Trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ", Thạch Lam viết: "Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ".
            Dựa vào cảm nhận của mình về tác phẩm, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
                                                                                    
Bài làm
            1. Tóm tắt phần đầu của câu chuyện: Phố huyện chìm dần vào bóng tối
            "Điểm nhìn trần thuật" của Hai đứa trẻ từ nhân vật chính là Liên, một cô bé chưa thực sự là thiếu nữ, nhưng cũng không hoàn toàn vô tư và vô tâm như những đứa trẻ khác.
            Thông qua nhân vật Liên, nhà văn đã gợi không gian phố huyện nghèo hiện lên theo nhịp điệu đều đặn của thời gian từ chiều tối đến đêm khuya. Những đường nét đơn giản quen thuộc, những âm thanh cũng rất quen thuộc đối với chị em Liên, và đặc biệt là sự ám ảnh của bóng tối nơi phố huyện.
            - Bóng tối chiếm lĩnh không gian: Bóng tối lấn dần mọi thứ ánh sáng. Bóng tối bao phủ không gian phố huyện làm mờ chìm mọi cảnh vật: từ cái chợ, ga xép... đến con đường vào làng, cánh đồng mênh mang... Bóng tối được nhắc đến nhiều lần trong truyện ngắn này: "Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa".
            - Cuộc xung đột âm thầm nhưng khá quyết liệt giữa ánh sáng và bóng tối. Đó cũng là một "tín hiệu nghệ thuật" trong cảm nhận về cuộc sống hiện tại nơi phố huyện trong Hai đứa trẻ.
            - Bóng tối xoá dần bóng dáng con người:
            + Những con người nơi phố huyện lần lượt xuất hiện qua cảm nhận của Liên: Từ những đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh vài thứ còn sót lại sau buổi chợ vãn với dáng điệu "lom khom" miệt mài kiên nhẫn; mẹ con chị Tí, "thằng bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng", "mẹ nó, theo sau, đội cái chõng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc..."cũng có mặt nơi phố huyện cùng cái công việc, "chiều nào cũng thế", cứ dọn hàng ra rồi lại dọn về, dù "chẳng ăn thua gì"; thêm một bà cụ Thi điên, uống cút rượu xong, "lảo đảo bước ra bên ngoài và đi lần vào bóng tối"; một bác Siêu cùng gánh hàng phở được xem là "xa xỉ" nơi phố huyện nghèo cũng chỉ để lại ấn tượng về một sự bất động, tẻ nhạt, vắng lặng buồn bã. "Bóng bác mênh mang ngả xuống đất một vùng và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ"; vợ chồng bác xẩm xuất hiện với mục đích mưu sinh đã góp mặt thêm phần đầy đủ những "công dân phố huyện" với tiếng đàn bần bật, nhưng cũng thật chóng vánh rơi ngay vào im lặng.
            + Thế giới nhân vật hiện lên trong phố huyện đều là những con người nhỏ bé đang tìm kiếm sự sống trong cuộc mưu sinh thường nhật. Nhưng "chẳng ăn thua gì" vì bán hàng mà không có khách, đi hát mà không có người nghe. Những bóng dáng đang thu nhỏ mình lại, với vài cử chỉ đơn điệu gần như bất động, với vài ba câu đối đáp rời rạc, lẫn những tiếng thở dài ngao ngán gần như yên lặng. "Chừng ấy con người" đang ở "trong bóng tối" là một hiện thực mà nhà văn mô tả, thông qua sự cảm nhận chính xác của Liên một cách tinh tế.

Nghị luận văn học - Truyện ngắn hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam

            + Việc tả và kể những người xuất hiện trong bóng tối nơi phố huyện nghèo được Thạch Lam sử dụng bút pháp nghệ thuật hiện thực, và mang ý nghĩa phản ánh hiện thực đang tồn tại một cách nhàm chán đơn điệu, đều đặn, lặp lại như một điệp khúc. Đồng thời, ánh sáng và bóng tối trong truyện ngắn này đã trở thành một "tín hiệu nghệ thuật", mang một sức ám ảnh đối với người đọc, gợi lên bao liên tưởng cùng suy nghĩ về những điều có thể không hoàn toàn mới, nhưng thái độ của nhà văn là rất trân trọng, quan tâm.
            2. Bình luận
            - "Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi...". Có hoàn cảnh như thế không? Người kể chuyện không miêu tả rõ rệt sự mong đợi ấy. Những đứa trẻ con nhà nghèo không hề có một câu nói nào, đồng nghĩa với việc chúng chẳng bộc lộ rõ suy nghĩ gì ngoài mục đích tìm kiếm một cái gì đó chưa hẳn đã còn lại ở phiên chợ nghèo nàn. Chị Tí chỉ vài câu đối đáp rời rạc với Liên, với bác Siêu cũng chỉ có ý nghĩa "vẩn vơ"; có chăng là tiếng thở dài, mệt mỏi và ít nhiều vô vọng. Gia đình xẩm thì sau vài tiếng đàn bần bật là sự im lặng rơi vào sự lãng quên. Có thể nói chừng ấy người không có biểu hiện nào thật sự thể hiện sự "mong đợi" cả. Đó là cảm nhận của Liên? Hay đó chỉ là một phán đoán của nhà văn? Đến câu nói của chị Tí, thì thậm chí là thở than chán ngán: "Ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì.".Làm sao có thể nói họ "mong đợi". Trái lại, họ đang nghĩ về một tương lai "chẳng ăn thua gì" thì đó là một sự khước từ buồn nản.
            Có thể nói tác giả không thể hiện rõ rệt cụ thể. Có thể họ đang có mặt nơi  phố huyện này đã là một sự mong đợi chăng?
            - Chị em Liên thì mong đợi đoàn tàu sẽ đến trong bóng tối, đó là một sự thật. Chờ tàu, đối với chị em Liên không phải để bán hàng, "Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya". Nhà văn đã thể hiện tâm trạng đợi tàu của chị em Liên một cách rất thành công ở phần còn lại của tác phẩm này. Chờ đợi đoàn tàu là mong mỏi được chứng kiến một sự hoạt động cuối cùng diến ra nơi phố huyện. Mong chờ "một thế giới khác" sẽ đến, " khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh sáng lửa của bác Siêu".
            Đối diện với hiện thực nơi phố huyện bị phủ đầy bóng tối, chị em Liên càng thao thức với niềm hi vọng monh manh nhưng có thật: Đó là chuyến tàu sẽ đến và sẽ đi qua nơi ga xép này.
            - Tâm trạng đợi tàu của chị em Liên chính là khao khát về một sự đổi thay, là "mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ". Sự mong đợi âm thầm nhưng da diết, cháy bỏng. Chị em Liên "cố thức" hàng đêm, trông chờ với tất cả tâm trí của mình. Tiếng nói ấy được nhà văn lắng nghe một cách đầy trân trọng. Theo cách nói của Nguyễn Tuân, Thạch Lam đưa ra vấn đề một cách nhẹ nhàng nhưng thấm thía, khiến người đọc phải chú ý. Vấn đề sự sống của mỗi cá nhân đang chìm dần trong bóng tối, cần lên tiếng cảnh báo: Hoàn cảnh tù đọng của một cuộc sống đơn điệu, nhàm chán đang bào mòn ý nghĩa của cuộc sống ở mỗi con người!
            - Tuy nhiên, khao khát của chị em Liên vẫn là khao khát của những con người nhỏ bé. "Thế giới khác" ấy đã đến và rồi lại ra đi, "chìm vào bóng tối". Một hiện thực trở về với "chừng ấy con người" là một phố huyện "tĩnh mịch và đầy bóng tối". "Chừng ấy con người" luôn là những kẻ bị động, không đủ sức làm thay đổi hoàn cảnh. Họ chỉ trông chờ, ngay cả chị em Liên nhìn chuyến tàu đang đến, mà không thể nào lên được chuyến tàu có ánh sáng ấy, cũng như ánh sáng của đoàn tàu không dừng lại nơi phố huyện. Cái nhìn đầy tiếc nuối khi đoàn tàu lao nhanh vào đêm tối, nhận thấy đoàn tàu ngày càng ít khách, ngày càng vắng vẻ là một dự cảm buồn thương trong lòng chị em Liên. Liệu chị em Liên có còn đủ kiên nhẫn để trông chờ, mong đợi chuyến tàu đêm? Liệu có còn hấp dẫn nữa không những chuyến tàu ngày một vắng vẻ và sẽ rơi vào im lặng?
            Một sự cảm thương, một nỗi buồn là cảm giác có thật sau khi đọc xong tác phẩm này. Phố huyện trở lại, yên tĩnh hơn, vắng lặng hơn. Kết thúc tác phẩm này, vẫn là một hình ảnh trĩu nặng: "tĩnh mịch và đầy bóng tối".
            - Như vậy, "mong đợi một cái gì tươi sáng" là một hiện thực được Thạch Lam thể hiện chân thực và chân cảm qua những trang văn mềm mại, đầy nhạc điệu, đầy chất thơ. Và, một hiện thực khác cũng được nhà văn dự cảm, "cái gì tươi sáng" ấy thật mông lung, thật vời xa, dường như đang chìm vào vô vọng, vào bóng tối, vào sự im lặng. Một tiếng thở dài nhẹ nhàng nhưng thấm thía xâm chiếm tâm hồn độc giả.
            Tuy nhiên, tấm lòng của tác giả vẫn nặng tình với những số phận nhỏ bé đang âm thầm tồn tại trong "bóng tối" là rất đáng trân trọng. Sự chia sẻ với những khát khao nhỏ bé nhưng tha thiết của những con người nơi phố huyện nghèo ấy của nhà văn thực sự là tiếng nói của một tấm lòng nhân ái trong hoàn cảnh bấy giờ.


            Hai đứa trẻ của Thạch Lam vẫn để lại dư vị và dư âm chính vì tấm lòng của người cầm bút biết lắng nghe và trăn trở những tiếng lòng từ những số phận nhỏ bé, những con người ở quanh ta, họ cũng có những tấm lòng thơm thảo và những khát vọng tốt đẹp.

>>> PHÂN TÍCH TRUYỆN NGẮN "HAI ĐỨA TRẺ" CỦA THẠCH LAM.

Đăng nhận xét

 
Top