Ôn thi đại học môn Ngữ văn: đề 2
* Câu 1.
Nêu vắn tắt sự nghiệp văn học của Nam Cao.
* Câu 2.
Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
* Câu 3.
Anh (chị) hãy phân tích bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử để thấy rõ nỗi niềm tâm sự của nhà thơ.
ĐỊNH HƯỚNG LÀM BÀI
Bài làm (Câu 1)
Các ý chính:
- Nam Cao (1917 - 1951) là nhà văn có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, là đại diện xuất sắc của trào lưu văn học hiện thực trước Cách mạng và cũng là cây bút tiêu biểu của nền văn học mới sau Cách mạng tháng Tám 1945.
- Trước cách mạng tháng Tám, Nam Cao tập trung vào hai đề tài chính để sáng tác: cuộc sống của người trí thức nghèo và của người nông dân nghèo.
Ở đề tài trí thức tiểu tư sản nghèo, đáng chú ý là các truyện: Những truyện không muốn viết, Trăng sáng, Đời thừa, Cười, Nước mắt, Mua nhà,… tiểu thuyết Sống mòn. Trong khi miêu tả chân thực tình cảnh nghèo khổ, bế tắc của những nhà văn nghèo, “giáo khổ trường tư”, học sinh thất nghiệp,… Nam Cao đã làm nổi bật tấn bi kịch tinh thần của họ.
Trong đề tài về nông thôn, với những truyện tiêu biểu như: Chí Phèo, Trẻ con không được ăn thịt chó, Mua danh, Lão Hạc, Lang Rận, Dì Hảo,...
- Sau Cách mạng tháng Tám, Nam Cao sáng tác để phục vụ công cuộc kháng chiến. Những tác phẩm tiêu biểu có: Đôi mắt, Nhật kí ở rừng…
Bài làm (Câu 2)
Các ý chính:
1. Giới thiệu sơ lược.
Thạch Lam là nhà văn có tâm hồn đôn hậu. Hai đứa trẻ là tác phẩm khá thành công của ông, khắc hoạ bức tranh làng quê, số phận những con người bé nhỏ và sự nâng niu trân trọng vẻ đẹp tâm hồn con người.
2. Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Liên.
- Liên có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế (cảm nhận của Liên về bức tranh chiều tối với những âm thanh quen thuộc: tiếng ếch nhái ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi vo ve, bóng tối, bầu trời,…)
- Liên luôn khát khao cuộc sống có ý nghĩa hơn:
+ Liên thao thức đợi chuyến tàu đi qua như “mong đợi một cái gì tươi sáng” cho sự sống nghèo khổ hằng ngày.
+ Liên “lặng lẽ theo mơ tưởng” khi chuyến tàu đi qua. Trong cái nhìn của Liên có biết bao khát khao hi vọng (hình ảnh “Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo” đã trở thành niềm mơ ước).
+ Những cảm giác lắng lại trong tâm hồn Liên để lại chút bâng khuâng dịu nhẹ: “Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con chị Tý chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”.
3. Kết luận.
Ước mơ bé nhỏ trong tâm hồn Liên, nỗi vương vấn dịu nhẹ gợi ra một cảm giác trong lành, yên tĩnh. Đó là khoảng sâu trong tâm hồn con người ở nhân vật Liên.
Bài làm (Câu 3)
1. Vài nét về tác giả:
Đánh giá khái quát về giá trị nội dung của bài thơ: Bức tranh thiên nhiên trong sáng, tươi đẹp nhưng lại thấm đẫm nỗi buồn của tác giả.
2. Phân tích bài thơ:
Hướng phân tích: Cắt ngang bài thơ theo mạch cảm xúc của tác giả, phân tích vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên gắn với việc lột tả tâm trạng của tác giả.
a) Khổ thơ đầu của bài thơ: "Đây thôn Vĩ Dạ"
- Câu thứ nhất: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”. Chỉ ra giá trị tu từ của câu hỏi: có thể là một lời trách móc nhẹ nhàng, một lời mời chào tha thiết, một sự hối tiếc vì đã không về được thôn Vĩ. Nếu đứng ở phương diện tả cảnh thì đó lại là một phương tiện để phô bày cảnh đẹp của thôn Vĩ.
- Ba câu tiếp theo:
+ Chú ý phân tích các từ ngữ “mướt quá”, “xanh như ngọc”, hình ảnh “nắng hàng cau”, để nêu bật vẻ đẹp tươi mát, lung linh của cây lá tắm trong sương sớm và nắng mai của buổi sáng mùa xuân.
+ Từ “ai” là từ phiếm chỉ gợi tình cảm vừa thân thiết, vừa bâng khuâng xa vời.
+ Hình ảnh “mặt chữ điền” gợi cái hồn của những con người chất phác, nhân hậu, cần cù, rất đáng yêu.
- Tóm lại, cảnh thôn Vĩ đẹp, người thôn Vĩ đáng yêu đáng quý. Qua đó, tác giả gửi gắm nỗi niềm nhớ nhung, những hoài niệm trong sáng của mình về xứ Huế mộng mơ.
b) Khổ thơ thứ hai.
- Hai câu đầu:
+ Tập trung phân tích các hình ảnh “gió”, “mây”, “dòng nước buồn thiu”, “hoa bắp lay”.
+ Ý thơ đã hé mở một nỗi buồn, một sự chia lìa, dang dở.
- Hai câu tiếp:
+ Không gian thơ mộng, tràn ngập ánh sáng: sông trăng, bến trăng, thuyền trăng. Cảnh vừa thực vừa hư, rất mộng ảo.
+ Câu thơ “Có chở trăng về kịp tối nay?” đồng thời là một câu hỏi bộc lộ nỗi niềm của nhà thơ với người mình thương nhớ, với bao khát khao đợi chờ.
Tóm lại, cảnh vật ở khổ thơ này vẫn đẹp nhưng đã đượm buồn. Nỗi niềm của nhà thơ gửi gắm ở đây là những khao khát hi vọng với hạnh phúc, với cái đẹp của tình người dù là xa xôi, mờ ảo.
c) Khổ thứ ba.
- Tập trung phân tích các từ ngữ, hình ảnh “khách đường xa”, “mơ”, cấu trúc và âm điệu đặc biệt của câu “Mơ khách đường xa, khách đường xa”, “áo em trắng quá nhìn không ra”, “…sương khói mờ nhân ảnh”, … Tất cả đều hướng tới và làm nổi bật sự khắc khoải, bồn chồn, vô vọng của nhà thơ, nỗi băn khoăn da diết, nỗi đau đớn tuyệt vọng của nhà thơ trước mối tình đơn phương.
- Tóm lại, vẻ đẹp tâm hồn trong sáng của Hàn Mặc Tử, một người có trái tim giàu yêu thương, khát khao sống mãnh liệt. Dù trong hoàn cảnh nào, trái tim ấy vẫn hướng về cuộc sống, hướng về tình yêu.
3. Kết luận.
- Đánh giá về nội dung.
- Đánh giá về nghệ thuật.
Đăng nhận xét