Thông thường một đề thi trắc nghiệm môn Sinh học yêu cầu học sinh đạt được ba mức độ: Kiến thức - Thông hiểu - Áp dụng. Tùy đề thi nhằm mục đích gì (thi tốt nghiệp hay thi đại học) mà tỉ lệ mức độ phân hóa khác nhau.

Ôn thi đại học: Đối phó với đề trắc nghiệm môn Sinh


Kiến thức: Phần lớn là những thông tin có chủ đề, chủ điểm đã được học. Loại này hầu hết là nhằm đo lường trí nhớ (tuy nhiên học sinh nào biết nhận xét lại có lợi điểm hơn để nhớ).

Ví dụ: Trong kỹ thuật cấy gien, vi khuẩn đường ruột E. coli thường được dùng làm tế bào nhận nhờ đặc điểm: A) Sinh sản nhanh; B) Chứa plasmit có khả năng nhân đôi; C) Có cấu tạo đơn giản; D) Cho phép thể thực khuẩn xâm nhập.

Do trí nhớ, học sinh có thể nhận ra đó là đáp án A. Nhưng có thể do dự vì các đặc điểm còn lại đều liên quan đến việc cấy gien vào vi khuẩn. Vì vậy, nếu học sinh biết nhận xét là sự sinh sản nhanh của tế bào nhận là vi khuẩn mới làm gia tăng gien ghép để sản xuất nhiều sản phẩm thì học sinh không còn do dự khi chọn đáp án đó.

Thông hiểu: Bao gồm cả kiến thức nói trên, nhưng phải giải thích được kiến thức đó. Sự giải thích chứng tỏ học sinh hiểu rõ mà nhớ chứ không học vẹt. Sự giải thích có thể bằng sự hiểu biết ý nghĩa của các khái niệm, các hiện tượng quan trọng; bằng sự hiểu biết mối liên hệ những gì đã học, đã nhớ. Thông hiểu kiến thức còn thể hiện bằng thông hiểu thí dụ minh họa cũng như hình vẽ.

Ví dụ: Noãn cầu bình thường của một cây hạt kín có 12 nhiễm sắc thể (NST). Hợp tử chính ở noãn đã thụ tinh của cây này chứa 28 NST. Bộ NST của hợp tử đó thuộc dạng đột biến nào? A) 2n + 1; B) 2n + 1 + 1; C) 2n + 2; D) 2n + 2 + 2.

Nếu liên hệ được hiện tượng thụ tinh kép (học ở lớp 10), học sinh biết noãn cầu chứa n = 12 NST để suy ra được 2n = 24. Phối hợp kiến thức lớp 12 về các dạng dị bội hợp tử có 28 NST = 24 + 4 thì nhận ra được đáp án 2n + 2 + 2.

Áp dụng: Đòi hỏi phải có khả năng dùng kiến thức đã nhớ, đã thông hiểu để nắm bắt nội dung và giải quyết vấn đề mới, tình huống mới. Để đạt điều đó học sinh phải có mức độ tư duy tương xứng. Biết chuyển kiến thức trong bối cảnh quen thuộc sang bối cảnh lạ lẫm (cần áp dụng điều gì đã biết vào tình huống mới, mà phải như thế nào, trong giới hạn nào?). Biết dự đoán có căn cứ hệ quả của việc áp dụng đó. Kỹ năng giải quyết vấn đề.

Ví dụ: Dưới đây là 2 hình vẽ khác nhau của cùng một quá trình phân bào. Bộ NST của tế bào (a) và tế bào (b) lần lượt là: A) (a): n + 1; (b): n - 1; B) (a): n + 2; (b): n - 2; C) (a): 2n + 1; (b) 2n - 1; D) (a): 2n + 2; (b): 2n - 2.

Như vậy, việc học và ôn luyện của các em cũng phải có điều mới cho phù hợp. Đó là: Phải học đầy đủ theo chương trình quy định, tránh học tủ, học vẹt, học kiểu đoán mò...

Không những phải biết hệ thống hóa, chú trọng trọng tâm mà còn phải nắm được các chú thích, các dòng lệnh về kênh hình trong chương trình học (sách phân ban mới rất hay về mục này). Dù có tham khảo tài liệu ôn thi đại học nào thì chuyện học từ sách giáo khoa phải là hàng đầu. Các câu hỏi trắc nghiệm phải được xem là để luyện tập sau khi đã học theo bài, theo chương ở sách giáo khoa, ở bài giảng của thầy cô.

Các em không nên xem các câu hỏi trắc nghiệm là khuôn mẫu để căn cứ vào đó mà ôn thi đại học.

Theo Thầy Phan Kì Nam
(Tổ trưởng tổ Sinh học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM)

(Người Lao Động)

Đăng nhận xét

 
Top