Giống như các môn học thi trắc nghiệm Vật lí và Hóa học, môn Sinh học cũng có cấu trúc ra đề thi đại học tương tự.
Có nghĩa rằng đề thi đại học sẽ có các câu hỏi phủ kín kiến thức của ba năm phổ thông. Vì vậy để có thể làm được tốt các bạn học sinh cần lưu ý những điểm sau.

Trước tiên bất cứ môn nào cũng vậy yêu cầu đầu tiên khi luyện thi đại học là các bạn cần phải nắm vững các khái niệm. Không cần thiết phải học thuộc khái niệm nhưng các bạn cần phải hiểu bản chất của khái niệm, phân biệt được khái niệm đó với các khái niệm khác trong hệ thống.

Hãy tìm trong bài học những kiến thức về quá trình, quy luật sinh học. Các bạn học sinh cần phân biệt các quá trình, qui luật sinh học đó với những quá trình, quy luật sinh học khác trong hệ thống kiến thức của chương trình. Cũng giống như học các khái niệm, các bạn không cần phải thuộc từng câu từng chữ nhưng cần phải hiểu và ghi nhớ những nội dung cơ bản.

Môn Sinh học cũng là một môn học gắn liền với những ứng dụng ngoài thực tiễn. Các bạn hãy cố gắng liên hệ các bài học trong sách giáo khoa với những sự kiện, các ứng dụng ngoài cuộc sống. Việc tìm được các ví dụ cũng chứng minh bạn đã hiểu bài, và việc ôn thi đại học vì thế cũng trở nên đơn giản hơn nhiều đấy.

Để thuận lợi hơn trong quá trình luyện thi đại học các bạn có thể lập một sơ đồ hình cây, hình tháp, lập các bảng so sánh những phần kiến thức khác nhau.

Ví dụ: Khi học và ôn tập về bài Đột biến gen, các bạn có thể liệt kê các khái niệm gồm: Đột biến; thể đột biến; các dạng đột biến gen; mất, thêm, thay thế, đảo, vị trí một hay nhiều cặp nucleotit (Nu); đột biến giao tử; đột biến xooma; đột biến tiền phôi; thể khảm; đột biến trội; đột biến lặn…

Cơ chế phát sinh đột biến gen: phân biệt với cơ chế nhân đôi AND, cơ chế đột biến nhiễm sắc thể (NST).

Kiến thức thực tiễn: đột biến gen gây chết ở lợn, thể đột biến bạch tạng ở câu lúa, thể đột biến thân lùn ở lúa…

Tìm thêm các ví dụ tương tự: bệnh hồng cầu hình liềm ở người, bệnh máu khó đông ở người…
Các bạn cũng cần thiết lập một hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ phân loại các dạng đột biến:


Ôn thi đại học: Lưu ý cấu trúc đề thi đại học môn Sinh



Các bạn học sinh cũng cần lưu ý rằng khi ôn thi đại học và làm các câu hỏi trắc nghiệm không chỉ chọn phương án đúng mà còn phải tập giải thích ngắn gọn tại sao không chọn các phương án còn lại. Điều này sẽ giúp cho các bạn nhớ lâu hơn các kiến thức và những phương án trả lời.

Với yêu cầu của đề thi đại học, đỏi hỏi các bạn cần có và lưu ý về nhiều điểm trong đó đặc biệt chú tâm tới các kỹ năng như sau:

Học sinh cần biết và hiểu được những kiến thức lý thuyết căn bản của môn học. Biết hệ thống các khái niệm, quá trình, qui luật sinh học. Bên cạnh đó học sinh cũng cần phải biết và hiểu được những ứng dụng của các dạng bài tập hay lý thuyết vào ứng dụng cuộc sống.

Ví dụ: Thể đột biến là: a. Tình trạng cơ thể của cá thể bị biến đổi
b. Những biểu hiện ra kiểu hình của tế bào bị đột biến
c. Cá thể mang đột biến đã biểu hiện trên kiểu hình cơ thể
d. Cơ thể mang đột biến

Ví dụ 2: Trong những dạng biến đổi vật chất di truyền: chuyển đoạn NST (I); mất cặp nucleotit (II); tiếp hợp và trao đổi chéo trong giảm phân (III); thay cặp nucleotit (IV); đảo đoạn NST (V); thêm cặp nucleotit (VI); mất đoạn NST (VII), dạng đột biến gen là:
a.I, III. V, VII
b. II, IV, VI
c. II, III, IV, VI
d. I, V, VII

Nhận xét: Ở vị trí 1 chỉ cần nhớ lại khái niệm thể đột biến là lựa chọn đúng phương án trả lời; ví dụ 2 đọc thì thấy phức tạp, trên thực tế cần hiểu đột biến gen chỉ liên quan tới nucleotit nên ta chọn tổ hợp nào có nucleotit là được (phương án b).

Không chỉ nắm vững lý thuyết các bạn cần biết vận dụng vào các bài tập cụ thể. Các câu hỏi trắc nghiệm môn Sinh học có nội dung tính toán là những bài toán khá đơn giản có thể phân tích hoặc giải nhanh gọn trước khi so sánh để chọn phương án đúng.

Trong quá trình làm bài các bạn cũng cần lưu ý những điểm sau:
Để tránh sai sót các bạn cần phải đọc kỹ câu hỏi trong đề thi đại học, các phần dẫn, các ý đã cho để nắm chắc yêu cầu của câu hỏi và xác định được câu trả lời đúng. Đặc biệt cần chú ý tới các từ có ý nghĩa phủ định trong phần dẫn như “không”, “không đúng”, “sai”..


Nhằm tiết kiệm thời gian các bạn cũng nên đọc nhanh tất cả các phương án đã cho. Nếu xác định chắc chắn đáp án đúng thì hãy chọn ngay. Tuy nhiên cũng cần phải hết sức thận trọng với những câu hỏi mang tính đánh đố trong đề thi đại học và khi bạn lưỡng lự giữa nhiều phương án trả lời giải pháp tối ưu cho bạn lúc đó là hãy bình tĩnh, lấy giấy bút ra làm nháp. Nếu chắc chắn rồi thì hãy chọn. Trong trường hợp này chậm một chút nhưng chắc chắn. Bạn nên nhớ rằng điều quan trọng chính là bài thi của bạn sau này được bao nhiêu điểm chứ không phải là bạn làm được bao nhiêu câu.

Đăng nhận xét

 
Top