Để đạt kết quả cao kỳ thi đại học, trong quá trình ôn thi đại học, học sinh (HS) cần chú ý trang bị cho mình không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng làm bài thi bao gồm cả kỹ năng trả lời câu hỏi tái hiện kiến thức.

Hiện không ít HS chỉ “miệt mài” học bài mà không chú ý tới việc rèn kỹ năng làm bài - vốn được coi là chìa khóa của thành công.

Lưu ý dạng đề tổng hợp trong quá trình ôn thi đại học môn Văn


Câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức: HS cần lưu ý sự kết hợp giữa yêu cầu tái hiện và vận dụng kiến thức trong đề thi đại học, tránh quan niệm cho rằng “chỉ cần học thuộc lòng” là có thể trả lời được dạng câu hỏi này. Câu trả lời tái hiện kiến thức cần được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, có thể gạch đầu dòng chứ không nhất thiết phải trình bày thành một đoạn văn hay bài văn.

Bài văn nghị luận xã hội: Cần phải xác định ngay là nếu làm bài quá dài, các em sẽ không đủ thời gian để hoàn thành các câu khác trong đề bài. Trước kỳ thi, HS cần tập viết bài nghị luận xã hội ngắn, khúc chiết mà vẫn đảm bảo được nội dung kiến thức. Việc phân biệt giữa “từ” và “chữ” cũng như xác định hệ thống dẫn chứng thực tế phù hợp, tránh dài dòng lan man cũng là những yếu tố cần được tính đến để đảm bảo dung lượng bài viết. Hiện nay, HS chưa chú ý đúng mức đến dạng đề bài nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống mà chủ yếu tập trung vào dạng đề về tư tưởng, đạo lý. Việc xác định mức độ, tính cân đối giữa hai dạng đề này trong việc ôn thi đại học cũng được coi là một lưu ý cần thiết đối với các thầy cô giáo và HS.

Bài nghị luận văn học: Cũng giống như với kiểu bài nghị luận xã hội, HS cần xác định tầm quan trọng của hệ thống lập luận trong bài làm. Nhất thiết phải dành thời gian (khoảng 7 - 10 phút) lập một dàn ý đại cương đề hình dung hệ thống lập luận (luận điểm, luận cứ, trình tự sắp xếp các ý...) rồi mới bắt tay vào làm bài. Tình trạng HS chưa biết cách triển khai bài làm theo hệ thống luận đề, luận điểm là rất phổ biến hiện nay. Cần kịp thời rèn kỹ năng này trước các kỳ thi để tránh tình trạng bài làm chung chung, thiếu định hướng. HS cũng cần có ý thức thể hiện trong bài làm những hiểu biết khái quát về tác giả, tác phẩm (nên để ở phần đầu của bài viết) cũng như đánh giá, nhận xét, nâng cao vấn đề (nên để ở cuối bài viết). Muốn cho bài làm có sức thuyết phục, cần đưa vào bài hệ thống dẫn chứng. Cả 2 cách đưa dẫn chứng: trực tiếp (dẫn nguyên văn và để trong dấu “…”; gián tiếp (kể lại dẫn chứng bằng lời của mình) đều được chấp nhận, nhưng tốt nhất là đan xen cả hai cách này. “Mẹo” hay nhất là không cần học dẫn chứng quá dài mà cần chọn dẫn chứng thật tiêu biểu, toàn diện để học.


Mấy năm gần đây, dư luận chú ý nhiều tới dạng đề thi đại học tổng hợp (với nghị luận văn học thường có hai chi tiết, hai nhân vật, hai đoạn thơ...; với nghị luận xã hội thường có hai vấn đề - tạm gọi là hai vấn đề có tính chất “cặp đôi” hoặc đối lập hoặc bổ sung cho nhau). Ở dạng đề này, đối với bài nghị luận văn học, nên tách riêng từng chi tiết, nhân vật, đoạn thơ… để phân tích, cảm nhận, rồi mới đánh giá, nhận xét, so sánh về sự tương đồng, khác biệt. Đối với bài nghị luận xã hội, cần chú ý tách riêng từng vấn đề ra để giải thích, bàn luận (chú ý mối quan hệ, sự khác biệt, tương đồng của hai vấn đề), từ đó rút ra bài học nhận thức và hành động.

Đăng nhận xét

 
Top