Ôn thi đại học môn văn: Tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử

 Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ"

1. Khổ 1:
            “Đây thôn Vĩ Dạ” trước hết là một bài thơ miêu tả cảnh đẹp xứ Huế nổi tiếng nhưng bài thơ không bắt đầu bằng một câu thơ tả cảnh, mà bắt đầu bằng câu hỏi:

                                    “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

            Câu thơ thoáng như lời trách móc nhẹ nhàng pha chút hờn dỗi, tiếc nuối của ai đó. Nhưng đằng sau đấy là một lời chào mời thiết tha, niềm mong đợi tha thiết khách đến thăm để được thưởng thức một khung cảnh thiên nhiên đẹp đến dễ say lòng người. Đại từ “anh” trong câu thơ đã gây nên nhiều cách hiểu khác nhau. Có người hiểu “anh” là sự phân thân của nhân vật trữ tình – tác giả. Nhà thơ như tự vấn lòng mình sao lâu quá rồi, anh chưa một lần về mảnh đất thôn Vĩ thân quen “Nơi có nửa quả tim mình; có người yêu ở đó” (Viễn Phương) để ngắm nhìn khung cảnh làng quê đẹp đẽ nên thơ? Có cách hiểu khác, người phát ngôn câu hỏi phải chăng là Hoàng Cúc dịu dàng kín đáo? Nếu quả thực câu thơ là tiếng nói trách móc ý tứ thì giữa tác giả và thôn Vĩ sẽ bị ngăn bởi không gian, thời gian và nhà thơ sẽ nhìn về thôn Vĩ trong tâm thế trông về, ngóng về. Vậy mà lời thơ lại cho ta cảm giác dường như Hàn Mặc Tử đang nói về một thôn Vĩ có thực, trực tiếp hiện lên qua tầm nhìn của mình. Ngay nhan đề bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, từ “đây” đã thể hiện cảm nhận ấy.

Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử - Ôn thi đại học môn Văn

                                    “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
            Bắt đầu bằng câu hỏi, nhưng câu hỏi đầy hàm ý đã giúp nhà thơ mở ra, gợi về cả một khung cảnh thiên nhiên thôn Vĩ sống động, tươi đẹp như bày ra trước mắt: “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”.
            Nhắc đến Vĩ Dạ thôn, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí nhà thơ là những “hàng cau” (cau là cảnh đẹp, cau là hồn Việt Nam). Bởi vì cau là loài cây thanh nhã, xinh xắn với thân hình thẳng tắp, tán lá xanh tươi; cau còn là loại cây rất thân thuộc với làng quê Việt Nam, nơi có phong tục ăn trầu từ ngàn đời nay. Nguyễn Bính - một nhà thơ cảnh quê, hồn quê cũng đã đặt mối tình bình dị của đôi trai gái thôn quê trên cái nền phong cảnh có hình ảnh thân cau quen thuộc ấy:
                                    “Nhà anh có một hàng cau
                                    Nhà em có một giàn trầu
            Trong bài thơ “Hoa Lư” nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết:
                                    “Đường cỏ lơ mơ nắng
                                    Mái tranh chìm chơi vơi
                                    Vài tán cau mộc mạc
                                    Thả hồn quê lên trời
            Ở đây, hình ảnh “hàng cau” của Hàn Mặc Tử còn có chi tiết khó quên. Ấy là “nắng hàng cau, nắng mới lên”. Điệp từ “nắng” gợi cho ta cảm giác ánh nắng mới lên buổi sớm biểu tượng cho sức sống, niềm vui như lan rộng tràn đầy đất trời, chiếu sáng lấp lánh những “hàng cau” còn đẫm sương đêm. Trong ánh ban mai, sắc xanh của những tàu cau như ngời lên bởi thứ ánh nắng tinh khôi, bừng sáng mà không chói chang gay gắt. “Nắng mới lên” không chỉ gợi lên cảm giác trong trẻo mới mẻ, tươi tắn mà còn mở ra một không gian, thời gian thôn Vĩ trong buổi sớm mai, trong sự bắt đầu. Câu thơ của Hàn Mặc Tử gợi cho ta nhớ câu thơ rời rợi nắng xuân, nắng mới trong thơ Tố Hữu:
                                    “Nắng xuân tưới trên thân dừa xanh dịu
                                    Tàu cau non lấp loáng muôn gươm xanh
                                    Ánh nhởn nhơ đùa quả non trắng phếu
                                    Và chảy tan qua kẽ lá vườn chanh”
            Đúng là cảnh trong thơ Hàn Mặc Tử hiện ra trong ánh sáng lung linh của hoài niệm nên cũng lung linh ánh sáng, rực rỡ sắc màu và rất gợi cảm:
                                    “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
            Thiên nhiên thôn Vĩ được thi sĩ ngắm nhìn từ xa đến gần, từ toàn cảnh đến cụ thể. Câu thứ ba cất lên như một tiếng reo đầy thích thú, biểu lộ sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, ngưỡng mộ trước vẻ đẹp bất ngờ của vườn cây Vĩ Dạ… “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc’
            Câu thơ đã diễn tả rất thành công những vườn cây tươi tốt, sum xuê của Vĩ Dạ. Vườn của Vĩ Dạ với những cây cảnh, cây ăn quả được chăm sóc bởi bàn tay cần cù, khéo léo lại được tắm nắng gội mưa thường xuyên nên bóng nhẵn, tươi tốt, ánh lên như màu ngọc bích, long lanh. Về nghệ thuật ở câu thơ này, tác giả dùng thán từ “quá” và hình ảnh so sánh “xanh như ngọc’. Thi sĩ dùng tính từ “mướt” chứ không phải “mượt”. Vì “mướt” ngoài ý nghĩa chỉ sự nhẵn bóng như mượt, còn có ý nghĩa tươi non, gợi vẻ óng ả, mỡ màng, trong trẻo, ánh lên như loáng nước, đã mô tả được thật tài tình cảnh vật tốt tươi chứa chan sức sống. Còn ngọc là loại đá quý có sắc bóng xanh biếc rất đẹp. Bằng lối so sánh độc đáo ấy, vườn thôn Vĩ hiện lên như một viên ngọc lớn không chỉ óng ánh sắc  xanh, mà còn đang toả vào không vào gian một màu xanh long lanh ánh sáng. Nhờ cái “nắng mới lên” ở câu trên rọi xuống màu xanh của vườn cây mới tạo ra cái “mướt” và “xanh như ngọc”. Tả vườn ở câu thơ này, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã đạt đến độ tinh tế của một hoạ sĩ tài hoa. Đúng như nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét: “Hàn Mặc Tử có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng”.
            Ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ thơ mộng, thi sĩ liên tưởng đến một hình ảnh thật bất ngờ thú vị: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Hình ảnh con người thấp thoáng ẩn hiện sau những cành lá trúc đã thổi vào khung cảnh tạo vật một sinh khí mới. Bóng dáng con người xuất hiện làm cho cảnh Vĩ Dạ vốn đã đẹp lại còn đẹp hơn nữa trong sự hài hoà giữa cảnh và người, giữa tĩnh và động. Câu thơ ngoài ý nghĩa tả thực, còn mang ý nghĩa tượng trưng cách điệu hoá. Cảnh và người tô điểm cho nhau. Cảnh xinh xắn, thơ mộng; người dịu dàng phúc hậu. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hài hoà, kín đáo nên thơ. Nhờ thế, câu thơ đã làm nổi bật cái linh hồn, phong cảnh vườn cây xứ Huế.


            Tóm lại, bằng những chi tiết quen thuộc bình dị mà không kém phần độc đáo gợi cảm, Hàn Mặc Tử đã khắc hoạ được một bức tranh quê Vĩ Dạ - Huế tràn đầy sức sống với vẻ đẹp bất ngờ, có sự hài hoà giữa cảnh với người. Đoạn thơ cũng đã làm khơi dậy trong tâm hồn người đọc biết bao nỗi niềm quê hương, làng mạc Việt Nam thân yêu muôn đời.

Xem thêm: Phân tích khổ thơ thứ hai của bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ"

Đăng nhận xét

 
Top