Khảo sát hàm số và các dạng toán liên quan đến đồ thị hàm số là
mảng kiến thức quan trọng trong chương trình ôn thi đại học.
Bài toán “Khảo sát hàm số” là một trong những câu không thể thiếu
trong bất kì đề thi đại học nào. Đây cũng là
bài dễ lấy điểm đối với hầu hết các thí sinh và là phần chiếm 2 điểm trong đề
thi đại học. Tuy nhiên để làm tốt bài toán này các bạn nên thực hiện đúng các bước
khảo sát và nắm vững các tính chất đặc thù của từng dạng hàm số (hàm bậc ba,
hàm trùng phương, hàm bậc nhất trên bậc nhất), cùng các kiến thức cơ bản về
điểm, đường thẳng, tam giác, góc, khoảng cách…
Đối với ý thứ nhất “Khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm số” ta
chỉ cần nắm được các quy trình xét sự biến thiên và biết cách vẽ một số dạng
hàm số là dễ dàng có điểm ở câu này. Còn câu hỏi phụ liên quan khảo sát hàm số
trong các đề thi luôn là câu hỏi "e ngại" đối với phần lớn học sinh
bởi tính đa dạng, phong phú; để làm tốt đòi hỏi cần có kiến thức vững vàng về
phần này và biết vận dụng tốt các kiến thức cơ bản liên quan.
Theo khảo sát thì khoảng
trên 10 năm gần đây từ năm 2002- 2013 trong cả 3 khối A/A1, B, D: có 1 câu hỏi
về tính đơn điệu, 11 câu hỏi về phần cực trị, 12 câu hỏi về phần sự tương giao,
9 câu hỏi về tiếp tuyến, 3 câu hỏi về các bài toán khác. Như vậy sẽ có phần
trọng tâm thường xuất hiện tại chuyên đề khảo sát hàm số đó là: Các bài toán về
sự tương giao giữa hai đồ thị, các bài toán về cực trị hàm số và các bài toán
về tiếp tuyến.
Theo hocmai.vn
Đăng nhận xét