Theo thống kê đề thi đại học từ 2010-2013, có
khoảng 3-4 câu hỏi trong đề thi rơi vào chuyên đề "Đại cương kim loại",
chiếm khoảng 0,6 đến 0,8 điểm. Đây là chuyên đề có nhiều dạng bài tập khó.
Chuyên đề luyện thi đại học đại cương kim loại là chuyên đề
mở đầu cho học phần “kim loại” thuộc chương trình hoá học lớp 12. Chuyên đề này
có mối liên hệ kiến thức với nhiều chuyên đề khác thuộc chương trình Hoá học lớp
11 và lớp 10 như: Phi kim, phản ứng oxi hoá khử…
Nội dung trọng tâm của chuyên đề này trong ôn thi đại học gồm 4 nội
dung chính:
- Tính chất chung của kim loại (1).
- Dãy điện hoá của kim loại (2).
- Điện phân (3).
- Ăn mòn kim loại và điều chế kim loại
(4).
Trong đó nội dung (1) và (4) đa phần là
các dạng bài lý thuyết/ tính toán ở mức độ dễ và trung bình. Nội dung (2) và
(3) tập trung các dạng bài ở mức độ trung bình và khó. Do vậy, với học sinh có
mục đích đạt 5-6 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cần tập trung học hết các dạng
bài thuộc nội dung kiến thức (1) và (4), ngoài ra cần làm thêm một số dạng bài
dễ lấy điểm thuộc nội dung (2) và (3).
Khi học chuyên đề này, nhất là học nội
dung về tính chất, ăn mòn và điều chế kim loại, học sinh sẽ được học nhiều kiến
thức ứng dụng vào thực tế rất hay và thú vị. Tuy nhiên, do chuyên đề tập trung
khá nhiều dạng bài tính toán khó, đề bài khá dài, mất nhiều thời gian suy nghĩ
nên khi luyện thi đại học gặp các bài tập này, học sinh không được nản, mà phải tìm phương pháp
giải phù hợp, có thể kết hợp thêm việc sơ đồ hoá đề bài và vận dụng linh hoạt
phương pháp giải nhanh vào giải bài tập.
Một số câu hỏi thuộc chuyên đề xuất hiện
trong đề thi đại học, cao đẳng - 2013
Câu 1: Cho hỗn hợp X gồm 0,01 mol Al và
a mol Fe vào dung dịch AgNO3 đến khi phản ứng hoàn toàn, thu được m gam chất rắn
Y và dung dịch Z chứa 3 cation kim loại. Cho Z phản ứng với dung dịch NaOH dư
trong điều kiện không có không khí, thu được 1,97 gam kết tủa T. Nung T trong
không khí đến khối lượng không đổi, thu được 1,6 gam chất rắn chỉ chứa một chất
duy nhất. Giá trị của m là
A. 8,64 . B. 3,24 . C. 6,48 .
D. 9,72 .
Câu 2: Tiến hành điện phân dung dịch chứa
m gam hỗn hợp CuSO4 và NaCl (hiệu suất 100%, điện cực trơ, màng ngăn xốp), đến
khi nước bắt đầu bị điện phân ở cả hai điện cực thì ngừng điện phân, thu được
dung dịch X và 6,72 lít khí (đktc) ở anot. Dung dịch X hòa tan tối đa 20,4 gam
Al2O3. Giá trị của m là
A. 25,6. B. 23,5. C. 51,1.
D. 50,4.
Chúc các bạn ôn thi đại học hiệu quả và đạt thành tích cao trong kì thi đại học.
Nguồn: Hocmai.vn
Đăng nhận xét