Là một người đã có thời học toán rất giỏi,
nhạc sĩ tài hoa Phó Đức Phương “bật mí” cho các sỹ tử đang luyện thi đại học: Môn Toán là một môn rất ưa phong cách
tài tử, nhưng phải là tài tử một cách sáng tạo và thông minh. Nếu không được trời
phú cho tố chất ấy, thì tốt nhất học sinh phải cần cù để bù lại! Theo lời
khuyên của những bậc “tiền bối” trong làng toán học thì thí sinh hãy học cách
“yêu” trước khi hiểu môn Toán. Tình yêu này được khởi đầu hết sức giản đơn là
chỉ từ những phép tính thông dụng mà ai cũng bắt gặp trong đời sống hàng ngày.
Và sau đó mới bàn đến những phương pháp khoa học trong luyện thi đại học môn Toán.
Học theo mô hình 1:4
Học sinh không thể học giỏi môn Toán nếu
nghe giảng trên lớp xong rồi để đó. Lý thuyết môn Toán thường khá trừu tượng, nếu
không giải bài tập ngay thì khó mà nắm được lý thuyết. Nhưng, cũng riêng đối với
môn Toán, nhiều học sinh với khả năng đặc biệt thông minh thậm chí có thể giải
bài tập theo cách riêng của mình mà không cần học lý thuyết. Tuy nhiên, số học
sinh kiểu như vậy thường chỉ rất ít.
Vì thế, cách học hiệu quả và an toàn nhất
vẫn là mô hình 1:4; tức là đối với mỗi phần lý thuyết cần phải giải ít nhất 4 lần
bài tập. Hai bài tập đầu giải theo kiểu áp dụng bê nguyên xi phần lý thuyết,
hai bài tập sau nâng cao mức độ khó lên. Như vậy quá trình ôn thi đại học sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Đối với môn Toán, người ta chỉ nhớ được
những gì mình đã hiểu, lý thuyết môn Toán với những người học vẹt sẽ chỉ như một
mớ hỗn độn và đầy rắc rối. Ôn thi đại học môn Toán không cần phải nhớ quá nhiều như những môn
khác nhưng không được bỏ qua bất kỳ một chi tiết nào, nếu không nó sẽ đưa người
học trượt dài trong nhầm lẫn.
Mơ hồ - kẻ thù của môn Toán
Khi luyện thi đại học, học
sinh không nên lục lọi trong trí nhớ xem trong quá trình học, bài này đã được
giải như thế nào bởi dễ nhầm lẫn. Thay vì dùng thời gian để lục lọi trí nhớ, học
sinh cần phải suy nghĩ phân tích để tìm ra phương pháp giải quyết bài toán đó.
Sau khi đã tìm ra được phương pháp giải,
thí sinh lại phải tiếp tục tỉ mẩn trong từng bước nhỏ nhất và tập trung tính
toán. Trong quá trình làm bài, dù chỉ sơ suất một đôi chỗ, bỏ qua một số bước,
thiếu điều kiện, làm không chặt chẽ... đều bị mất điểm, thậm chí dẫn đến việc
đưa ra đáp số sai, dẫn đến mất điểm thi đại học không cần thiết. Toán học đòi hỏi phải chặt chẽ ở mức độ cao nhất là vậy.
Bền bỉ và kiên nhẫn
Đối với Toán học, không có trang sách
nào là thừa. Từng trang, từng dòng đều phải hiểu. Những câu hỏi trong khi ôn thi đại học tưởng như rất
buồn cười như Tại sao có dấu bằng? Tại sao có dấu lớn hơn? Tại sao có dấu nhỏ
hơn? Tại sao có dấu suy ra và tại sao có dấu tương đương?... lại chính là những
câu hỏi củng cố tư duy của người học một cách hiệu quả nhất. Môn Toán đòi hỏi
phải kiên nhẫn và bền bỉ ngay từ những bài tập đơn giản nhất, những kiến thức
cơ bản nhất. Vì chính những kiến thức cơ bản mới giúp học sinh hiểu được những
kiến thức nâng cao sau này.
Trong môn Toán, một vấn đề phức tạp là tổ
hợp của nhiều vấn đề đơn giản, một bài toán khó là sự nối kết của nhiều bài
toán đơn giản. Mọi học sinh nếu nắm vững được những vấn đề căn bản thì có thể
giải quyết được rất nhiều bài toán khó. Với những học sinh thông minh, các em
có thể giải được bài toán khó đó trong vòng 5 phút thì những học sinh khác, nếu
kiên nhẫn và bền bỉ, các em vẫn có thể giải được bài toán khó này dù thời gian
lâu hơn.
Thời gian ôn thi đại học môn Toán: Càng nhiều càng
ít
Nếu không dành thời gian cho môn Toán
thì không bao giờ học sinh hiểu được sâu sắc môn học này. Các công thức trong
môn Toán không chỉ được học một cách thông thường mà học sinh phải biết dùng thời
gian để “thổi hồn” vào các công thức đó thì mới hòng mong sử dụng được chúng.
Thời gian dành cho môn Toán nhiều còn
giúp học sinh rèn được thói quen trong quá trình giải toán, nếu như quên một
công thức toán học nào đó, học sinh sẽ chủ động tự mình tìm lại công thức ấy chứ
không vội vàng mở ngay sách giáo khoa ra để xem lại cho xong.
Môn Toán cũng là môn khiến học sinh nản
lòng nhanh nhất mà khi đã nản lòng thì không thể nhớ được những gì cần nhớ. Thời
gian sẽ giúp cho học sinh “bình tĩnh” trở lại để nghiền ngẫm và để ngấm.
Đăng nhận xét