Ngày 27/9, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức hội thảo tham vấn “Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở Đại học Quốc gia Hà Nội”.

Tại hội thảo, ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), cho biết: “Kết quả khảo sát ý kiến phản hồi của hơn 1.000 thí sinh đã trực tiếp tham gia kỳ thi này về bài thi đánh giá năng lực ở bậc đại học cho thấy, hơn 80% thí sinh dự thi có ý kiến cho rằng đề thi đánh giá đủ kiến thức cần thiết về mọi mặt của sinh viên, bám sát chương trình học, độ phủ kiến thức rộng trong suốt chương trình THPT. Cũng theo kết quả khảo sát này, gần 550 thí sinh về bài thi tổng hợp tuyển sinh bậc sau đại học cũng cho thấy hơn 60% thí sinh cho rằng đề thi đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký; cấu trúc của bài thi và thời gian thi hợp lý”.

Tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực


TS. Mark A. Ashwill - Giám đốc điều hành công ty Capstone (Việt Nam), nguyên Giám đốc Quốc gia - Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Việt Nam cho rằng: “Phương án mà ĐHQGHN đang triển khai là tiên tiến, hiện đại tiếp nhận được những ưu điểm của các bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Hoa Kỳ như SAT, ACT. Việc đổi mới tuyển sinh của ĐHQGHN sẽ góp phần giảm áp lực xã hội trong các kỳ tuyển sinh ĐH; cách tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng đổi mới của giáo dục phổ thông ở Việt Nam.

Lãnh đạo của nhiều trường đại học ủng hộ phương thức thi này nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn nếu áp dụng ngay.

GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, phương án của ĐHQG là sự chuẩn bị bài bản, đây là điều kiện để thành công. Tuyển sinh khó nhất là khâu chuẩn bị triển khai vì quy mô và yêu cầu tuyển chọn nguồn nhân lực mỗi trường khác nhau. Việc chuẩn bị hơn 4.000 câu hỏi của ĐHQGHN là việc mà trước đây Cục Khảo thí cũng chưa làm được.

Về đề thi đánh giá năng lực, GS Long băn khoăn: “Người ra đề thì biết nhưng thầy giáo dạy cũng cần phải làm quen để dạy học sinh. Do đó, nếu có triển khai để nhân rộng thì Quy chế tuyển sinh cần ban hành sớm vì quy chế là luật để học sinh vùng sâu, vùng xa có thời gian làm quen máy tính, học sinh làm quen với bài thi tổng hợp vì hiện các em vẫn học theo môn thi. Nếu làm không tốt sẽ dẫn đến lách luật”.

GS Nguyễn Trọng Giảng
GS Nguyễn Trọng Giảng.

GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Từ năm 2008, tôi đã mong muốn Bộ có những thay đổi để giảm áp lực, tốn kém. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có những thay đổi còn táo bạo hơn nhưng vì nhiều nguyên nhân chưa được triển khai. Năm 2014, trường đã sơ tuyển online theo học bạ 3 môn Toán, Lý, Hóa, qua đó thông báo tới các em có thể vào học nếu đỗ kỳ thi “3 chung”. Qua kỳ sơ tuyển này nên tuyển sinh của chúng tôi rất nhàn".

GS Giảng đề xuất: “Có thể trong năm đầu tiên một nhóm trường ĐH “top” trên thoả thuận với nhau để thực hiện ngay trong năm 2015. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) có thể tổ chức một nhóm trường để thực hiện”.

Mặc dù rất hưởng ứng và sẽ tham gia với đề án này nhưng ông Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng lo lắng cho rằng: “Hiện còn sớm để áp dụng nhưng trong những năm tới từ khâu ra đề đến tổ chức thi cần nghiên cứu kỹ đảm bảo công bằng và bảo mật. Đề thi liệu có đúng đánh giá năng lực hay không hay cũng chỉ bình thường? Cần tuyên truyền để xã hội hiểu rõ hơn. Do đó, cần có Quy chế tuyển sinh, nếu Bộ cho phép, chúng ta sẽ thực hiện”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định: “Phương án có thi này chỉ là 1 trong các tiêu chí chứ không phải tất cả. Các ĐH trên thế giới ngoài kết quả thi còn thư giới thiệu, xét kết quả phổ thông, phỏng vấn… Bên cạnh đó, nếu triển khai cần cân nhắc về cơ sở hạ tầng”.

Ông Minh cho hay, hiện tại giáo viên phổ thông có chú ý đến năng lực nhưng thực chất vẫn nặng về truyền thụ kiến thức. Đề yêu cầu năng lực nhưng việc đáp ứng của học sinh đến mức độ nào?

Sẽ  thực hiện từ năm 2015!
Đánh giá cao sự chủ động của ĐHQGHN trong việc triển khai các hoạt động đổi mới tuyển sinh ĐH, sau ĐH theo hướng đánh giá năng lực, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: “Việc đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực là công việc rất khó, cần nhiều công sức và nguồn lực đầu tư. Hướng đi trong đổi mới tuyển sinh của ĐHQGHN hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ GD-ĐT. Bộ ủng hộ ĐHQGHN tiên phong thí điểm đề án này cũng với một nhóm trường đại học, khuyến khích các trường đại học khác cùng tham gia đề án của ĐHQGHN. Sau khi thí điểm rút kinh nghiệm để triển khai rộng trong tương lai.
Ông Trinh đề nghị ĐHQGHN chủ động đề xuất phương án sử dụng điểm Bài thi Tổng hợp đánh giá năng lực chung vào mục đích xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

GS Nguyễn Trọng Giảng


Ông Mai Văn Trinh


Trước những ý kiến trên, giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Kết quả thành công bước đầu của kỳ thi thí điểm ĐGNL tại ĐHQGHN tạo tiền đề vững chắc để ĐHQGHN chính thức thực hiện tuyển sinh theo phương thức ĐGNL từ năm 2015. ĐHQGHN sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án, trong đó, tập trung phát triển thêm ngân hàng các tiểu mục câu hỏi; đào tạo thêm cán bộ về khảo thí hiện đại; mở rộng và nâng cao chất lượng phần mềm thi tuyển sinh, trang bị máy móc, thiết bị, đồng thời nâng cấp đường truyền mạng…


Ông Nhạ cho hay, ĐHQGHN sẽ làm việc với một số trường ĐH và một số Sở GD-DT có đủ điều kiện để cùng phối hợp triển khai thực hiện phương án đổi mới tuyển sinh này để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo trong việc xem xét sử dụng kết quả Bài thi Tổng hợp của ĐHQGHN đồng thời đề xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Đăng nhận xét

 
Top