Ôn thi đại học môn Văn: Tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ"
Đề :Phân tích khổ thơ thứ hai của bài thơ
Bài làm:
Từ khổ
thơ thứ nhất sang khổ thơ thứ hai, mạch thơ có sự chuyển đổi đột ngột, mở ra một
thế giới khác của Huế, khác hẳn với thế giới ban đầu. Một bên là tràn trề ánh
sáng, mướt xanh sự sống; một bên hiu hắt, u buồn, chia li, dẫu vẫn còn sự thơ mộng,
êm đềm:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn
thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu
bến sông trăng đó
Có chở trăng
về kịp tối nay?”
Thấm
đượm trong lời thơ là một cảm giác buồn vắng, sầu tủi, chia lìa, đọc lên nghe
chua xót ám ảnh như hai câu thơ của Thế Lữ:
“Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa
đôi ta chỉ thế thôi”
Nhưng
nếu như Thế Lữ nói bằng cách phát ngôn trực tiếp lời nhân vật trữ tình, thì ở
đây Hàn Mặc Tử lại nói qua bức tranh phong cảnh, nói bằng hình ảnh. Mạch thơ đã
vận động đi từ ngoại cảnh vào tâm cảnh. Bức tranh sông nước, bờ bãi như trải
dài và thấm sâu một nỗi buồn li biệt. Phải chăng mang nặng mặc cảm của một người
thiết tha gắn bó với đời mà có nguy cơ phải chia lìa khỏi cõi đời và một mối
tình đang ở dạng đơn phương chưa có những phút giây gặp gỡ ngọt ngào đã sớm rơi
vào cảnh ngộ cay đắng, chia lìa nên cảnh như hoà vào lòng người mà sầu tủi chia
li? Bởi đang trong tâm trạng như vậy, nên nhìn vào đâu cũng thấy cảnh vật như
đang chia lìa, sầu tủi. Gió thổi mây bay theo quy luật tự nhiên, thường là một
chiều, nhưng ở đây là đôi đường đứt gãy. Gió đóng khung trong gió, mây cuộn
trong mây. Điệp từ “gió” và điệp từ “mây” đã tô đậm ý thơ ấy. Ngoài việc dùng
điệp từ, câu thơ còn sử dụng phép đối và lối ngắt câu giữa
dòng để nhấn mạnh ý. Và ngay hình ảnh “dòng nước buồn thiu” lặng im trôi và “hoa bắp lay” cũng không còn là hình ảnh thực mà nó đã nhuốm màu tâm
trạng, mang hồn người. Cảnh có sự lay động nhưng là sự lay động, khẽ khàng, vật
vờ, hiu hắt của hoa bắp chỉ làm tăng thêm sự tĩnh lặng, buồn vắng trong cảnh.
Và đó cũng là cảm giác cô đơn, vắng lặng, buồn hiu hắt trong lòng thi sĩ.
Hai
câu thơ không chỉ nhằm tả cảnh, tả tình trong cảnh, mà dường như còn muốn tả
cái nhịp điệu của cảnh. Đó là cái nhịp điệu êm ả, lững lờ, cái nét trầm tư
không nơi nào có được của Huế đẹp và thơ. Hai câu thơ này có nhịp điệu khoan
thai, chậm rãi cũng đã diễn tả thành công cảm xúc trên.
Hai
câu sau:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng
về kịp tối nay?”
Mạch
thơ đã chuyển hẳn một thế giới thôn Vĩ thực và tràn đầy ánh nắng sang một thế
giới mộng thấm đẫm ánh trăng ở khổ hai. Thơ Hàn Mặc Tử ngày là cõi nắng, đêm là
cõi trăng. Hàn Mặc Tử rất mê trăng. Trăng đã đi vào thơ Tử như một nhân vật huyền
thoại, một nơi chốn để tâm hồn thi nhân được phiêu diêu, thoát tục. Không ai viết
nhiều và viết hay về trăng như Hàn Mặc Tử:
“Không gian đắm đuối toàn trăng cả
Anh cũng
trăng mà em cũng trăng”
Hay:
“Gió lùa ánh sáng vào trong bãi
Trăng ngập
dòng sông chảy lãng lai”
Vì thế,
viết về xứ Huế mộng và mơ, Hàn Mặc Tử không thể không tả trăng. Trăng dưới ngòi
bút tài hoa của ông bỗng trở nên huyền ảo, tràn đầy vũ trụ, tạo nên không khí nửa
thực, nửa hư như trong cõi mộng:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng
về kịp tối nay?”
Chỉ
có trong mộng thì sông mới là “sông trăng”
và “thuyền” mới chở đầy trăng. Đúng
như lời nhận xét của Bích Khê “Hàn Mặc Tử
có con mắt rất mơ rất ảo. Nhìn vào sự thực thì sự thực thành chiêm bao; nhìn
vào chiêm bao lại biến thành huyền diệu. Câu thơ của Tử thanh tao quá. Đọc lên
nghe ngọt lịm cả người”. Câu thơ của Hàn Mặc Tử làm cho ta nhớ tới câu thơ
rất mực tao nhã và phong lưu của Nguyễn Công Trứ:
“Gió trăng chứa một thuyền đầy
Của kho vô hạn
biết ngày nào vơi”
Có
khác chăng, ở đây thi sĩ Hàn Mặc Tử đã trăng hoá toàn bộ tạo vật, làm nên một
không gian tràn ngập ánh trăng trong tâm tưởng. Trăng là biểu tượng cho cái đẹp,
thiên nhiên, cuộc đời; cho sự thanh bình, hạnh phúc, niềm vui. Với Hàn Mặc Tử,
trong cảnh ngộ lúc đó, trăng có ý nghĩa như một bám víu duy nhất, như người bạn
tri âm tri kỷ giờ chỉ còn là nỗi ước ao, là sự khát khao gặp gỡ và nỗi niềm lo
âu về sự muộn màng, dang dở. Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh da diết. Cho nên, lời
thơ của Tử cất lên như một câu hỏi đau đáu một nỗi niềm day dứt với một chữ “kịp” đầy phấp phỏng;
“Có chở trăng về kịp tối nay?”
Đăng nhận xét