Ông Carl Owen, giám đốc Trung tâm du học
ISC-UKEAS tại Việt Nam, chia sẻ với độc giả những hạn chế của sinh viên Việt
Nam khi học Tiếng Anh và cách khắc phục những hạn chế đó cũng như một vài bí
quyết để học giỏi Tiếng Anh.
Theo kinh nghiệm của ông, hiện tại việc
học Tiếng Anh của người Việt Nam còn tồn tại những hạn chế gì?
Theo tôi, về mặt nâng cao trình độ Tiếng
Anh, ngoài vấn đề về phát âm mà ai cũng biết, trở ngại lớn nhất của người Việt
Nam là việc chưa sử dụng ngôn ngữ này một cách tự nhiên như người bản ngữ mà
không bị ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt). Rất nhiều sinh viên Việt Nam
có vốn từ vựng rất phong phú và thậm chí nắm vững ngữ pháp hơn cả giáo viên bản
ngữ, nhưng nhiều người vẫn sử dụng Tiếng Anh không đúng, ngay cả ngữ pháp cũng
bị ảnh hưởng bởi tiếng Việt.
Học sinh Việt Nam dành rất nhiều tiết học
ở trường để học về từ vựng và ngữ pháp, học một cách rất “tập trung”. Nhưng tại
sao các em vẫn không sử dụng thành thạo Tiếng Anh? Đó là bởi vì các em chỉ học
trên sách vở. Có nghĩa là các em không dành đủ thời gian để thực hành các kỹ
năng nghe, nói, đọc và viết một cách thực tế như các học sinh trên khắp thế giới
học ngoại ngữ. Các em cần học theo kiểu “thoáng” hơn một chút. Chẳng hạn như sử
dụng Tiếng Anh một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày như là gửi email cho
một người bạn, thảo luận để giải quyết 1 vấn đề nào đó, nghe dự báo thời tiết
hoặc tin tức trên tivi, hoặc đơn giản chỉ là đọc thực đơn tại nhà hàng.
Ông Carl Owen |
Theo ông, người học cần làm những gì để
khắc phục những hạn chế đó?
Các em cần phải học cách sử dụng Tiếng
Anh. Có thể thấy một số hướng dẫn viên du lịch người Việt nói Tiếng Anh rất tốt
mà họ chưa bao giờ dành nhiều thời gian để thực sự học ngữ pháp và từ vựng,
nhưng họ đã có rất nhiều thời gian sử dụng Tiếng Anh. Tôi nói tiếng Trung Quốc
phổ thông rất giỏi nhưng tôi chỉ dành khoảng 100 giờ để học nó một cách nghiêm
túc. Tuy nhiên, tôi đã sống ở Đài Loan 14 năm nên đó là khoảng thời gian tôi thực
hành nó.
Các em cần phải thực hành các kỹ năng
nghe, nói, đọc và viết nhiều hơn nữa. Nếu các em muốn bơi giỏi thì đừng dừng lại
ở việc chỉ học về kỹ thuật bơi, cách thở hay tập luyện ở phòng thể dục để tăng
cường cơ bắp. Các em cũng cần phải nhảy xuống bể bơi và bơi hàng ngày, làm được
như vậy, mọi thứ đều trở nên tự nhiên, về sau không cần suy nghĩ đến các động
tác mà chúng ta vẫn bơi được một cách dễ dàng. Hàng tuần, các em cần dành một
thời lượng nhất định cho việc thực hành Tiếng Anh của mình, dành một khoảng thời
gian nào đó trong ngày để luyện tập và tự nhủ: “Tôi sẽ nghe/nói/đọc hoặc viết với
bạn khoảng 30 phút”.
Chẳng hạn như các em có thể luyện tập
thường xuyên bằng cách đọc một cuốn tiểu thuyết hoặc một tờ báo nhưng khi gặp
những từ không biết thì không được tra từ điển. Các em cứ đọc và cố gắng đoán
nghĩa của chúng. Việc này là một kỹ năng học rất cơ bản và quan trọng. Ví dụ,
khi tôi nói: “Anh wen tên cua Em”. Không người Việt nào hiểu được tôi nói gì vì
tôi đã phát âm sai từ “quên”! Nhưng nếu họ có kỹ năng đoán từ thì họ có thể dễ
dàng hiểu tôi muốn nói gì: Từ nào có thể thay thế vào đó? “Yêu” chăng? “Anh yêu
tên của em” thật khác xa trong ngữ cảnh. “Ăn” thì sao? “Anh ăn tên của em” nghe
thật kỳ quặc. Cứ như vậy, người nghe cần phải có kỹ năng đoán nghĩa của từ
trong 1 ngữ cảnh cụ thể để nâng cao khả năng giao tiếp của mình. Đây là kỹ năng
đọc và nghe quan trọng mà nhiều người Việt đã bỏ qua. Tuy nhiên nếu thực hành
thường xuyên chúng ta có thể tự cải thiện năng này hoặc học và phát triển chúng
với sự giúp đỡ của thầy cô giáo.
Các tổ chức giáo dục và giáo viên Tiếng
Anh có thể làm gì để giúp học viên vượt qua những hạn chế đó?
Học Tiếng Anh tại các trung tâm ngôn ngữ
uy tín như AAC có thể giúp các em phát triển tất cả các kỹ năng cần thiết. Tại
đây có một hệ thống dạy học, từ việc trang bị cho các em các kỹ năng đến các
tài liệu tham khảo và các trang thiết bị truyền thông đa phương tiện hiện đại để
giúp các em đạt được mục tiêu của mình. Chỉ có kiến thức về ngữ pháp và từ vựng
thôi chưa đủ, các em cần phải thực hành những gì mình đã học. Các em phải thực
hành sử dụng Tiếng Anh một cách tự nhiên thật nhiều trong lớp học chứ không chỉ
như cách học thụ động từ trước tới nay. Các em đừng ngại việc mắc lỗi. Quan trọng
là học từ những lỗi đó vì ngôn ngữ được dùng để trao đổi ý nghĩ, thông tin khi
chúng ta đọc, nghe, viết hoặc nói. Các giáo viên ở đây sẽ giúp các em làm được
điều này.
Ngoài những lớp học Tiếng Anh thông thường,
những trung tâm này còn có các câu lạc bộ hay các hoạt động ngoại khóa cho các
em để thực hành Tiếng Anh, như câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ Tranh luận…
Chúng thực sự bổ ích cho các em.
Người học nên đặt mục tiêu học Tiếng Anh
như thế nào?
Lão Tử có nói: “Đường ngàn dặm bắt đầu từ
một bước chân”. Tôi cho rằng, nếu các em có cách học đúng như tôi đã nêu thì
không cần đề ra mục tiêu quá xa vời, mà chỉ cần duy trì việc thực hành thường
xuyên và đều đặn các kỹ năng khác nhau, đặc biệt là kỹ năng đọc. Các em sẽ đạt
được mục tiêu của mình sớm hơn mong đợi.
Ngoài việc học ở các trường lớp, người học
có thể làm gì để nâng cao trình độ Tiếng Anh?
Sau đây là 1 vài ví dụ về các cách luyện
tập: Các em hãy cố gắng nghe đài trên Internet hoặc nghe nhạc hoặc xem CNN mỗi
sáng khi các em ăn sáng hoặc đọc sách mỗi ngày khi ở trên xe buýt hoặc khoảng
30 phút trước khi đi ngủ. Các em có thể tìm những người bạn trên mạng và viết
email hàng ngày cho nhau sau bữa tối, hoặc có thể dễ dàng thành lập 1 câu lạc bộ
nói Tiếng Anh với bạn bè hoặc bạn cùng lớp.
Ông hiện đang phụ trách ISC-UKEAS ở Việt
Nam và đang giúp sinh viên nâng cao trình độ Tiếng Anh trước khi đi du học. Ông
có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này?
Như tôi đã nói, các em cần phải có kế hoạch
luyện tập hàng ngày các kỹ năng, chủ yếu là nên dành nhiều thời gian luyện tập
sau giờ học. Đối với các học sinh chuẩn bị đi du học, các em cần phải đạt được
1 trình độ Tiếng Anh nhất định, điều này không dễ dàng và cần phải có thời
gian, vì các em sống ở môi trường không nói Tiếng Anh. Vì vậy, để đạt được điểm
IELTS and TOEFL mà các trường yêu cầu, các em phải có đủ khả năng sử dụng Tiếng
Anh thành thạo cần thiết như tôi đã nói.
Đối với các bài kiểm tra về kỹ năng đọc,
để nâng cao chúng, tôi thấy rằng đọc các tin tức trên báo, tạp chí là cách tốt
nhất để nâng cao vốn từ vựng, ngữ pháp theo chủ đề, và chúng sẽ giúp các em hiểu
hơn cách sử dụng Tiếng Anh khi nói và viết. Đây thường là các kỹ năng khó nhất
đối với không chỉ sinh viên Việt Nam, mà còn với sinh viên quốc tế khác.
Một điều nữa là, các em đừng đợi cho đến
khi các em thấy mình đủ khả năng thì mới đi thi IELTS hay TOEFL. Để đăng ký học
ở các trường nước ngoài, các em cần có điểm thi IELTS hay TOEFL sớm do vậy các
em cần phải biết mình yếu ở kỹ năng nào rồi tập trung luyện tập kỹ năng đó để đạt
điểm cao hơn trong kỳ thi lần sau.
Theo Dân Trí
Đăng nhận xét