Luyện thi đại học môn Văn: Tây Tiến - Một bứt phá tài hoa và độc đáo.
Hơn 60 năm
đã đi qua kể từ khi bài thơ Tây Tiến ra đời, vậy mà việc giải mã nỗi ám ảnh của
nó vẫn cứ như món nợ khó trả xong của những người làm công việc phân tích văn
chương. Vì sao? Phải chăng vì số phận long đong của nó? Không phải! Cái long
đong phận số của một tác phẩm văn chương có thể làm nên tiếng vang nhưng chưa
chắc trở thành ám ảnh. Vả lại, từ ngày Tây Tiến trở về ngự trị khá bền vững
trong sách giáo khoa tính đến nay cũng đã hơn gần 20 năm rồi, mà chưa có bài viết
nào thuyết phục được người đọc về cái hay của Tây Tiến. Tất nhiên, văn chương
là chuyện của muôn đời, nhưng cái sức hấp dẫn lạ kì của Tây Tiến quả là chỉ cảm
thấy mà không biết vì sao. Cùng thời Tây Tiến cũng có những bài thơ hay của Tố
Hữu, Chính Hữu, Hoàng Cầm, Hữu Loan... song những bài thơ hay của các tác giả
này phần nào đã được định hình về cách giải mã. Riêng với Tây Tiến thì chưa. Quả
là một hiện tượng lạ.
Tôi xin được bắt đầu bằng chữ “lạ” này để thử
góp phần tìm ra một chút gì đó chăng về Tây Tiến. Vâng! Nó lạ hơn những bài thơ
cùng thời với nó, và cả với thơ ca trước đó nữa. Mà lạ chính là do phong cách
thơ. “Phong cách là những nét chung, tương đối bền vững của hệ thống hình tượng,
của các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của một
nhà văn, một tác phẩm” (theo sách Thuật ngữ văn học). Vậy cái “nét tương đối bền
vững” trong “hệ thống hình tượng” và “phương thức biểu hiện nghệ thuật” của Tây
Tiến là gì vậy? Phải chăng đó là sự “lệch chuẩn” của nó so với phong cách chung
trong thơ ca kháng chiến chống Pháp?
Từ
cái tôi cá nhân của thơ ca lãng mạn trước 1945, văn học Việt Nam đã chuyển
sang cái tôi cộng đồng, cái tôi công dân để làm nên phong cách chung của thời đại. Đó là thời “văn hoá hoá kháng chiến và
kháng chiến hoá văn hoá”, đưa văn học về gần đời sống công nông binh, vì thế thơ ca kháng chiến nói chung là giản dị
và dễ hiểu. Nội dung của nó cũng phải
mang “hồn thời đại”. Tây Tiến cũng mang “hồn thời đại” nhưng khác hơn là ở chỗ nó mang thật cái hồn
bằng khúc ca bi tráng. Trong khi các nhà thơ
đi “đúng chuẩn” thiên về cái hào hùng, lạc quan, ít dám nói đến cái bi
thì Quang Dũng lại lấy cái bi làm nền tảng để lộ dần, lộ dần trên nền cái bi ấy mà vút lên khúc bi
hùng. Hãy xem anh Vệ quốc quân của Tố Hữu: “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi, vai vươn tới/ Lá nguỵ trang
reo với gió đèo”. Đây chính là “cái chuẩn” của người lính cụ Hồ thời ấy. Rất
oai phong, rất hùng tráng và đứng trên tất cả. Trên cả “đỉnh dốc”, trên cả “đèo
cao” với sức vươn của đôi vai ôm trùm cả “núi”. Vậy mà Tây Tiến lại hoàn toàn
khác. Đó là “Đoàn binh không mọc tóc” phải sống trong một thiên nhiên khắc nghiệt
và những cơn sốt rét rừng thường trực, đói khát, bệnh tật... mà núi thì “dốc
lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, “heo hút cồn mây” rồi “thác gầm thét”, “cọp trêu
người”... và trên đường ra trận của người lính Tây Tiến cứ hiển hiện cái chết
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”, “Áo bào thay chiếu anh về đất”...
Trước đây, Tây Tiến bị phê bình là bi thương
quá cũng bởi chính những khó khăn, gian khổ, tiều tụy, chết chóc được tác giả
thể hiện trong bài thơ. Tuy nhiên, khi đọc kỹ, ta lại nhận ra, dù nói về chuyện
chết chóc, hy sinh,… nhưng toàn bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng hoàn toàn không hề
sử dụng một từ “chết” hay “hi sinh”, “tử trận” nào cả. Nghĩa đen của cái chết
được nhòe đi trong những cụm từ đồng nghĩa và gần nghĩa với cái chết để thể hiện
lý tưởng “xem cái chết nhẹ tựa lông hồng” của một thế hệ “quyết tử cho Tổ quốc
quyết sinh”, nào là “bỏ quên đời”, “mồ viễn xứ”, “chẳng tiếc đời xanh”, “anh về
đất”, “hồn về Sầm Nứa”… Những từ này rất phổ biến trong ngôn ngữ người Việt khi
nói về cái chết đã được Quang Dũng tận dụng một cách hiệu quả nhằm làm “nhẹ” đi
cái chết giữa trận tiền.
Riêng khổ thơ:
“Tây Tiến
đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh
màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gởi
mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội
dáng kiều thơm”
nhân đây, tôi cũng xin lạm bàn một chút về cách hiểu
cái khổ thơ “thần” nhất này của bài thơ Tây Tiến, đặc biệt là câu thứ hai:
“Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Câu này, xưa nay, nhiều người phân nó ra làm hai
vế để Tiểu đối (hai vế trong một câu đối nhau) về ý:“Quân xanh màu lá ><dữ
oai hùm”. Nghĩa là, trong tương quan với câu 1 thì: đoàn quân Tây Tiến bị sốt
rét rừng làm rụng hết tóc (không mọc tóc) và đói khát khiến da xanh như lá (!)
nhưng vẫn rất mạnh mẽ, oai hùng. Như vậy thì, ở đây, cả câu 1 và nửa đầu câu 2
cùng đối lập với nửa cuối câu 2 về ý. Điều này hoàn toàn không thể xảy ra trong
biện pháp nghệ thuật Đối lập của thơ ca Việt Nam từ trước đến nay. Như ta đã biết,
trong phép Đối lập của thơ thì có hai dạng đối, đó là: Bình đối (2 câu đối
nhau) và Tiểu đối (2 vế trong 1 câu đối nhau), kiểu như: Bình đối: “Mái tóc Bác
đã bạc màu quá nửa >< Lòng son ngời như buổi mới ra đi” (Chế Lan Viên);
Tiểu đối:“Hắt hiu lau xám >< đậm đà lòng son”, “Thương cuộc đời chung
>< thương cỏ hoa” (Tố Hữu). Không bao giờ tìm thấy trong ca dao và thơ ca
Việt Nam cách đối lập như ở cách hiểu của 2 câu thơ Tây Tiến nói trên. Ở đây,
rõ ràng, Quang Dũng đã sử dụng hoàn toàn lối Bình đối trong cả khổ thơ này: câu
1 đối với câu 2: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc><Quân xanh màu lá dữ
oai hùm” và câu 3 đối với câu 4: “Mắt trừng gởi mộng qua biên giới><Đêm
mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Nhận ra được sự hợp lý của hai cách Đối lập này ta sẽ
hiểu trọn nghĩa lý đúng của câu 2 trong khổ thơ “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
là: dù Tây Tiến là đoàn binh bị sốt rét rừng làm rụng hết tóc (không mọc tóc)
nhưng đội quân ấy không ngả nghiêng, rệu rã mà vẫn “quân lệnh như sơn”, chỉnh tề
quân phục (Quân xanh màu lá) với khí thế lẫm liệt, mạnh mẽ (dữ oai hùm). Hiểu 2
câu đầu như thế thì mới logic với cách hiểu 2 câu thơ sau: “Mắt trừng gởi mộng
qua biên giới><Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Ở trên, tôi đã nói cái lạ thứ nhất của
Tây Tiến chính là sự đi “lệch chuẩn” cái “hồn thời đại” về khía cạnh phản ánh,
về cách nhìn người lính. Cái lạ thứ hai, có lẽ quyết định hơn, là sự “lệch chuẩn”
trong phương thức biểu hiện. Trong lúc, mọi người theo tinh thần thời đại phải
đưa văn học về gần lời ăn tiếng nói quần chúng, đại kỵ việc sử dụng từ Hán - Việt
thì Quang Dũng làm ngược lại nhằm khắc hoạ đúng cái “chất tráng sĩ” của những
chàng trai Hà Nôi hào hoa tham gia cách mạng “xem cái chết nhẹ tựa lông hồng”
trong buổi đầu kháng chiến. Đó là những “oai linh”, “hội đuốc hoa”, “xiêm áo”,
“man điệu”, chiều “sương”, “hồn lau”, “độc mộc”, “biên cương”, “viễn xứ”, áo
“bào”, “độc hành”... Trong lúc thời đại cần “công nông binh hoá” thơ ca cho dễ
hiểu, ai đọc cũng hiểu, Quang Dũng lại phủ lên Tây Tiến một khoảng mờ đục, nhập
nhoà của khói sương, lau lách, mồ hoang với cách cấu trúc câu thơ đầy lạ lẫm:
“hoa về trong đêm hơi”, “heo hút cồn mây”, “mùa em thơm nếp xôi”, “xiêm áo tự
bao giờ”, “khèn lên man điệu”, “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”, “đoàn binh
không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”, “dáng kiều thơm”, “thăm thẳm một chia
phôi”... Kiểu cấu trúc thơ qua những cụm từ này khiến nghĩa lý bị mờ nhoè đưa đến
đa tầng nghĩa cho mỗi người tiếp nhận. Quả đúng là lớp từ ngữ quá đặc phong
cách Quang Dũng này không thể tìm thấy trong cách diễn đạt “dúng chuẩn” của thơ
ca kháng chiến, và cả trước đó nữa trong thơ lãng mạn.
Nói chung, thơ ca thời kháng Pháp vẫn nằm
trong tiến trình của Thơ Mới về hình thức, song, với Tây Tiến, hình như đã có sự
bứt phá lớn về vần điệu, nhạc tính, cấu trúc ngữ, câu... Thơ Mới nói chung là
nhẹ nhàng, du dương nhờ vào vần điệu và tính nhạc. Thơ kháng chiến nói chung dù
phản ảnh hiện thực vẫn còn hiền hậu trong cấu trúc câu thơ và vần điệu. Riêng
Tây Tiến, vần điệu cứ trúc tra trúc trắc khiến câu thơ như bị dồn nén, siết chặt
đến gân guốc, cộc lốc. Nào là “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, “ngàn thước
lên cao ngàn thước xuống”, “thác gầm thét”, “không mọc tóc”. Cũng là câu thơ thất
ngôn đó mà đọc lên cứ như không phải đều bảy chữ. Nó ngắt ngứ làm ta quên mất số
chữ trong câu. Cách sử dụng cách vận và độc vận được phối hợp trong 34 câu thơ
hợp cùng biện pháp tu từ đối lập đã khiến vần, nhịp Tây Tiến lạ đi rất nhiều. Cứ
một câu trắc vận lại một câu bằng vận, tác giả cứ nén lại rồi dãn ra tưởng chừng
như một câu ngắn một câu dài, trong khi thực ra nó vẫn là bảy chữ. Cũng chính sự
phối vần này, ta phát hiện thêm một cái lạ phái sinh dường như ngoài chủ ý của
tác giả, đó là tính nhạc. Nhạc tính trong thơ thật ra không lạ, nhưng nhạc
trong chủ nghĩa tượng trưng mà tiêu biểu là Bích Khê của Thơ Mới thì lại cố ý
quá, “làm nhạc chứ không phải bị nhạc làm”. Ở Tây Tiến, Quang Dũng trong thế
miêu tả đối lập giữa cái khó khăn, khắc nghiệt, chết chóc với cái thanh thản, lạc
quan, hào hoa, lãng mạn đã khiến câu thơ như vô tình đẩy xô tạo nên âm nhạc.
Câu trắc siết dồn, nén lại rồi câu bằng giãn ra, trải rộng miên man... và cứ cuối
mỗi đoạn lại kết thúc bằng một hoặc nhiều thanh bằng trung tính (không dấu) khiến
câu thơ đã hết mà âm nhạc thì rung đến vô cùng (Đoạn 1: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”... Đoạn 2: “Trôi dòng nước lũ hoa
đong đưa”... Đoạn 3: “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”...).
Có lẽ tất cả những yếu tố “lệch chuẩn” ấy đã
khiến cho Tây Tiến sống mãi dù trải qua mấy chục năm bị vùi dập, và hay mãi bởi
bài thơ đậm chất Quang Dũng đến không thể lẫn lộn với ai trước nó, cùng thời nó
và cả về sau nó nữa.
Đăng nhận xét