có đủ tư cách để hưởng độc lập  
Còn dân tộc ta thì sao? Dân tộc ta có xứng đáng được hưởng độc lập tự do hay không? Có đủ tư cách làm chủ đất nước mình hay không? Bản tuyên ngôn cũng đưa ra những lý lẽ đầy tính chất khẳng định.
1/ Nếu thực dân Pháp có tội phản bội đồng minh- dâng Đông Dương cho Nhật thì nhân dân ta đã anh dũng chống Nhật với tư cách là thành viên đồng minh.
2/ Nếu thực dân Pháp bộc lộ tính chất hèn nhát phản động phi nhân đạo ở hành động thẳng tay khủng bố Việt Minh. Thậm chí đến khi thua chạy còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng thì nhân dân ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo với kẻ thù khi chúng đã thất thế “ Sau cuộc biến động 9 - 3 Việt Minh đã giúp cho người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi trại giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản của họ
Một dân tộc đã chịu bao đau khổ dưới ách thực dân tàn bạo, đã anh dũng chiến đấu cho độc lập, tự do; đã đứng hẳn về phe đồng minh chống phát xít; đã nêu cao tinh thần nhân đạo bác ái , như thế “ Dân tộc đó phải được tự do,. Dân tộc đó phải được độc lâp
* Nghệ thuật: Bản tuyên ngôn độc lập của Bác không chỉ thuyết phục người đọc bằng những lý lẽ chặt chẽ, mà còn lay động hàng triệu trái tim người đọc bởi lời văn đầy cảm hứng yêu nước, nhân đạo: “ khi đanh thép hùng hồn, khi căm giận uất ức, khi lâm li thắm thiết”. Vì là tuyên ngôn nên vừa khẳng định quyền của ta vừa vạch trần tội ác của giặc. Trong một đoạn văn ngắn mà Bác láy lại 13 chữ “ quyền” và sau đó 14 câu, câu nào cũng có “ chúng” nặng như búa tạ. Và mỗi chữ “ chúng” ấy, mỗi tội ác của “ chúng” ấy như trút xuống chữ “ ta” làm xúc động lòng người… “một dân tộc” hai lần nhấn mạnh chữ “ gan góc”, bốn lần nhấn mạnh chữ “ dân tộc”, rồi hai câu điệp lại như những nhát dao mỗi lúc chém xuống mạnh hơn “ dân tộc đó… dân tộc đó” “ đọc lên sảng khoái biết chừng nào”- Chế Lan Viên.

Kết luận
Tóm lại Bản Tuyên ngôn độc lập ngắn gọn của Bác đã trở thành một bài văn chính luận mẫu mực nổi tiếng. Bởi bài văn đã xây dựng được một hệ thống lập luận chặt chẽ, đưa ra được những bằng chứng hùng hồn, không ai có thể chối cãi được. Đằng sau đó là một tầm tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh, Người đã tổng kết được một cách giản dị mà xúc tích những kinh nghiệm đấu tranh của nhiều thế kỷ giành độc lập dân tộc, dân quyền, nhân quyền của dân tộc ta và nhân loại.
“ Trời bỗng xanh nắng chói lòa
Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta
Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó

Nước Việt nam dân chủ cộng hòa”

Đăng nhận xét

 
Top