Điểm khác biệt giữa bài thi ĐH môn Hóa học
so với các môn Toán, Lí là phần tính toán của Hóa đơn giản. Tuy nhiên môn Hóa
thường phải nhớ kiến thức lý thuyết nhiều... Gợi ý của thầy Nguyễn Thế Anh,
giáo viên Trường THPT Hà Nội – Amsterdam cho những thí sinh có khát vọng luyện thi đại học khối A, B năm 2010.
Bài toán thường gắn liền với các định luật
hoặc lý thuyết tổng quát, mức độ khái quát cao. Nắm tốt các lý thuyết tổng quát
sẽ giúp các em làm tốt 70% số câu hỏi.
Phần còn lại nằm vào các trường hợp đặc
biệt cần phải nhớ hoặc cần suy luận phụ thuộc vào năng lực của từng học sinh cụ
thể.
Các em nên làm đề cương và nắm chắc các
lý thuyết tổng quát: Thuyết axit-bazơ, phản ứng oxi hóa khử - thế điện cực chuẩn,
thuyết điện li của phần hóa học vô cơ và đại cương, thuyết cấu tạo hóa học ở phần
hữu cơ. Định luật tuần hoàn để xác định tính chất hóa học cơ bản, định luật bảo
toàn khối lượng, bảo toàn electron và bảo toàn nguyên tử để giải bài tập.
Không học tủ bất kì phần nào mà xác định
trọng lượng của từng phần theo phân phối số lượng câu hỏi theo hướng dẫn của Bộ
GD-ĐT.
Đề thi trắc nghiệm môn Hóa học thông thường
gồm ½ là câu hỏi lý thuyết và ½ là bài tập tính toán. Để làm bài tốt thì cần ôn
tập đầy đủ phần lý thuyết kiến thức trong sách giáo khoa (SGK). Một điều chắc
chắn là đề thi không được phép ra ngoài chương trình SGK nên học sinh không cần
sa đà vào các kiến thức khó ngoài SGK mà cần ôn tập đầy đủ các kiến thức chính.
Cách tốt nhất là học sinh nên tự làm đề
cương để kiểm soát phần nào còn thiếu, yếu hoặc chưa hiểu kĩ.
Về bài toán hóa học thì việc tính toán
không quá phức tạp, hầu hết đều có thể đưa về 1 phương trình hay hệ phương
trình toán học đơn giản. Nắm chắc các phương pháp trung bình, phương pháp bảo
toàn khối lượng, phương pháp bảo toàn electron, phương pháp bảo toàn điện tích
sẽ giúp ích rất nhiều.
Trong một số trường hợp học bài toán hóa
học cho số chia không hết (ví dụ 89/3) học sinh thường làm tròn và có thể dẫn đến
một kết quả sai, lời khuyên là các em nên tính toán với phân số.
So với số thí sinh dự thi thì số thí
sinh đạt điểm tuyệt đối quả là ít nhưng không phải là không thể đạt điểm 10. Có
nhiều học sinh nắm chắc kiến thức và có thể làm đúng hoàn toàn bài thi. Các em
thường có những sai sót cơ bản mất 0,25-0,5 điểm và do vậy không đạt được điểm
tuyệt đối.
Để tránh mất 0,25-0,5 điểm đối với những
câu các em nghi ngờ kết quả thì có thể kiểm tra lại. Bài tập tính toán thì thay
kết quả vào kiểm tra lại. Đối với câu hỏi lý thuyết thì cố gắng dùng phương
pháp loại trừ để kiểm tra lại kết quả.
Việc làm đề thi ĐH được chuẩn bị kĩ lưỡng,
gồm nhiều giáo viên có kinh nghiệm cũng như kiến thức rất giỏi do vậy các em
không nên có tâm lý nghi ngờ đề sai. Khi giải bài tập không có đáp án A, B, C,
D thì hầu như các em đã giải sai. Bình tĩnh kiểm tra lại và loại trừ các đáp án
mà các em xác định chắc chắn sai. Từ đó khả năng tìm câu trả lời sẽ cao hơn và
không bị mất điểm.
Để không bị mất bình tĩnh các em nên ôn
tập thật tốt, kiến thức nắm chắc thì sẽ tự tin. Khi làm bài có thể gặp câu hỏi
mà phần kiến thức về nó các em học chưa kĩ. Hãy bỏ qua và làm câu khác. “Đừng
bao giờ làm lần lượt từ trên xuống dưới”, tìm câu dễ làm trước, câu khó làm
sau, không mất quá nhiều thời gian vào một câu (theo ý kiến riêng của tôi là
không mất quá 2 phút cho 1 câu, sau khi giải quyết hết câu khác mà còn nhiều thời
gian thì mới tập trung giải quyết sau).
Một số điểm lưu ý khi làm bài thi môn
Hóa học:
-
Viết và cân bằng phương trình hóa học chính xác;
- Tính toán bằng phân số nếu gặp số
không chia hết;
- Triệt để sử dụng phương pháp loại trừ
để thu nhỏ các phương án cần lựa chọn;
- Cần kiểm tra lại các phương án mà các
em lựa chọn.
Cuối cùng phải chú ý đến các dữ kiện đề
bài để tránh nhầm lẫn. Câu hỏi trắc nghiệm chỉ có một đáp án đúng duy nhất nên
các bài tập xét trường hợp thì chỉ có 1 trường hợp đi tới kết quả đúng, các em
xét 2 trường hợp, một đã ra kết quả thì không phải xét trường hợp còn lại.
Đăng nhận xét