Theo nhận định của Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, GV trường THPT
chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM thì nội dung đề thi đại học sẽ
nằm trong 5 phần chính.
Bao gồm: : Dao động cơ học và Sóng cơ, Dòng điện xoay chiều và
Sóng điện từ, Quang lý, Vật lý hạt nhân và Quang hình học (không phân ban) hoặc
Cơ vật rắn (phân ban).
Quang lí và hạt nhân là hai nội dung trọng tâm
Trong đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ môn Vật lí các năm trước, có đến 1/3 nội
dung đề thi thuộc hai phần: Quang lí và hạt nhân. Các câu hỏi thuộc hai nội
dung này chiếm số điểm đáng kể trong thang điểm. Theo đúng như phân phối chương
trình của Bộ GD-ĐT quy định thì phần Quang lý và Vật lý hạt nhân nằm trong
chương trình học của học kỳ 2. Có thể nói đây là những kiến thức “khó gặm” nhất
trong hệ thống kiến thức Vật lí 12. Lí giải nguyên nhân này thầy Nguyễn Thanh
Bình cho biết: “đây là những phần dài và phức tạp, khó học vì nó liên quan đến
kiến thức hiện đại, khá xa lạ mà trước đây học sinh chưa từng được tiếp cận.
Đối với phần Cơ và Điện, là những phần kiến thức đã học từ học kỳ
1, ít nhiều những kiến thức này bị quên lãng do phải tiếp thu những kiến thức
mới. Nhưng cũng dễ dàng nhớ lại được khá đủ nếu các bạn lướt lại một lần nữa.
Trong khi đó, kiến thức Quang lý và Hạt nhân hoàn toàn mới lạ nên thầy Bình khuyên
chúng ta “cần tranh thủ học kỹ ngay từ bây giờ để kịp thời gian hiểu và nắm
chắc một lần luôn”.
Các bạn có thể hình dung rằng: hầu hết tất cả các thí sinh đều nắm
chắc các nội dung khác do có thời gian học rất kỹ vì thế điểm thi ở các nội
dung này sẽ không chênh nhau quá nhiều. Như vậy, nội dung Quang lý và Hạt nhân
chính là nhân tố quyết định ai là quyết định ai là người dành điểm để vượt lên.
Không tính đến các bài thí nghiệm thực hành, toàn bộ phần giáo
khoa Vật lý 12 có khoảng gần 60 nội dung khác nhau. Thầy Nguyễn Thanh Bình đã
đưa ra một phép tính nhỏ: “Nếu trừ ra thời gian thi học kỳ 2 và thi tốt nghiệp
THPT (cho các thí sinh đang học lớp 12), thì thời gian thực sự còn lại cho học
và ôn thi ĐH-CĐ chỉ khoảng 100 ngày. Ta sẽ học như thế nào cho chiến dịch 100
ngày đêm với 60 nội dung Vật lý này?”
Câu trả lời nằm trong 4 nguyên tắc mà thầy Bình nhắc nhở các sĩ tử
trước mùa thi:
- Không có khái niệm phần trọng tâm trong chương trình thi đại học. Đề thi
ra theo nguyên tắc rải đều để kiểm tra toàn diện kiến thức thí sinh. Do đó khi
học và ôn thi đại học, thí sinh không được bỏ qua phần nào trong chương trình quy định
vì suy nghĩ rằng phần này ít ra hay không phải phần trọng tâm.
- Hầu như không có các bài toán dài và lý luận phức tạp trong hình
thức thi trắc nghiệm. Do đó, học sinh phải mạnh dạn từ bỏ các bài toán dài dòng
cũ, cho dù với lý do là để luyện tập kỹ năng tính toán và tư duy.
- Nếu học sinh nào có thể vừa hiểu rõ nội dung giáo khoa, vừa
thuộc lòng những nội dung đó thì quá tốt. Tuy nhiên cần lưu ý là với giáo khoa,
điều cần thiết trước tiên là học sinh hiểu và thuộc ý của mỗi nội dung, để có
nhận định, suy luận, so sánh và chọn lựa, không phải thuộc theo lối đọc nguyên
bài giáo khoa không vấp váp. Vì vậy, các em nên chọn cách học giáo khoa theo
phương pháp đọc đi đọc lại một nội dung chậm rãi, vào nhiều lúc khác nhau thuận
tiện, thay vì cố học đi học lại một nội dung để thuộc lòng nó. Học thuộc lòng
thì mất thời gian và mau quên, khó cho việc lập luận, so sánh, chọn lựa câu
trắc nghiệm đúng. Đọc đi đọc lại chậm rãi giúp đầu óc hấp thụ chắc chắn và bền
lâu.
- Với thời gian hạn hẹp còn lại thì nguyên tắc luyện thi đại học sao cho
tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao là: Học và ôn thi kỹ toàn bộ nội dung
chương trình quy định theo quỹ thời gian của từng học sinh cho phép, nhưng lấy
nội dung Quang lý và Hạt nhân là phần sở trường để đạt kết quả cao so với các
bạn khác trong thi tuyển.
Đăng nhận xét