Nhiều chuyên gia nhận định đã đến lúc phải thay đổi
cách thức tuyển sinh và đào tạo bác sĩ.
Có thể đồng tình hay phản đối với đề xuất lấy môn
văn, cùng với các môn khác, để xét tuyển vào trường y, nhưng các chuyên gia đều
chung nhận định: đã đến lúc phải thay đổi cách thức tuyển sinh và đào tạo bác
sĩ.
* Để có một nền y học hiện đại và nhân văn
* GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban
Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Cảm thông với bệnh nhân, bác sĩ sẽ tận tụy
Suy nghĩ kỹ sẽ thấy đề xuất từ Bộ trưởng Bộ Y tế
Nguyễn Thị Kim Tiến là phương án tuyển sinh hợp lý, cần được cân nhắc nghiêm
túc.
Nếu thực hiện phương án này, các trường khối y - dược
không phải tổ chức thêm một kỳ thi bổ sung, đỡ gánh nặng thi cử cồng kềnh cho
thí sinh.
Chắc sẽ không ít người nói môn hóa, môn sinh mới gần
gũi với khối ngành y - dược, chứ ngữ văn thì... xa chuyên môn quá. Nhưng nếu
nhìn tổng quát thì thấy trong các môn thi khối B lâu nay, ngoài hóa, sinh còn
có môn toán. Toán được chọn vì vai trò của nó đối với việc phát triển tư duy
con người.
Môn ngữ văn gồm có hai phần: ngôn ngữ và văn học. Phần
ngôn ngữ giúp người học phát triển tư duy logic, diễn đạt rành rẽ, thuyết phục.
Một bác sĩ là một người làm khoa học, cần tư duy tốt
để phát huy khả năng của mình trong nghiên cứu.
Bác sĩ có năng lực ngôn ngữ sẽ giao tiếp tốt và đó
là điều có ý nghĩa lớn trong ứng xử hằng ngày với bệnh nhân. Còn phần văn học bồi
dưỡng tâm hồn, giáo dục tình cảm nhân văn trong mỗi con người.
Người học văn tốt chắc chắn sẽ có những rung động
sâu sắc về những cảnh ngộ đời thường, những hoàn cảnh đáng thương của con người
trong cuộc sống.
Khi cảm thông được với người bệnh, bác sĩ sẽ tận tụy
hết lòng tìm cách cứu chữa bệnh nhân.
Khi cảm thông được với người bệnh, chia sẻ được những
lo lắng với người bệnh, thậm chí bác sĩ có thể giúp đỡ người bệnh có thêm nghị
lực để tự chữa bệnh cho mình.
* GS PHẠM MINH HẠC (nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT):
Bác sĩ không phải là nhân viên văn phòng
Ở Việt Nam, theo nghị quyết về đổi mới căn bản và
toàn diện về giáo dục - đào tạo, cấp phổ thông bắt buộc là chín năm, sau đó ba
năm THPT theo định hướng nghề nghiệp.
Theo tinh thần đó, thí sinh có nguyện vọng theo học
ngành nào sẽ chủ yếu học các môn thi vào ngành đó ở THPT.
Nếu ngành y thi khối B như lâu nay thì tương lai học
sinh học THPT chỉ tập trung vào những môn học định hướng nghề nghiệp của khối
thi đó để sau này thi đại học.
Bộ trưởng Bộ Y tế ngỏ ý nên dùng môn văn để xét tuyển
vào ngành y và chứng minh sự cần thiết của môn học này với đội ngũ cán bộ y tế
bằng dẫn chứng sống ngay tại Bộ Y tế khi nhiều chuyên viên làm công văn còn sai
ngữ pháp khiến vị tư lệnh toát mồ hôi, lo đến đứt mạch máu não.
Thật ra, điều bộ trưởng nói tôi từng trải nghiệm từ
khi còn làm công tác quản lý ngành giáo dục từ những năm 1980 đến đầu những năm
2000.
Nhưng xin được tường minh đó là công việc văn phòng.
Bác sĩ không làm nhân viên văn phòng. Bác sĩ là bác sĩ.
Đúng là bác sĩ cần hiểu con người, hiểu cấu tạo cơ
thể, cơ chế bệnh sinh, hiểu về những xáo trộn tâm tư khi người ta mang trọng bệnh,
nhưng đó là kiến thức của sinh học, tâm lý học.
Dễ hiểu rằng bác sĩ nói ngọng thì không hay rồi, nhưng
nếu đó là bác sĩ giỏi thì bệnh nhân vẫn tìm đến ầm ầm. Còn chuyện bác sĩ chữ xấu
không ai đọc được thì đó là chuyện không chỉ ở Việt Nam, mà thế giới cũng vậy.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Đăng nhận xét