Hơn sáu mươi
năm trôi qua kể từ ngày “Tuyên ngôn độc
lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ra đời, khai sinh ra một trang sử mới
cho toàn dân tộc, nhưng mỗi người dân đất Việt vẫn không khỏi bồi hồi xúc động
khi bắt gặp lại những thước phim tư liệu ghi lại giây phút người đứng trên quảng
trường Ba Đình lịch sử, cất giọng trầm ấm “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”
Toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập không dài, chỉ gói gọn trong khoảng chưa đầy một
ngàn chữ những vô cùng chặt chẽ và súc tích. Bản Tuyên ngôn chia làm ba phần rõ rệt, mỗi phần một ý, liền mạch với
nhau theo một bố cục chặt chẽ mạch lạc.
Phần đầu, bản Tuyên ngôn nêu lên những chân lí về nhân quyền và dân quyền. Tác giả
trích dẫn lời hai bản Tuyên ngôn nổi
tiếng thế giới, bản Tuyên ngôn độc lập
của Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền
và Dân quyền của Pháp là có dụng ý sâu sắc. Bản Tuyên ngôn độc lập của Mĩ ra đời sau khi nước Mĩ đấu tranh giành độc
lập thành công. Bản Tuyên ngôn Nhân
quyền và Dân quyền cũng ra đời trong chiến thắng của cách mạng Pháp, cuộc cách
mạng của những thị dân và nông dân chống áp bức, bất công. Lời lẽ của hai bản Tuyên ngôn trên tự thân đã nêu lên những
chân lí, là kết quả của những cuộc cách mạng có tính chất tiên phong của những
nước có ảnh hưởng lớn trên thế giới, khiến cho không ai có thể phủ nhận tính
đúng đắn của chúng. Ta có thể thấy sự hiểu biết và cân nhắc kĩ càng của vị Chủ
tịch khi trích dẫn những chân lí đó. Hơn thế Người còn vận dụng sáng tạo:
"Suy rộng
ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc
trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân
tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, người đã đi từ
khái niệm con người sang khái niệm dân tộc
một cách tổng quát và cũng đầy thuyết phục. Điều đáng nói hơn nữa là ngay ở đoạn
đầu này, cũng chính là lời trích dẫn bản Tuyên
ngôn Nhân quyền và Dân quyền đã toả ra chiến đấu mạnh mẽ và tiềm tàng của
hành động trái ngược hẳn: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá
cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta". Rõ
ràng qua cách lập luận như thế, một sự thật được phơi bày cách hiển nhiên là bản
chất của thực dân Pháp ở Việt Nam trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Kết
thúc phần này là một câu khẳng định ngắn gọn dầy sức thuyết phục: “Đó là những
lẽ phải không ai chối cãi được”.
Mở rộng hơn, phần thứ hai liệt kê ngắn gọn
và đầy đủ những tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra trên đất nước ta trong suốt gần
một trăm năm đô hộ. Trước tiên, chúng tước đoạt tự do chính trị, “tuyệt đối
không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”. Kế đó là “chúng thi hành những
luật pháp dã man, ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết...” Cả đoạn dày đặc
những câu liệt kê định tội rắn rỏi, tố cáo toàn diện tội ác cùa bọn cướp nước.
Từng câu, từng chữ đã nêu bật bản chất bọn xâm lược. Thực dân Pháp đã thi hành
chính sách ngu dân, tiêu diệt văn hoá, chính là muốn diệt trừ tận gốc bản sắc
dân tộc, ý thức lịch sử và truyền thống dân
tộc bằng cách “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”. Chúng đàn áp thẳng tay
và dã man những người yêu nước, "tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những
bể máu", cướp đoạt trắng trợn và bất công quyền thiêng liêng nhất của con
người: quyền được sống. Đó là thực chất khai hoá, cái gọi là đem văn minh đến
cho người bản xứ mông muội. Chúng còn "bóc lột dân la đến xương tuỷ... cướp
không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu... đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm
cho dân ta trở nên tin cùng... chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn
nhẫn". Hành động của chúng thật hết sức vô nhân đạo và chánh nghĩa. Hơn nữa,
khi bị Nhật tước khí giới, chúng đã bỏ chạy, đầu hàng, bán nước hai lần cho Nhật.
Đó là thực chất bảo hộ của chúng, sự thật lịch sử đã tố cáo bản chất dối trá,
hèn nhát của bọn xâm lược.
Chỉ trong một đoạn ngắn hai mươi mốt câu,
tác giả đã xé toang chiêu bài "khai hoá, bảo hộ" giả dối bịp bợm mà
bây lâu chúng dùng để che đậy những việc làm xấu xa độc ác. Tác giả dùng liên
tiếp những sắc thái từ cao độ: hắn, tuyệt đối không cho, dã man, thẳng tay chém
giết, tắm... trong những bể máu, bóc lột đến tận xương tuỷ.... ngôn ngữ linh hoạt,
sắc bén, đầy hình ảnh cụ thể, chính xác, gợi tả, tỏ thái độ căm giận sâu sắc
trước những tội ác man rợ đó. Điệp từ chúng xuất hiện dày đặc, lồng trong những
câu song hành, đồng nghĩa, như những nhát búa đập thẳng vào lớp vỏ bọc hoa mĩ bọn
thực dân vẫn tuôn ra bấy lâu, tạo những âm vang sóng dội, nhấn mạnh và trở đi
trở lại, như khắc sâu ghi nhớ, như kết án luận tội đồng thời tỏ ra sức mạnh của
chúng ta, sức mạnh của chính nghĩa. Đối lập với những hành động phi nhân đó của
thực dân Pháp cuộc đấu tranh đầy nhân đạo chính nghĩa của nhân dân ta. Từ những
hành động tàn nhẫn của thực dân Pháp như khủng bố Việt Minh, giết chính trị phạm,
tác giả dẫn dắt chúng ta đến những hành động nhân đạo, khoan hồng của quân và
dân ta: giúp nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, cứu nhiều người Pháp ra khỏi
nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ. Điệp ngữ Sự thật là... đã khẳng
định chiến thắng của ta: ta đã lấy lại đất nước từ trong tay Nhật, đất nước mà
thực dân Pháp đã cướp lấy rồi bán cho phát xít Nhật. Chúng ta chiến đấu chống
phái xít, đứng về phía mặt trận dân chủ chống phát xít, có vai trò và vị trí xứng
đáng trước thế giới chính do sức mạnh tự chủ tự thân của dân tộc. Như vậy các
nước tiến bộ trên thế giới phải đồng tình ủng hộ quyền được hưởng tự do độc lập
một cách chính đáng của dân tộc ta.
Câu tuyên bố “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” ngắn gọn và súc tích,
nghe như một lời reo vui. Câu này cũng có thể làm một ví dụ tiêu biểu cho văn
phong Hồ Chí Minh là ngắn gọn chuẩn xác mà đầy uy lực, giàu ý nghĩa. Tuyên bố với
thế giới về việc thành lập của một đất nước mới nhưng đã phải chịu nhiều đau
thương, tác giả đã rất đanh thép và triệt để khi dùng những cụm từ thoát li hẳn,
xoá bỏ hết, Xóa bỏ tất cả để nhấn mạnh sự phủ định tuyệt đối mọi quan hệ lệ thuộc
với Pháp, chặt nốt những mắt xích cuối cùng ràng buộc Việt Nam, để đất nước này
đứng lên trong tự do hoàn toàn, xây dựng một chế độ mới.
Tự do vừa giành được thật vô giá. Để có được
nó, nhân dân ta đã phải đánh đổi bằng bao nhiêu hi sinh, bao nhiêu xương máu và
tâm huyết. Thế mà vẫn còn bao nhiêu thù trong giặc ngoài lúc bây giờ đang lăm
le bóp chết sự sống mới hình thành của nước Việt Nam non trẻ. Hiểu được điều
đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt nhân dân nêu lên lời tuyên bố trịnh trọng
và quyết liệt “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một
nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt
Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững
quyền tự do và độc lập ấy”. Đó chính là tinh thần của cả một dân tộc anh hùng quyết hi sinh tất cả để giữ lấy độc lập, tự do. Cụm
từ tự do và độc lập được lặp lại ba lần, như khắc sâu vào tâm trí muôn triệu
người dân Việt, vang lên mạnh mẽ và rung động như tiếng kèn xung trận hào hùng.
Lời tuyên bố nghe như một lời thề sắt đá và thiêng liêng, vừa khích lệ nhân dân
la vừa cảnh báo kè thù.
Đây là bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên tuyên bố với thế giới về sự ra đời
của một nhà nước mới, đánh dấu một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập tự do cho một
dân tộc bất khuất kiên cường. Nó
đánh dấu thắng lợi đầu tiên của một nước ở châu Á. Mặt khác, bản Tuyên ngôn còn là một áng văn chính luận
mẫu mực, đanh thép và lôi cuốn ở lí lẽ và lập luận chặt chẽ, ở từ ngữ, hình ảnh
dễ cảm, chính xác, mạnh mẽ. Ở câu văn gọn mà sắc, giản dị mà hùng hồn, đã vừa cảnh
cáo, vạch mặt kẻ thù, vừa khích lệ, động viên tinh thần nhân dân và tranh thủ sự
đồng tình quốc tế.
Với tính kế
thừa những chân lí của lịch sử các dân tộc trên toàn thế giới, kết hợp với những
tư tưởng mang tính thời đại, tuyên ngôn
độc lập mãi mãi trở thành áng văn bất hủ, là niềm tự hào sâu sắc trong lòng
mỗi người dân Việt Nam yêu nước.
>>> SỨC HẤP DẪN VÀ SỨC SỐNG LÂU BỀN CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP.
>>> SỨC HẤP DẪN VÀ SỨC SỐNG LÂU BỀN CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP.
Đăng nhận xét