Luyện thi đại học môn Văn: Phân tích bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng

Xem thêm:   Phân tích đoạn đầu trong bài thơ "Tây Tiến"
                   Hoàn cảnh sáng tác bài thơ "Tây Tiến"

Đề bài: Phân tích và bình giảng (cảm nhận) đoạn II của bài Tây Tiến
của Quang Dũng
                                          “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
MỞ BÀI:
Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng sáng tác năm 1948 ở Phù Lưu Chanh. Thông qua nỗi nhớ da diết chơi vơi, bài thơ tái hiện lại chặng đường hành quân đầy gian khổ với những hi sinh oanh liệt của người lính. Với cảm hứng lãng mạn hướng về cái cao cả, phi thường và nhạy cảm với những vẻ đẹp mang màu sắc xứ lạ phương xa, Quang Dũng đã khắc họa được những bức tranh về cảnh sinh hoạt văn nghệ mang đậm tình quân dân và cảnh sông nước mờ ảo hoang dại mà chứa chan thi vị.

Phân tích đoạn 2 trong bài thơ "Tây Tiến"

THÂN BÀI:
I) Giới thiệu bài thơ và đoạn trích.
- Nếu như phần thứ nhất của bài thơ là bức tranh vừa dữ dội hoang sơ vừa hùng vĩ nên thơ của núi rừng miền Tây và con đường hành quân đầy gian khổ được vẽ bằng nét bút gân guốc khỏe khoắn, thì đến phần thứ hai này bài thơ “Tây Tiến” lại mở ra một thế giới khác của Tây Bắc, một Tây Bắc mĩ lệ tài hoa, duyên dáng với những nét vẽ tinh tế mềm mại.

II) Đoạn 1.
Hình ảnh “một đêm liên hoan văn nghệ” với đồng bào dân tộc để thắt chặt tình quân dân được gợi lên với những chi tiết rất thực, rất mộng, rất ảo như thể khung cảnh một ngày lễ cưới, một đêm hội hoa đăng, như trong huyền thoại cổ tích:
                                             “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
                                              …….
                                             Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ”
Nhà đại văn hào nước Pháp-Huygo có nói: “Chữ nào đặt đúng chỗ là chữ đó hay nhất”. Chúng ta thấy chữ “bừng” hiểu như vậy, chữ “bừng” là chữ rất hay, rất có hồn. Nó vừa gợi hình, vừa gợi cảm, đặt giữa câu thơ âm hưởng mạnh mẽ, nó làm rực sáng cả câu thơ, rực sáng cả tâm hồn người đọc. “Bừng” là bừng sáng lên bởi ánh lửa từ ngọn đuốc trong đêm của bộ đội liên hoan văn nghệ cùng nhân dân; hay là tưng bừng rộn rã của niềm vui của tiếng khèn bản nhạc man điệu, cùng giọng hát vừa ngọt ngào vừa mê say, tình tứ của các cô gái Mèo, Mường, Thái… “Đuốc hoa” là một từ cổ để chỉ ngọn nến đốt lên trong phòng cưới đêm tân hôn. Hình ảnh này xuất hiện trong đêm vui liên hoan của người lính đã tạo nên một màu sắc vừa cổ kính, vừa hiện đại, vừa thiêng liêng, vừa ấm áp keo sơn tình quân dân gắn bó. Đoạn thơ này cũng đã bộc lộ được nét tài hoa lãng mạn của ngòi bút Quang Dũng. Hồn thơ lãng mạn của ông bị hấp dẫn trước vẻ đẹp mang màu sắc lãng mạn, bí ẩn của con người và cảnh vật nơi xứ lạ. Vì thế cảnh là cảnh trong hoài niệm vậy mà trong lời thơ lại cho ta cảm giác cảnh đang diễn ra ngay trước mắt. Và nhà thơ như đang nói với người vũ nữ “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”-một giọng thơ đầy trìu mến, thích thú vui sướng đến ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa e ấp, vừa tình tứ “nàng e ấp” với bộ xiêm y lộng lẫy đủ mọi sắc màu trong một vũ điệu mang màu sắc xứ lạ (man điệu). Câu thơ “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ” có sáu thanh bằng gợi cảm giác lâng lâng chới với như có thể đưa tâm hồn người lính phiêu diêu về chốn Viên Chăn, thủ đô nước bạn xa xôi để xây hồn thơ.
Như vậy chỉ bằng bốn câu thơ mà Quang Dũng  đã khắc họa được một bức tranh vừa phong phú về màu sắc, đường nét (ở chỗ “đuốc hoa xiêm áo”); vừa đa dạng về âm thanh (Tiếng khèn man điệu). Với tâm hồn lãng mạn tài hoa, bằng cảm hứng nhạy cảm với cái lạ thường, cái thi vị, tác giả không chỉ cho ta thấy được vẻ đẹp đầy bản sắc văn hóa phong tục của đồng bào miền biên cương Tổ quốc, mà còn cho ta thấy được tình quân dân đằm thắm keo sơn và tâm hồn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống kháng chiến gian khổ mà vui tươi của người lính Tây Tiến.
III) Đoạn 2.
1) Cảnh sông nước Tây Bắc vừa thực vừa mộng: mênh mang hoang dại, tĩnh lặng, mờ ảo và chứa chan thi vị.
Nếu khung cảnh một đêm liên hoan đem đến cho người đọc không khí mê say ngây ngất thì cảnh sông nước Tây Bắc lại gợi lên được cảm giác mênh mang hoang dại mờ ảo tĩnh lặng và chứa chan thi vị. Ở đây một lần nữa càng khẳng định rõ hơn nét tài hoa lãng mạn giàu mộng ảo của người lính Tây Tiến. Thiên nhiên ở nơi chốn chỉ có “bản sương giăng, đèo mây phủ”, khi chiều về vốn mờ ảo lại càng mờ ảo hơn khi có lớp sương mờ bảng lảng choáng lên như thực như mơ. Qua hoài niệm, khung cảnh Tây Bắc như đang sống dậy trong kí ức của tác giả làm cho giọng thơ của ông cất lên như tiếng thì thầm, như lời tự hỏi “có thấy- có nhớ”, day dứt càng gợi lên cảm giác bâng khuâng xa vắng đầy lưu luyến. Con người có tâm hồn tài hoa và lãng mạn ấy thấy bạt ngàn hồn lau trong gió trong cây như xôn xao một nỗi niềm.
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”
Từ “người” được tác giả sử dụng thật tài tình. Ở đây nó mang tính chất vừa cụ thể, vừa phiếm chỉ, vừa là tác giả vừa là đồng đội, những người tri âm, tri kỷ đã từng đồng cam cộng khổ sống chết có nhau. “Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh; Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi…thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Khi viết câu này hẳn tác giả lại nhớ đến lời ca quan họ: “Người ơi người ở đừng về”- một lời ca nặng tình, nặng nghĩa nhờ có từ “người”- một đại từ thần diệu của Tiếng Việt. Từ “ấy” không xác định được thời gian, nhưng lại gợi về thời khắc khó quên, một đi không trở lại, đã in đậm trong trái tim, trong nỗi nhớ đầy vơi của Quang Dũng và những người lính Tây Tiến. Chữ “ấy” đó lại bắt vần với chữ “thấy” ở câu dưới tạo nên một vần lưng đầy quyến luyến, vấn vương.
Có lẽ, trong những hình ảnh làm cho người lính Tây Tiến “Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên” ấy thì hình ảnh “hồn lau nẻo bến bờ” là hình ảnh gợi cảm nên thơ nhất. Theo thi sĩ Chế Lan Viên thì “Lau”là biểu tượng cho mùa thu. Còn thi sĩ Hoàng Hữu thì hồn lau trong gió qua hoài niệm lại gợi cảm giác buồn vắng, lặng tờ nhạt nhòa như khói pha như thời tiền sử huyền thoại:
“Trường vắng mưa mờ buông dốc xa
Dây leo nửa mái,sắc rêu nhòa
Người xa phơ phất hồn lau gió
Thổi trắng chân đồi như khói pha”
                                                                                     (Hoa lau trường cũ)
Nhà văn Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn “Cỏ lau” lại có hình ảnh bông lau; lơ thơ như thực, như mơ, ở miền rừng núi hoang vu được diễn tả bằng những áng văn tuyệt hay “ở đây, bầu trời, mặt đất thanh vắng hoang dại, hoa lau phơ phất trên nền xanh uyển chuyển của rừng lau. Những triền cỏ lau mới nhú mang một vẻ hiu hắt, vài đọt hoa hiếm hoi, điểm xuyết giữa hoàng hôn vùng rừng một sắc tím bâng quơ”. Những hồn lau như thế xuất hiện trong làn sương chiều mờ ảo nơi bến bờ sông suối hoang sơ hẻo lánh của miền Châu Mộc, Châu Mai đã nói với ta rất nhiều về vẻ đẹp tâm hồn của một thi sĩ tài hoa lãng mạn đã có cách nhìn, cách cảm thiên nhiên rất lạc quan yêu đời và có phần mộng mơ.
2) Tâm hồn lãng mạn mộng mơ đó còn phát hiện ra trong cảnh sông nước chiều sương mang đậm màu sắc cổ tích huyền thoại ấy, hình ảnh con thuyền độc mộc với dáng mềm mại của cô gái và bông hoa trôi theo nước lũ:
“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Đúng là thi chung hữu họa. Ngòi bút tinh tế của Quang Dũng chấm phá vài nét không chỉ gợi được cái hồn của những bông lau, mà còn cả cái dáng rất tạo hình của cô gái lái đò người Mường,người Thái,…cái dáng ngả nghiêng rất tình tứ “đong đưa”chứ không phải “đung đưa” của những bông hoa rừng như muốn “làm duyên bên dòng nước lũ”.  “Đung đưa” chỉ thuần túy tả chuyển động đưa đi đưa lại mang tính chất Vật lý, còn đong đưa vừa tả chuyển động, tả cảnh vừa tả tình làm cho bông hoa trở thành một sinh thể duyên dáng và rất đa tình. “Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa” (Thị Mầu-Anh Ngọc)
Với một chữ “trôi” mà tác giả dùng ở đây cũng rất tinh tế, gợi lên sự nhẹ nhàng thanh thoát “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Phải có “tay lái ra hoa” thì chiếc thuyền độc mộc vượt qua suối lũ ghềnh thác mới êm nhẹ đến thế. Với một chữ “trôi” tinh tế và một chữ “đong đưa” hơi phong tình, dòng nước lũ dữ dằn bỗng trở thành suối mơ êm đềm yên ả, để con thuyền lướt nhẹ êm trôi.

Luyện thi đại học: Bài thơ Tây Tiến

Tiểu kết:
Tìm hiểu kĩ đoạn thơ của Quang Dũng, chúng ta thấy hai từ “thấy”“nhớ” được tác giả dùng trong hai câu thơ giữa cũng thật tài tình. Dường như cái hồn thiêng của bông hoa lau đã in hình rõ nét trong mắt tác giả, còn cái dáng mềm mại, thon thả của cô gái lái đò đẹp như hoa cùng bông hoa rừng đong đưa trên dòng nước lũ lại khắc sâu vào tâm trí nhà thơ vốn giàu tình yêu non sông đất nước, vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây này. Không có một tâm hồn nhạy cảm, tài hoa thì không thể nắm bắt được những hình ảnh giàu hình sắc của hoa như thế. Đoạn thơ không chỉ được khắc, trạm hình sắc, đường nét vào người và cảnh, mà còn được tác giả phổ vào câu thơ những nốt nhạc tinh tế. (Nhạc điệu thể hiện ở vần chân: “Bờ-đưa”,vần lưng: ‘ấy-thấy”;ở điệp âm,điệp thanh: “Châu Mộc,độc,dòng,đong” ). Nhưng đây là nhạc điệu được cất lên từ một tâm hồn say đắm với cảnh và người miền Tây Tổ quốc của người lính “Giữa chiến trường nhiều khi thay cho nhạc; là những tâm hồn có nhạc ở bên trong” (Phạm Tiến Duật). Cho nên rất có lý khi Xuân Diệu nhận xét: Đọc bài thơ “Tây Tiến”, ta có cảm giác như ngậm âm nhạc trong miệng.
KẾT LUẬN 1:
Như vậy hùng vĩ gắn với thơ mộng, những nét vẽ bạo khỏe, gân guốc; gắn với nét vẽ uyển chuyển, tinh tế, mềm mại là cái nhìn riêng của tâm hồn lãng mạn và hào hoa Quang Dũng trước khung cảnh núi rừng Tây Bắc hoang sơ mà nên thơ đẹp đẽ. Xuyên qua cảnh vật và con người, là một niềm hoài niệm “chơi vơi” mà sâu nặng, bâng khuâng da diết một tình yêu nói khôn cùng của tác giả với một miền thiên nhiên Tổ Quốc đã gắn bó tha thiết với người lính về một thời oanh liệt:
“Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau; còn đủ sức soi đường”
                                                                                                             (Chế Lan Viên)
KẾT LUẬN 2:
 Bốn câu thơ như một bức tranh thủy mặc với những nét vẽ chấm phá tinh tế, mềm mại, tài hoa đã truyền được cái hồn của cảnh vật Tây Bắc. Với bút pháp thiên về cảnh vật và con người ấy của Quang Dũng, bức tranh của cảnh và nguời miền Tây Tổ quốc hiện lên thật duyên dáng, thơ mộng dễ làm đắm say lòng người đọc. Đằng sau bức tranh đó, ta thấy nổi rõ tâm hồn lạc quan, yêu đời, lãng mạn, giàu mộng mơ của tác giả nói riêng và của người lính Tây Tiến nói chung trong “Những năm tháng không thể nào quên” của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà vô cùng oanh liệt.

>>> THAM KHẢO CẤU TRÚC ĐỀ VĂN THI ĐẠI HỌC 2015.




Đăng nhận xét

 
Top