Việc ôn thi đại học môn Lí với phần lí thuyết
tương đối “nặng”, đòi hỏi phải nắm chắc vấn đề không phải là việc đơn giản. Trước
ngày thi đại học 2008, thầy giáo Lương Tất Đạt - nguyên giáo viên chuyên Lí trường
Chuyên Hà Nội-Amsterdam có một vài lời nhắc nhở tới các thí sinh.
Nội dung đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ gồm 5 phần chính: Dao động cơ học và Sóng cơ, Dòng điện xoay chiều và Sóng
điện từ, Quang lí, Vật lí hạt nhân và Quang hình học (không phân ban) hoặc Cơ vật
rắn (phân ban). Việc ôn thi đại học môn Lí với phần lí thuyết tương đối “nặng”, đòi hỏi
phải hiểu sâu, nắm chắc vấn đề hoàn toàn không phải là việc đơn giản đối với
thí sinh.
Làm thế nào để học “vào” lí thuyết Vật
lí?
Hocmai.vn nhận được rất nhiều phản hồi của
các bạn học sinh phàn nàn: “Lí thuyết Vật lí rất khó học, lung tung hết cả”.
Chúng mình hãy cùng nhau tháo gỡ những khúc mắc ấy cùng thầy giáo Lương Tất Đạt
nhé.
“Đề thi ĐH không yêu cầu cao siêu, kiến
thức tập trung trong SGK nên các em chỉ cần đọc kĩ, đọc hiểu, học tốt các kiến
thức trong SGK là ổn. Đặc biệt, khi học Vật lí, các em phải có sự so sánh, tổng
hợp tìm mối liên hệ giữa các kiến thức liên quan. Ví dụ khi học chương sóng cơ
học, các em phải thấy được mối liên hệ với chương sóng điện từ, nó có cùng mô
hình toán học. Hay lưu ý giữa phần điện từ trường và dòng điện xoay chiều….”
Như vậy, trong SGK, bài học được trình
bày theo từng chương, mỗi chương có nhiều mục và trong một mục có nhiều đoạn.
Chúng ta phải học từng đoạn, trong mỗi đoạn phải nắm chắc định nghĩa, định luật,
đặc tính, ứng dụng... Không cần học thuộc lòng mà chú ý đến các chi tiết quan
trọng.
Thầy Lương Tất Đạt còn đưa ra lời
khuyên: “Vì Vật lí thi trắc nghiệm nên các em phải quét hết toàn bộ chương
trình, lời khuyên của tôi là các em theo dõi tỉ lệ số câu từng phần trong cấu
trúc đề thi Vật lí hàng năm của Bộ GD-ĐT”.
Chú ý các nội dung kiến thức từ năm lớp
10, 11
“Nếu như trước kia, thi tự luận môn Lí,
ta có thể “chớp” phần “trọng tâm” nhất thì đối với trắc nghiệm phải thấy rằng
kiến thức tập trung chủ yếu ở lớp 12, mặt khác cũng phải vận dụng kiến thức lớp
10, 11 để giải các bài tập lớp 12.
Đối với chương trình Lí 11, phần quan trọng
nhất là chương từ trường và cảm ứng điện từ vì nó liên quan mật thiết đến điện
xoay chiều. Lớp 10 chú trọng vào kiến thức động lực học định luật bảo toàn của
cơ. Khi giải các bài tập, các em chú ý đến việc sử dụng phương pháp giải nhanh
bằng giản đồ Fresnel”.
Đăng nhận xét