Đạt điểm 10 môn Vật lí trong kỳ thi ĐH, đã bao giờ bạn nghĩ đến chưa? Chàng sinh viên lớp Kỹ sư Chất lượng cao Việt Pháp ĐH Bách Khoa Hà Nội Nguyễn Thế Kha sẽ cho chúng ta biết anh ấy đã làm được điều đó như thế nào.
Giành giải Nhất tuần trong cuộc thi thử TN THPT tháng 4/2007 và “ẵm” trọn giải thưởng 5.000.000 đ của Hocmai.vn, cậu học sinh trường THPT Cao Bá Quát- Hà Nội và Hocmai.vn năm nào giờ đây đã là sinh viên lớp Kỹ sư Chất lượng cao Việt Pháp ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Người chúng tôi muốn nói đến đó chính là Nguyễn Thế Kha, cậu học sinh đạt 26,5 điểm của kỳ thi ĐH, trong đó môn Vật lí đạt điểm 10 tuyệt đối. Những kỷ niệm trong ngày đầu tiên đăng ký tham gia học tập và đoạt giải tại Hocmai.vn dường như vẫn còn tươi mới như ngày hôm qua trong câu chuyện của chúng tôi với sinh viên Nguyễn Thế Kha.
Bí quyết đạt điểm 10 môn Vật lí
“Hồi học cấp 3 em là lớp trưởng vì vậy khi có thông tin học tập và thi cử tại Hocmai.vn, em đã truyền đạt tới các bạn trong lớp. Nhiều bạn khi đó còn ái ngại vì cách thức học và thi quá mới mẻ và sợ khó học cũng như khó đoạt giải. Để chứng minh điều ngược lại, em đã đăng ký học, thi và ngay lập tức vượt qua rất nhiều những “đối thủ” mạnh đến từ nhiều trường THPT lớn trong cả nước để giành giải Nhất tuần với số tiền thưởng 5.000.000 đ.
Chính trong thời gian này em đã hoàn thiện hơn các kỹ năng làm bài thi để vững tâm trong kỳ thi ĐH. Ngay sau đó các bạn trong lớp trong trường hồ hởi đăng ký tham gia và em không phải là người cuối cùng trong lớp, trong trường nhận được các giải thưởng tại Hocmai.vn.”, Nguyễn Thế Kha bồi hồi tưởng nhớ lại.
Để đạt được những thành tích học tập trên Hocmai.vn cũng như đỗ vào ĐH Bách Khoa, Kha đã phải nỗ lực rất nhiều. Học đều các môn và yêu thích môn Vật lí từ những năm cấp 2 cùng với sự chăm chỉ luyện thi đại học đó là một trong những nguyên nhân giúp Kha giành điểm tuyệt đối môn Vật lí trong kỳ thi ĐH.
Lên cấp 3, mang theo niềm đam mê môn Vật lí Kha hầu như “ăn ngủ” với môn học này. Sau khi chinh phục những bài tập trong sách giáo khoa, Kha bắt đầu “xâm lược” các bài tập nâng cao ở sách bài tập, các bộ đề thi đại học từ những năm trước. Chăm chỉ giải nhiều dạng đề đã giúp cho Kha có thêm kinh nghiệm “đọc” đề thi và các kỹ năng giải một bài tập Vật lí nhanh nhất.
Học khối A nhưng phần lý thuyết của môn Vật lí Kha cố gắng học thuộc hết. Theo Kha đa số kiến thức lý thuyết trong kỳ thi ĐH đều tập trung vào lớp 12, vì vậy việc học hết lý thuyết cũng không phải là một “nhiệm vụ bất khả thi”. “Tất nhiên các bạn không thể cầm quyển sách lên để đọc thuộc từng trang một. Đó là điều không tưởng khi thời gian này các bạn phải ôn luyện rất nhiều môn khác nhau, thêm vào đó là tâm lý lo lắng khi đứng trước hai kỳ thi lớn”, Kha cho biết.
Vậy thì làm cách nào để “xơi gọn” phần lý thuyết? Rất đơn giản, Kha tâm sự: “Vật lí là môn học có tính tương tác và ứng dụng rất cao trong đời sống xã hội. Khi học đến một vấn đề nào đó các bạn hãy cố gắng liên hệ những điều tương tự, các sản phẩm tương quan trong cuộc sống và móc nối các hiện tượng lại với nhau. Ví dụ về lực đẩy, các bạn có thể hình dung đến chiếc bơm xe đạp, nén khí…điều này không những giúp các bạn nhập tâm hơn trong quá trình học mà còn biến những phần lý thuyết tưởng chừng khô khan thành mềm mại dễ học.”
Riêng với phần bài tập, theo kinh nghiệm của Kha các bạn nên làm thật nhiều. Chăm chỉ không bao giờ là thừa đối với mọi học sinh ở tất cả các lứa tuổi. Bài tập thì có nhiều nhưng cần phải biết phân loại thành những dạng khác nhau nhằm tìm ra được cách thức giải và điều quan trọng là không bị lẫn. Qua đó các bạn sẽ hình thành được các kỹ năng giải nhanh, giải đúng, giải trúng trọng tâm yêu cầu của đề thi đại học.
Những bài tập Vật lí thi ĐH thông thường chỉ tập trung vào bốn phần chính gồm: Cơ, Điện, Quang và Hạt nhân. Với mỗi phần đều có những đặc trưng riêng, vì vậy trước khi giải bất kỳ một bài tập các bạn cần xác định rõ bài tập mình chuẩn bị giải thuộc phần nào. Từ đó sẽ có những kỹ năng cần thiết và cách giải phù hợp. Điều này sẽ giúp các bạn tiết kiệm được thời gian và tránh được những sai sót dù là nhỏ nhất.
Lúc này, thời gian chính là điều các bạn thấy thiếu nhất. Tuy nhiên, theo Kha nếu biết cách sắp xếp hợp lý thời gian học giữa các môn trong ngày, trong tuần sẽ khắc phục được yếu tố thời gian. Sau khi kết thúc kỳ thi TN các bạn sẽ có khoảng 1 tháng để ôn tập. Hãy chia khoảng thời gian ấy ra thành những “đoạn” nhỏ để ôn luyện sao cho đạt hiệu quả nhất mà không bị “rối” các kiến thức của ba môn thi ĐH.
“Hiện nay máy tính là một công cụ không thể thiếu đối với “dân” khối A, B, D trong kỳ thi ĐH. Với nhiều phép tính đơn giản thay vì có thể tính nhẩm được, các bạn lại dùng máy tính. Điều này đã khiến các bạn mất đi rất nhiều thời gian cho bài làm của mình. Hãy dùng máy tính khi thấy thật sự cần thiết”
Kì thi ĐH luôn là một thử thách khó khăn đối với tất cả các thí sinh. Kha chia sẻ: “Ngày trước em cũng rất lo lắng, tuy nhiên qua nếu biết chế ngự áp lực đó bằng sự vui vẻ, tham gia chơi thể thao vào những lúc rảnh rỗi điều đó không những sẽ giúp các bạn giữ gìn sức khỏe mà việc tiếp thu bài sẽ rất nhanh. Em tin rằng với kiến thức cùng sự nỗ lực cố gắng của bản thân, các bạn sẽ “vượt vũ môn” dễ dàng để “hóa rồng” trong kỳ thi ĐH sắp tới.”
Đăng nhận xét