Trao đổi về đề thi tuyển sinh 2015, ông Mai Văn
Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: “Đề
thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công
nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm
các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản và yêu cầu nâng cao”.
Hiện nay, thí sinh lớp 12 đang ráo riết ôn thi chuẩn
bị kỳ thi THPT quốc gia 2015 đang tâm trạng lo lắng, không biết đề thi ra theo
hướng nào, mỗi thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng để dự tuyển vào ĐH,
CĐ, xét tuyển như thế nào...
Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm
định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: “Đề thi trong kì thi THPT quốc gia năm 2015
sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.
Đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt
được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào
ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản
(thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp
THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hoá thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh
ĐH, CĐ). Ví dụ thí sinh thi khối A thì môn Ngữ văn và Ngoại ngữ chỉ cần trả lời
được các câu hỏi ở mức độ cơ bản cũng đã đủ điều kiện để có thể tốt nghiệp
THPT.
Như vậy, thí sinh chỉ cần học tập đáp ứng yêu cầu cơ
bản quy định trong chương trình là có thể tốt nghiệp THPT và tập trung đầu tư học
nhiều hơn vào các môn Toán, Vật lí, Hoá học phù hợp với tổ hợp môn thi (khối
thi) để tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ.
Không phân biệt thí sinh ở cụm thi
Việc tổ chức thi ở các cụm thi khác nhau có thể tạo
ra sự không công bằng trong kết quả tốt nghiệp THPT giữa các cụm thi, khi mà nơi
thì coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc, nơi thì coi thi có thể sẽ dễ dãi hơn. Bộ
GD-ĐT sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo kì thi khách quan, công bằng cho tất
cả thí sinh?
Ông Mai Văn Trinh: Kì thi THPT quốc gia dù được tổ
chức ở các cụm thi khác nhau nhưng đều được thực hiện theo đúng quy định của
quy chế thi, với kĩ thuật và quy trình tổ chức thi thống nhất trong cả nước.
Những đổi mới trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển
sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao, nhất là
kì thi tốt nghiệp THPT đã có những chuyển biến tích cực, trường thi an toàn,
nghiêm túc, các hiện tượng tiêu cực, “phao thi” đã giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, xã hội vẫn còn những băn khoăn về tính
nghiêm túc của các kì thi trước đây do sở GD-ĐT chủ trì. Bộ GD-ĐT đã lường được
vấn đề này và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo tính nghiêm
túc của kì thi tại tỉnh.
Bộ không phân biệt thí sinh thi tại cụm thi nào, các
thí sinh đều cùng làm một đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, tăng mức
yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay
trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, nên sẽ hạn chế việc quay cóp, trao đổi bài và hiện
tượng dùng “phao thi”.
Bộ GD-ĐT sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương phối
hợp để tổ chức tốt kì thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và kết quả thi có độ tin
cậy cao. Đặc biệt, đối với các cụm thi tại tỉnh sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm
của địa phương trong tổ chức thi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử
lí nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kì thi.
Các giải pháp kĩ thuật sẽ được tăng cường, trong đó
có việc sử dụng phần mềm quản lí thi dùng chung với các chức năng quản trị cơ sở
dữ liệu tiên tiến hỗ trợ thí sinh; các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ và xã hội có
thể theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thi và xử lí kết quả thi.
Bộ GD-ĐT có quy định mỗi thí sinh được đăng ký bao
nhiêu nguyện vọng để dự tuyển vào ĐH, CĐ không?
Ông Mai Văn Trinh: Trước đây, khi chưa có kết quả
thi các em đã phải đăng kí nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều.
Từ năm 2015, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh và yêu cầu xét tuyển của các
trường thí sinh mới đăng ký xét tuyển. Bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lí dữ liệu
kì thi để hỗ trợ đăng kí thi, đăng kí tuyển sinh và xét tuyển với phương châm
khắc phục những hạn chế ở các kì tuyển sinh năm trước, trong đó có tình trạng
thí sinh ảo.
Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kì thi để tuyển
sinh sẽ tiến hành xét tuyển trong 2 đến 3 đợt; trong từng đợt, mỗi thí sinh sẽ
được đăng kí một số nguyện vọng (được quy định cụ thể trong quy chế tuyển sinh
ĐH, CĐ hệ chính quy).
Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ là lấy điểm 4 môn thi tối
thiểu để xét hay tùy vào trường ĐH, CĐ mà lựa chọn điểm của từng môn theo yêu cầu
để xét tuyển?
Ông Mai Văn Trinh: Kếtquả của 4 môn thi tối thiểu sẽ
được sử dụng kết hợp với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt
nghiệp THPT cho tất cả thí sinh. Điểm các môn này đồng thời cũng được sử dụng để
tuyển sinh vào các ngành phù hợp của từng trường ĐH, CĐ.
Việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, các trường sẽ
công bố công khai tổ hợp các môn thi được sử dụng để xét tuyển trên cơ sở các
khối thi truyền thống. Đối với một số trường, ngành đặc thù có thể điều chỉnh
các tổ hợp này, xây dựng tổ hợp mới.
Như vậy, để tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài các
môn đã trùng với các môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, thì các em sẽlựa chọn đăng
ký dự thi thêm môn thi phù hợp để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH,
CĐ.
Trong kì thi THPT quốc gia, các chế độ ưu tiên (theo
khu vực, theo đối tượng, thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế...) có tiếp tục được
thực hiện như trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 không?
Ông Mai Văn Trinh: Các chế độ ưu tiên, tuyển thẳng
đã quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ
chính quy hiện hành (như chế độ ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng, thí sinh
đoạt giải quốc gia, quốc tế...) sẽ được tiếp tục áp dụng đối với kì thi THPT quốc
gia từ năm 2015. Bộ GD-ĐT sẽ cập nhật, bổ sung những chính sách mới của Đảng,
Nhà nước về các chế độ ưu tiên để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong kì thi THPT quốc
gia sẽ được tiến hành như thế nào?
Ông Mai Văn Trinh: Công tác thanh tra, kiểm tra
trong kì thi THPT quốc gia được thực hiện tương tự như trong kì thi tuyển sinh
ĐH, CĐ và kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nhưng theo hướng chặt chẽ, nghiêm túc
hơn. Cụ thể, các Ban Chỉ đạo thi tổ chức các đoàn thanh tra thi để đảm bảo thực
hiện nghiêm túc quy chế thi ở các hội đồng coi thi, chấm thi; Bộ tổ chức các
đoàn thanh tra lưu động, sử dụng lực lượng thanh tra của các sở GD-ĐT, các trường
ĐH, CĐ và bố trí các thanh tra cắm chốt tại các cụm thi.
Tất cả những vi phạm đối với những người tham gia kì
thi sẽ được xử lí nghiêm minh để hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực trong
thi cử. Ban Chỉ đạo thi Trung ương thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra đột
xuất không báo trước tại các cụm thi.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Nguồn: vietbao.vn
Đăng nhận xét