Luyện thi đại học môn Văn: Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ"

Đề bài: Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ"

Từ thế giới của cõi mộng, sang khổ thơ thứ 3, thi nhân đưa ta tới thế giới cõi hư. Đó là những xa xăm vô vọng của nhà thơ: thế giới mang vẻ đẹp huyền ảo của xứ Huế và chất chứa tình đời, tình người thiết tha   

                                   Mơ khách đường xa, khách đường xa
                                    Áo em trắng quá nhìn không ra
                                    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
                                    Ai biết tình ai có đậm đà?”

"Đây thôn Vĩ Dạ" _ Luyện thi đại học môn Văn


Xứ Huế buồn, lắm nắng nhiều mưa nên xứ Huế cũng lắm “sương khói”:
                                    “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”
là thế. Nhớ về miền đất ấy, thi nhân nghĩ nhiều về con người, đặc biệt là bóng dáng của người con gái như thực như mơ:
                                    “Mơ khách đường xa khách đường xa
            Câu thơ có điệp từ “khách đường xa” thể hiện tâm trạng khắc khoải nhớ mong về khoảng cách xa vời của một mối tình đơn phương, vô vọng. Hình ảnh người con gái xứ Huế xuất hiện trực diện bằng tiếng “em” rất mơ hồ - mơ hồ tới mức thấy áo nhưng lại “nhìn không ra”. “Em” gần gũi đấy mà quá đỗi xa vời. Gần gũi vì đây là hình ảnh hoài niệm thường trực trong cõi lòng thi nhân; xa vời vì giữa hai người là khoảng cách thời gian và màn khói sương của một mối tình chưa có lời ước hẹn. Màu áo trắng là màu áo dài nữ sinh Huế và cũng là màu gợi về sự tinh khiết trắng trong rất phù hợp với hình ảnh cô gái trong mộng tưởng. Đúng như Huy Cận đã viết:

                                    “Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
                                    Hôm xưa em đến mắt như lòng”

            Trong câu thơ của Hàn Mặc Tử, màu áo trắng là màu vừa thực, vừa mộng dễ gợi cảm giác bâng khuâng, hư ảo. Cái màu áo trắng ấy gây ấn tượng rất mạnh. Nó choán cả không gian, làm lập loà cả thị giác tới mức “nhìn không ra”. Ở đây, tất cả đều chìm vào ảo ảnh, chỉ còn lại sự băn khoăn day dứt trong tâm hồn thi nhân với một câu hỏi buông vào hư không:
                                    “Ai biết tình ai có đậm đà?”
            Đại từ “ai” vừa mang tính cụ thể, vừa phiếm chỉ: một lần nữa xuất hiện hai lần ở câu thơ cuối như khoảng cách đầy thắc mắc, dằn vặt trong tâm hồn con người. Cô gái Huế dịu dàng, kín đáo, e lệ, trong trắng quá, như nàng tiên ở cõi Bồng Lai nào? Liệu tình yêu của “em” có đậm đà, bền chặt chăng, hay cũng bảng lảng như khói sương sông Hương đất Huế? Đây là câu hỏi của trái tim và đó cũng là câu hỏi muôn thuở của tất cả những người đang yêu, càng thiết tha, càng day dứt, dằn vặt:
                                    “Hoa ơi sao chẳng nói?
                                    Anh ơi sao lặng thinh?
                                    Đốt lòng em câu hỏi
                                    Yêu em nhiều không anh?”
                                                                                                (Xuân Quỳnh – Mùa hoa dơi)
            Như vậy, bài thơ về phong cảnh đã chuyển dần thành bài thơ tình yêu, tình người, tình đời vừa thiết tha, xa xăm, vô vọng, vừa bâng khuâng, man mác.


            Trong thế giới “Thơ điên” ma quái, kì dị với những cuộc vật lộn đau đớn, giằng xé giữa linh hồn và thể xác của thi nhân, với sự đi về của hai hình tượng sống động là hồn và trăng, “Đây thôn vĩ Dạ là một nốt nhạc hồn nhiên, trong trẻo lạ thường. Đó là sự hồn nhiên trong trẻo của cõi lòng Hàn Mặc Tử vẫn thiết tha gắn bó với đời. Bởi thế, trong tất cả những gì còn lại mà Hàn Mặc tử dành cho đời, người đọc sẽ luôn nhớ và yêu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ.Như Chế Lan Viên đã nói “Đây thôn Vĩ Dạ” như “một viên ngọc chói lọi nghìn năm”.

Xem thêm: Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ"
                    Phân tích khổ thơ thứ hai trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ"

Đăng nhận xét

 
Top