Ôn thi đại học môn Ngữ văn
* Câu 1.
Tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao đã có những tên gọi nào? Anh (chị) hãy nêu ý kiến nhận xét về những tên gọi đó.
* Câu 2.
Một trong những nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân là nhìn ngưởi ở phương diện tài hoa nghệ sĩ.
Hãy phân tích nhân vật người lái đò trong tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” để làm sáng tỏ nhận định trên.
* Câu 3.
Bình giảng khổ thơ sau trong bài “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”.
(Văn học 12, Tập 1,
sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000, tr. 120)
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Bài làm (Câu 1)

Chí Phèo - Nam Cao

Các ý chính:
1. Các tên gọi của tác phẩm “Chí Phèo”.
Cái lò gạch cũ do tác giả đặt năm 1940.
- Đôi lứa xứng đôi Nhà xuất bản Đời mới (Hà Nội) tự ý đặt năm 1941.
- Chí Phèo do chính tác đặt lại khi in trong lập Luống cày (Hội Văn hóa Cứu quốc xuất bản, Hà Nội, năm 1946).
2. Nêu nhận xét về các tên gọi.
Cái lò gạch cũ.
+ Cách gọi này dựa vào hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang ở phần đầu và được lặp lại ở câu kết của tác phẩm.
+ Ý nghĩa: Nhấn mạnh tính chất quy luật của hiện tượng “Chí Phèo”, liên tưởng tố cáo và kết án xã hội đương thời. Tạo nên những ám ảnh trong lòng người đọc. Hạn chế: cái nhìn bi quan của tác giả về số phận của người nông dân.
Đôi lứa xứng đôi.
+ Cách gọi này dựa vào mối tình Chí Phèo - Thị Nở, nhằm gợi trí tò mò của một số độc giả đương thời.
+ Hạn chế: Chưa khái quát được ý nghĩa của tác phẩm vì mối tình Chí Phèo - Thị Nở chỉ có giá trị như một tình huống tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Chí Phèo, bộc lộ một khía cạnh tư tưởng nhân đạo của tác phẩm. Tên gọi này đã biến đổi mối tình của hai nhân vật thành trò cười và gây ra một hướng tiếp cận sai lệch về tác phẩm.
Chí Phèo.
+ Cách gọi này thống nhất với một số tác phẩm khác của Nam Cao: lấy tên nhân vật chính để đặt tên truyện : Lão Hạc, Dì Hảo, Lang Rận,…
+ Ý nghĩa: Thể hiện đầy đủ chủ đề và ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

Bài làm (Câu 2)
Các ý chính:
1. Vài nét về tác giả và tác phẩm.
- Nguyễn Tuân là nhà văn nổi tiếng của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Ông là nhà văn rất tài hoa, yêu cái đẹp, khám phá thiên nhiên và con người ở phương diện thẩm mỹ và tài hoa nghệ sĩ.
- Tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” in trong tập “Sông Đà” (năm 1960). Ở đây, Nguyễn Tuân đã thể hiện sự khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc. Đặc biệt “chất vàng mười” của tâm hồn con người Tây Bắc.
Nhân vật người lái đò Sông Đà đã mang “chất vàng mười”. Đó là chất tài hoa, nghệ sĩ của một “tay lái ra hoa”.
2. Phân tích nhân vật người lái đò Sông Đà để làm sáng tỏ nhận định.
a) Quan niệm mới mẻ của Nguyễn Tuân về nghệ sĩ.
- Với góc nhìn từ phương diện tài hoa nghệ sĩ, Nguyễn Tuân cho rằng bất cứ người lao động nào, làm bất cứ nghề gì mà người giỏi giang, khéo léo, tài hoa trong công việc thì đều đạt đến trình độ nghệ sĩ, đều được coi là nghệ sĩ. Vì vậy, trong văn chương của ông có cả nghệ sĩ viết chữ và có cả nghệ sĩ lái đò.
- Quan niệm này bộc lộ tấm lòng trân trọng của nhà văn đối với những người lao động bình thường mà tài giỏi, có bàn tay vàng.
b) Phân tích vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò sông Đà.
- Vẻ đẹp của trí tuệ thông minh.
Chi tiết phân tích: “Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”. “Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”.
Ý nghĩa: Người lái đò thuộc con sông Đà như thuộc lòng bàn tay của mình, nhớ tỉ mỉ từng luồng lành, luồng dữ, từng tảng đá ngầm, đá nổi,… Thực chất đó là những quan sát tinh tường, những kinh nghiệm quý báu ông đúc rút được từ trong những cuộc vật lộn với sông nước hằng ngày. Tác giả đã trân trọng đề cao vốn kinh nghiệm đó bằng cách nói so sánh “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”. Sự tài hoa của người lái đò đã được tô đậm ở chi tiết này.
- Vẻ đẹp của lòng kiên trì, dũng cảm trong cuộc vận lộn với thác dữ, đá dữ.
Chi tiết phân tích: Tập trung phân tích hình ảnh ông lái đò chỉ huy con thuyền của mình vượt qua ba vòng thạch trận. Trong quá trình phân tích, chú ý làm nổi bật sự tương phản giữa đá dữ, nước dữ và con người. Cụ thể:
+ Đá dữ kết hợp với nước dữ tấn công con người từ nhiều phía: “đá trái, thúc gối vào bụng vào hông thuyền”, “bám lấy thuyền” mà đánh “đòn tỉa”, “đòn âm” vào những chỗ hiểm, “đội cả thuyền lên”, “bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước”.
+ Ông lái đò, trước những đòn độc hiểm như vậy không phải không có lúc "mặt méo bệch đi” (chú ý phân tích ý nghĩa của từ và đánh giá sự sáng tạo của tác giả trong việc dùng từ). Nhưng ông rất bình tĩnh, sáng suốt, dũng cảm đối phó với kẻ thù. Các dộng tác liên tục không ngơi nghỉ: “giữ mái chèo”, “hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái”, “nắm chặt lấy được cái bờm sóng” mà phi, “đứa thì ông tránh, mà rảo bơi chèo lên”, “đứa thì ông đè sấn lên, chặt đôi ra mà mở đường tiến lên”, “lái miết một đường chéo” về phía cửa sinh.
+ Lúc ngừng chèo, nghỉ trong hang đá, ông lái đò vừa nướng ống cơm lam, vừa kể chuyện về cá anh vũ, về những hang cá dầm xanh... rất ung dung, thư thái.
Ý nghĩa:
- Ca ngợi lòng kiên trì, dũng cảm kết hợp với trí thông minh và sự bình tĩnh, sáng suốt của người lái đò trong cuộc vật lôn với sóng nước dữ dội. Tư thế của người lái đò là tư thế chiến thắng và luôn luôn chiến thắng. Với những chiến thắng đó, người lái đò xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ tài hoa.
- Nguyễn Tuân đã miêu tả và cảm nhận ông lái đò ở phương diện văn hóa và cốt cách tài hoa nghệ sĩ.

Bài làm (Câu 3)
Các ý chính:

Tiếng hát con tàu: Chế Lan Viên

1. Xuất xứ:
Chế Lan Viên là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945. Bài thơ Tiếng hát con tàu rút từ tập Ánh sáng và phù sa (1960) gợi cảm hứng từ cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên Tây Bắc xây dựng kinh tế mới. Bài thơ là khúc hát về lòng biết ơn, tình yêu và sự gắn bó với nhân dân, đất nước của một tâm hồn thơ đã tìm thấy ngọn nguồn nuôi dưỡng và chân trời nghệ thuật mới của mình.
2. Bình giảng khổ thơ.
- Khổ thơ toát lên niềm khát khao và hạnh phúc được trở về với nhân dân của nhà thơ.
- Hai câu thơ đầu của khổ thơ tỏng bài thơ "tiếng hát con tàu"
+ Trở về với nhân dân là trở về với môi trường sống quen thuộc thân thiết, làm nảy nở, phát triển sự sống. Đồng thời, đó cũng là ngọn nguồn của sự sáng tạo nghệ thuật.
+ Phân tích những hình ảnh so sánh: nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa.
- Hai câu thơ sau của khổ thơ:
+ Nhân dân là người nuôi dưỡng, làm hồi sinh sự sống.
+ Phân tích những hình ảnh so sánh: "Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa - Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa".
3. Kết luận.
- Cả khổ thơ thể hiện sự sáng tạo độc đáo của tác giả về cách xây dựng hình ảnh, về giọng điệu:
+ Khổ thơ là chuỗi hình ảnh liên tiếp làm nổi bật cảm xúc và tư tưởng khao khát, hạnh phúc trở về với nhân dân.
+ Những hình ảnh so sánh gần gũi với tự nhiên và cuộc sống con người.
+ Giọng điệu của khổ thơ tha thiết chân thành.
- Khổ thơ thể hiện nét phong cách của Chế Lan Viên: suy tưởng sâu lắng và sáng tạo hình ảnh phong phú.


Đăng nhận xét

 
Top