Với các vận động viên chạy marathon để đạt được thành tích cao
và cán đích ngoại mục ngoài sức khỏe bền bỉ, quyết tâm chinh phục thử thách còn
cần có một chiến lược, chiến thuật rõ ràng trong từng thời điểm của cuộc đua.
Để đạt điểm cao môn Sinh học trong kì thi ĐH, CĐ, các bạn học sinh cũng chuẩn
bị những "chiến thuật" cho mình.
Cuộc đua mà các bạn học sinh sắp tới đích chính là chặng đường
ôn luyện để bước vào kì thi ĐH, CĐ trong tháng 7 này. Trong 2 tháng về đích còn
lại, ngoài việc tập trung cao độ cho rèn luyện kiến thức kĩ năng, các bạn học
sinh cũng cần chú ý ôn tập tổng quát và không nên bỏ qua những “chiến thuật”
dưới đây dành cho môn Sinh học.
9 lưu ý để ôn thi “nước rút” môn Sinh học hiệu quả
Thứ nhất: Không được bỏ qua bất kì đơn vị kiến thức nào bởi thi
trắc nghiệm có thể hỏi bất kì vấn đề gì dù nhỏ nhất.
Thứ hai: Cần xây dựng sơ đồ khái niệm để nắm bắt bản chất từng
khái niệm và mối liên hệ giữa các khái niệm trong chương trình đã học.
Thứ ba: Trong từng phần kiến thức hãy đặt ra câu hỏi tại sao như
vậy? Lý do tồn tại một cấu trúc, cơ chế một quá trình sống.
Ví dụ: Từ cấu trúc của gen hãy suy nghĩ từng vùng cấu trúc có
vai trò gì đến sự biểu hiện của gen? Nếu đột biến ở vùng điều hòa của gen thì
gây hậu quả gì? hay đột biến ở vùng điều hòa và vùng mã hóa của gen có sự khác
biệt như thế nào?
Mã di truyền tại sao lại là mã bộ ba, tính hợp lí của nó như thế
nào? Từng đặc tính của mã di truyền có ý nghĩa gì? Trong một bộ ba nếu đột biến
thì đột biến ở nu nào sẽ gây hậu quả dễ gây ra sự biến đổi ý nghĩa của bộ ba
đó.
Cấu trúc gen phân mảnh của sinh vật nhân sơ có tác dụng gì?
Cấu trúc operon của sinh vật nhân sơ có tác dụng gì? Lý do tồn
tại của nó.
Thứ tư: Luôn luôn tìm ra dấu hiệu bản chất của một quá trình
sinh học, một định luật hay phát biểu nào đó.
Ví dụ: Bản chất của quá trình dịch mã là quá trình dịch từ trình
tự nu của mARN thành trình tự axit amin trong polypeptit tương ứng. Trong đó
phân tử đóng vai trò là người phiên dịch chính là tARN.
Nguyên tắc giúp truyền đạt
chính xác thông tin di truyền từ gen đến polypeptit là “nguyên tắc bổ
sung”.
Hay khi phát biểu định luật phân li thì cần biết từ những điều
đã phát biểu trong định luật thì điều kiện nghiệm đúng của định luật là “quá trình giảm phân xảy ra bình thường”.
Bản chất của định luật Hacđi – Vanbec là nói nên trạng thái cân
bằng di truyền của quần thể giao phối khi các điều kiện đảm bảo cho tần số alen
không thay đổi. Trong đó điều kiện đảm bảo cho tần số alen không thay đổi chính
là những nhân tố cản trở quá trình tiến hóa: Không phát sinh đột biến, sức sống
các cá thể như nhau, không có quá trình di nhập gen, kích thước quần thể cực
lớn, không có biến động di truyền, quá trình giao phối ngẫu nhiên.
Hay tiến hành tự phối hay giao phối ngẫu nhiên thì tần số alen
không thay đổi nhưng thành phần kiểu gen ở mỗi quần thể trong mỗi kiểu giao
phối là khác nhau trong đó chỉ một thế hệ ngẫu phối quần thể sẽ đạt trạng thái
cân bằng di truyền còn quần thể tự phối thì tăng dần đồng hợp, giảm dần dị hợp
trong quần thể.
Hay khi nghiên cứu về quá trình giảm phân thì luôn nhớ rằng dù 1
tế bào có bao nhiêu cặp gen, liên kết hay phân li độc lập thì tối đa cũng chỉ
tạo ra 1 loại trứng và 2 loại tinh trùng trong trường hợp không hoán vị gen còn
tạo ra tối đa một loại trứng và 4 loại tinh trùng trong trường hợp có xảy ra
hoàn vị gen.
Hay khi nghiên cứu về hoán vị gen thì luôn nhớ rằng hoán vị gen
có tần số không quá 50% nhưng nếu gen cách nhau hơn 50cM thì tần số hoán vị gen
cũng chỉ là 50%.
Thứ năm: Trong việc học môn Sinh không cần làm quá nhiều bài tập
mà nên làm những bài tập điển hình và đặc biệt nhớ các công thức tính toán để
tăng tốc độ quá trình làm bài.
Cần nhớ hết các công thức tính về ADN, quá trình nguyên phân và
giảm phân, một số công thức về tính số kiểu gen .
Một điều lưu ý rằng ADN có 2 mạch polynucleotit nên nếu một phân
tử ADN nuôi trong môi trường N15 sau đó chuyển sang môi trường có N14 và nhân
đôi k đợt thì trong các phân tử ADN con luôn có 2 ADN mà một mạch N14 và 1 mạch
N15 nên tổng số mạch polynucleotit chỉ cấu tạo từ N14 là 2K.2 – 2.
Cần nhớ công thức tính số kiểu gen khác nhau bao gồm cả kiểu gen
đồng hợp và kiểu gen dị hợp khi gen phân li độc lập, liên kết, nằm trên NST
thường hay nằm trên NST giới tính.
Ví dụ: Gen thứ 1 có m alen gen thứ 2 có n alen nếu hai gen phân li độc lập thì số kiểu gen
tương ứng là m(m+1)/2*n(n+1)/2.
Nếu hai gen trên liên kết với nhau trên NST thường thì tổng số
kiểu gen là m.n(m.n+1)/2.
Nếu hai gen trên liên kết trên NST giới tính X thì tổng số kiểu
gen là m.n(m.n+3)/2.
Và tất nhiên các con chỉ cần làm một vài bài tập để nhớ các công
thức này rồi chuyển sang các bài tập khác. Lưu ý từ công thức trên các con có
thể tính số kiểu gen đồng hợp và số kiểu gen dị hợp.
Trong định luật Mendel nhiều khi có một số công thức về xác suất
mà các con cần phải nhớ
Ví dụ: Bố mẹ sinh con có kiểu hình khác bố mẹ (một gen quy định
một tính trạng) thì suy ra tính trạng xuất hiện ở con không thấy ở bố mẹ là
tính trạng lặn. chẳng hạn bố mẹ đều tóc nâu sinh con tóc đen thì tính trạng tóc
đen là tính trạng lặn. Từ đó suy ra luôn bố mẹ dị hợp Aa.
Người ta có thể hỏi cặp vợ chồng trên sinh ra 3 người con thì
xác suất có ít nhất một người tóc nâu là bao nhiêu thì ta luôn nhớ phần bù là
không có ai tóc nâu tức là toàn tóc đen (1/4)3 vậy xác suất cần tìm là 1 –
(1/4)3.
Trong bài toán về cấu
trúc di truyền của quần thể trong trường hợp gen nằm trên NST giới tính X thì
cũng cần nhớ các công thức đó là:
Trong trường hợp quần thể cân bằng di truyền và tỉ lệ giới tính
1:1 thì
Giới cái: p2 XAXA+2pq XAXa +q2 XaXa = 1
Giới đực: p XAY+q XaY
Từ đây ta dễ dàng tính được tần số kiểu hình của giới cái khi
biết tần số kiểu hình lặn của giới đực.
Thứ sáu: Phải học kiến thức mới kết hợp với việc ôn tập thường
xuyên và định kì. Thực tế cho rằng việc học không quan trọng bằng việc ôn tập,
trong khi học cũng cần lưu ý bất kì kiến thức gì dù dễ cũng phải ghi chép cẩn
thận vào vở để có thể xem lại bất kì khi nào tránh chủ quan cho rằng đã biết
rồi không ghi chép. Trong quá trình ôn tập cần xây dựng cây kiến thức theo sơ
đồ mindmap
Thứ bảy: Phân bổ thời gian học tập hợp lí, kết hợp giữa học tập
với nghỉ ngơi. Không thức quá khuya để học vì sẽ rất hại cho hệ thần kinh. Các
con cần ngủ đủ mỗi ngày 7 đến 8 giờ để cho hệ thần kinh được phục hồi.
Thứ tám: Cần rèn luyện sức khỏe để có một sức khỏe và trí nhớ
tốt. Một thực tế là khi tập thể dục thường xuyên thì khả năng ghi nhớ và sức bền của não tốt hơn nhiều với
trường hợp không tập thể dục.
Thứ chín: Hãy xây dựng nhóm học tập để trao đổi những kiến thức
mình đã biết cho bạn bè cùng học. Một thực tế cho thấy không có cách học nào
hiệu quả bằng việc dạy người khác. Vì vậy các con hãy tăng cường trao đổi những
kiến thức mình đã biết cũng như hỏi bạn bè và thầy cô những kiến thức ta chưa
biết để có thể thu lượm được thật nhiều kiến thức trong một thời gian ngắn.
5 "chiến thuật" để giành điểm cao
Thứ nhất: Vào phòng thi với một tâm lý thoải mái, đừng tạo cho
mình thêm áp lực, cái đó chỉ làm cho ta dễ bị ức chế, dễ bị mất bình tĩnh khi
gặp một bài tập hay một câu hỏi nào khó. Hãy suy nghĩ về những kỉ niệm thật đẹp
thời còn đi học, hãy nghĩ về một bãi biển, một khu rừng thật bình yên khi bắt
đầu bước vào kì thi. Hãy cầm theo một bài thơ hay, một số câu chuyện vui trong
khi chờ vào phòng thi.
Thứ hai: Khi đọc đề cần khoanh ngay vào những từ khóa quan trọng
của câu hỏi và nhanh chóng loại đi những phương án sai, nếu câu hỏi đó mình
chắc chắn làm được vì có kiến thức thì phải cố làm ngay không bỏ qua để đến câu
khác vì nếu bỏ qua sau đó lại mất thời gian đọc lại, nhiều câu như vậy sẽ mất
nhiều thời gian.
Thứ ba: Đọc thấy một câu nào đó quá khó thì nhanh chóng đánh dấu
rồi chuyển sang câu khác để tránh mất thời gian. Luôn nhớ là lướt nhanh đề thi
để làm câu dễ trước tạo tâm lí tự tin vì
đã làm được số một câu nhất định trong thời gian đầu.
Thứ tư: Sau khi làm xong bài thi, nếu còn thời gian thì cần kiểm
tra lại kể cả những câu mình cho là dễ vì nhiều khi học sinh lại làm nhầm chính
những câu tưởng chừng rất dễ. Nếu còn thời gian hãy tư duy theo hướng của người
khác xem có phản bác lại đáp án mình đã chọn hay không?
Thứ năm: Không đánh dấu vào đáp án vào tờ đề thi. Trước khi làm
bài hãy đánh số thứ tự câu từ 1 đến 50 ở giấy nháp và sau đó chọn phương án
viết ra giấy nháp, cần làm độc lập 2 lần (nếu còn thời gian soát) để đảm bảo
mình chọn đúng. Nhớ lưu ý mang theo đồng hồ điện tử để hẹn giờ khoanh vào tờ
bài làm trước ít nhất 15 phút.
Ghi theo thầy Nguyễn Quang Anh – giáo viên Sinh học trường THPT
Chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội.
Đăng nhận xét