Phải bao quát toàn bộ chương trình, sau đó hệ thống lại nội dung
kiến thức từng chuyên đề hoặc từng phần, chương, bài theo một dàn ý rõ ràng,
chặt chẽ. Nên học từ tổng thể đến thành phần rồi chi tiết.
Dạng đề trình bày: Nhằm kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của thí
sinh. Ví dụ: nêu biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa qua các thành
phần địa hình, sông ngòi của nước ta; trình bày các phương hướng giải quyết
việc làm nhằm sử dụng hợp lý nguồn lao động ở nước ta; trình bày đặc điểm đô
thị hóa ở nước ta…
Dạng đề phân tích - chứng minh: Thí sinh không chỉ nhớ kiến thức
mà còn phải biết vận dụng để lý luận, phân tích, chứng minh một vấn đề. Ví dụ:
Phân tích các thế mạnh và hạn chế của nguồn lao động nước ta; phân tích những
ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa ở nước ta đối với phát triển kinh tế - xã
hội; phân tích các nguồn lực ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng
bằng sông Hồng. Chứng minh rằng cơ cấu công nghiệp của nước ta có sự phân hóa
theo lãnh thổ; chứng minh rằng hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ta đang có
những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây…
Dạng đề so sánh: Thí sinh cần tổng hợp kiến thức để phân biệt sự
giống và khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng địa lý. Ví dụ: so sánh sự khác
nhau trong chuyên môn hóa nông nghiệp giữa trung du và miền núi Bắc Bộ với Tây
Nguyên; so sánh các thế mạnh và thực trạng phát triển kinh tế của 3 vùng kinh
tế trọng điểm nước ta.
Dạng đề giải thích: Thí sinh không chỉ thuộc bài mà còn phải
biết vận dụng kiến thức để giải thích. Ví dụ: Tại sao ở nước ta phải thực hiện
phân bố lại dân cư cho hợp lý? Tại sao nói việc đảm bảo an toàn lương thực là
cơ sở để đa dạng hóa nông nghiệp? Tại sao nói việc phát triển cơ cấu nông - lâm
- ngư nghiệp góp phần phát triển bền vững ở Bắc Trung Bộ?...
Bên cạnh đó, học sinh cần chú ý đến các kỹ năng khi ôn tập môn
Địa lý.
Vẽ biểu đồ: Các dạng biểu đồ thường gặp là biểu đồ cột, biểu đồ
đường hay đồ thị, biểu đồ tròn, biểu đồ miền, biểu đồ kết hợp (cột và đường).
Cần chú ý từ các kỹ năng đơn giản nhất như phân chia tỷ lệ, chọn độ dài các
trục và thể hiện trị số, đơn vị trên đó, vị trí và thứ tự cách vẽ thành phần
trong biểu đồ cơ cấu, sử dụng các ký hiệu để thể hiện nội dung khác nhau, ghi
chú giải và tên biểu đồ.
Phân tích bảng số liệu: Kỹ năng tính toán, phân tích bảng số
liệu, tìm ra quy luật, mối liên hệ giữa các số liệu, rút ra nhận xét hoặc giải
thích. Về tính toán: Chuyển đổi số liệu tuyệt đối sang tương đối (%); tạo đại
lượng mới như từ dân số (người) và diện tích (km2) và để tính mật độ dân số
(người/km2); từ sản lượng (tấn) và diện tích (ha) để tính năng suất (tấn/ha;
tạ/ha)... Về nhận xét: Phải nêu được bản chất của vấn đề. Chú ý đến sự tăng hoặc
giảm mang tính chu kỳ hay có tính đột biến để giải thích. Chú ý dãy số theo cả
hàng dọc và cả hàng ngang để nêu được sự phát triển của đại lượng qua thời gian
và cả cơ cấu thành phần của chúng… Về giải thích: Cần biết vận dụng kiến thức
đã học để giải thích hiện tượng địa lý, biết chọn lựa kiến thức để giải thích
đúng với yêu cầu, tránh trình bày lan man.
Sử dụng Atlat: Nếu biết sử dụng Atlat thì việc học Địa lý sẽ
“nhàn” hơn rất nhiều vì không phải ghi nhớ nhiều địa danh và số liệu. Học sinh
cần biết đọc và mô tả được các đặc điểm của hiện tượng địa lý trên bản đồ. Phải
nghiên cứu để hiểu nội dung Atlat, nắm chắc ký hiệu, ước hiệu bản đồ (chủ yếu ở
trang “ký hiệu chung” và một số ở các trang chuyên đề); xác định được phạm vi
các lãnh thổ.
Mẹo học tốt
- Cần nắm vững các kiến thức căn bản. Các số liệu dẫn chứng chỉ
cần nhớ những năm cuối, các yếu tố đúng nhất. Ví dụ: Nhà máy thủy điện Hòa Bình
trên sông Đà có công suất lớn nhất nước hiện nay là 1.920 MW. Nhà máy Sơn La
đang xây sẽ lớn nhất khi xây xong là 2.400 MW.
- Để thi tốt nghiệp THPT chỉ tập trung kỹ năng vẽ biểu đồ, phân
tích bảng số liệu, nhận xét..., không yêu cầu vẽ lược đồ VN như kỳ thi ĐH, CĐ.
- Lập bảng ghi nhớ, so sánh vừa bằng một trang giấy học trò để
bỏ túi và có thể ôn mọi lúc mọi nơi.
- Rèn luyện kỹ năng vẽ biểu đồ dựa trên các bài tập và các bảng
số liệu trong sách giáo khoa. Vẽ trên giấy thi càng tốt, vì giấy thi không có
đường dọc (thẳng đứng) mà chỉ có đường ngang. Các em vẽ nhiều lần sẽ vẽ nhanh
và chia đúng tỷ lệ.
Trần Văn Quang
(Tổ trưởng tổ Địa lý trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM)
Theo Thanh niên
Đăng nhận xét