Ôn thi đại học môn Văn: Tác gia Hồ Chí Minh

Đề 1: Quan điểm sáng tác

            Hồ Chí Minh đã sáng tác được nhiều tác phẩm văn học có giá trị thuộc nhiều thể loại. Người am hiểu quy luật và đặc trưng của hoạt động văn chương. Điều đó trước hết được thể hiện trực tiếp trong hệ thống quan điểm văn học nghệ thuật của Người.
            1. Hồ Chí Minh coi văn nghệ là vũ khí sắc bén phục vụ cho sự nghiệp Cách mang. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như chiến sĩ trên mặt trận. Trong bài “Cảm tưởng thiên gia thi” - một bài thơ có tính chất tổng kết tập “Nhật kí trong tù”, Bác đã khẳng định:

                                    “Nay ở trong thơ nên có thép
                                    Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Ôn thi đại học - tác gia Hồ Chí Minh

            Chất “thép” ở đây chính là tính chiến đấu của thơ ca và văn học nghệ thuật. Sau này, trong “Thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ năm 1951”, Người đã khẳng định: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
            2. Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến đối tượng thưởng thức và tiếp nhận văn chương. Văn chương trong thời đại Cách mạng phải coi quần chúng nhân dân là đối tượng phục vụ. Đã có lần Bác phát biểu: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thực, phong phú, có hình thức trong sáng, vui tươi ; khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”.
            3. Hồ Chí Minh luôn quý trọng tính chân thực và tính dân tộc trong văn học. Người đã từng nhận xét một số tác phẩm hội hoạ “chất thơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít”. Người còn căn dặn nhà văn phải “miêu tả cho hay, cho chân thật và hùng hồn” hiện thực phong phú của đời sống và phải giữ tình cảm chân thật; “nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc và phải có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Người đề cao tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
            4. Người nêu kinh nghiệm cho các nhà báo, nhà văn: “Khi cầm bút bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận vể quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm”. Phải luôn luôn đặt câu hỏi: “viết cho ai?” (đối tượng), “viết để làm gì?” (mục đích), sau đó mới quyết định “viết cái gì?” (nội dung) và “viết như thế nào?” (hình thức). Như vậy, đối tượng và mục đích quy định nội dung và hình thức của tác phẩm.
            Kết luận: Vì thế, những tác phẩm của Hồ Chí Minh chẳng những có tư tưởng sâu sắc, nội dung thiết thực mà còn có hình thức nghệ thuật sinh động, da dạng.

Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh


          Đề 2: Trình bày tóm tắt sự nghiệp thơ văn của Hồ Chí Minh
.
            Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc đã có lần tâm sự “suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc, đó là Tổ quốc tôi được độc lập, nhân dân tôi được tự do, đồng bào tôi ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì sự nghiệp cứu nước cứu dân, Người không xem văn chương là sự nghiệp chính mà là một vũ khí sắc bén cho cuộc chiến đấu vì lý tưởng. Bởi vậy, Người đã để lại một di sản văn học lớn về tâm vóc tư tưởng, phong phú về thể loại và đặc sắc về phong cách nghệ thuật.
            1. Văn chính luận.
            Từ những năm 20 của thế kỉ trước, các bài chính luận mang bút danh Nguyễn Ái Quốc, viết bằng tiếng Pháp đăng trên các báo: “Người cùng khổ”, “Nhân đạo”, “Đời sống thợ thuyền”… đã thể hiện tính chiến đấu hết sức mạnh mẽ. Các tác phẩm này tập hợp trong tác phẩm gọi là “Bản án chế độ thực dân”. Nội dung: lên án chính sách tàn bạo của chế độ thực dân Pháp đối với các nước thuộc địa và kêu gọi những người nô lệ bị áp bức liên hiệp lại để đoàn kết đấu tranh (lên án tội ác thực dân ép buộc hàng vạn người dân bản xứ đổ máu vì mẫu quốc trong đại chiến thế giới thứ I; bóc lột và đầu độc họ bằng những sưu thuế, rượu và thuốc phiện; tổ chức một bộ máy cai trị bất chấp công lý và nhân quyền, đánh giết người vô tội. Tác phẩm được viết bằng những cứ liệu phong phú, chân thực, chính xác và bằng một trái tim yêu nước, yêu dân thiết tha, nồng nàn, bằng giọng văn châm biếm, đả kích sắc sảo, giàu chất trí tuệ).
            Tác phẩm tiêu biểu nhất của Bác là “Tuyên ngôn độc lập”. Tác phẩm này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn mang ý nghĩa tư tưởng, pháp lý; ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có giá trị nghệ thuật độc đáo. Sau tuyên ngôn là lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” năm 1946, lời kêu gọi “chống Mỹ cứu nước” năm 1966 được viết trong những giờ phút thử thách đặc biệt của dân tộc. Những áng văn chính luận tiêu biểu của Hồ Chí Minh không chỉ được viết bằng lý trí sáng suốt, trí tuệ sắc sảo mà bằng cả tấm lòng yêu, ghét nồng nàn của một trái tim vĩ đại được diễn đạt bằng lời văn chặt chẽ, xúc tích.
            2. Truyện và kí.
            Tiêu biểu là tập “truyện và kí” của Nguyễn Ái Quốc, hầu hết được viết bằng tiếng Pháp vào những năm 20 của thế kỉ trước: “Vi hành”, “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, “Con rùa”, “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu”… Những truyện này nhìn chung đều nhằm tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo, sảo trá của bọn thực dân và phong kiến tay sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa; đồng thời đề cao những tấm gương yêu nước và Cách mạng. Bằng một bút pháp hiện đại và nghệ thuật kể chuyện linh hoạt, Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên được những tình huống truyện độc đáo, hình tượng sinh động. Qua những thiên truyện này, người đọc có thể nhận ra một tài năng với trí tưởng tượng phong phú, một vốn văn hhoá sâu rộng, một trí tuệ sâu sắc và một trái tim tràn đầy tình yêu nước, Cách mạng. Sau này, Bác còn có tập “Nhật kí chìm tàu”, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, “Giấc ngủ mười năm” tràn đầy cảm hứng lãng mạn.
            3. Thơ ca.
            - Đây là sự nghiệp nổi bật nhất của Hồ Chí Minh, tiêu biểu là tập “Nhật kí trong tù” viết từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943 trong thời gian Người bị cầm tù vô lý ở Quảng Tây – Trung Quốc.
            + Nội dung: Tái hiện một cách chân thật bộ mặt tàn bạo của chế độ nhà tù quốc dân Đảng và một phần hình ảnh xã hội Trung Quốc thời ấy với ý nghĩa phê phán sâu sắc.
            - Nhật ký chủ yếu có tính hướng nội. Cho nên, tập thơ còn là bức chân dung tinh thần tự hoạ, phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ Cách mạng vĩ đại trong hoàn cảnh thử thách nặng nề của chốn lao tù. Đó là con người có nghị lực phi thường, tâm hồn luôn luôn khát khao tự do hướng về Tổ quốc.
            - Rất nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nhạy cảm trước niềm vui, nỗi buồn của con người; luôn luôn thể hiện phong thái ung dung tự tại, tràn đầy tinh thần lạc quan.
            Tập thơ sâu sắc về tư tưởng, độc đáo mà đa dạng về bút pháp, kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca Hồ Chí Minh. Ngoài “Nhật kí trong tù”, Người còn có những bài thơ trữ tình viết từ năm 1941 đến thời kì chống Mỹ như “Bắc Pó hùng vĩ”, “Nguyên tiêu”, “Cảnh khuya”… vừa cổ điển vừa hiện đại và nhân vật trữ tình là một nhà ái quốc, một vị anh hùng dân tộc mang nặng nỗi nước nhà, tâm hồn tin tưởng ở tương lai tất thắng của Cách mạng. Ngoài ra, Người còn có loại thơ vận động, tuyên truyền Cách mạng giản dị như ca dao, hò, vè dễ thuộc… như “Bài ca sợi chỉ”, “Con cáo với tổ ong”, “Ca dân cày”…
           
Kết luận:
            Bác đã để lại một sự nghiệp văn chương vô giá. Những tác phẩm ấy đã kết tinh sâu sắc tư tưởng, tình cảm và tâm hồn cao đẹp của Người. Tìm hiểu thơ văn Hồ Chí Minh, người đọc thuộc nhiều thế hệ sẽ tìm thấy trong đó những bài học vô giá.



Đăng nhận xét

 
Top