Bạn dang ôn thi đại học và bạn cảm thấy rất bế tắc khi không biết làm các dạng bài tập hình học không gian? Những gợi ý sau đây tuy đơn giản nhưng hiệu quả và rất dễ áp dụng.

Tập "nhìn"
Từ những bài tập hình học phẳng, bạn lại được làm quen với hình học không gian. Sự biến chuyển này sẽ làm bạn cảm thấy xa lạ và khó tiếp thu. Đối với những bạn không liên tưởng tốt thì họ sẽ chẳng nhìn ra cái gì trong những khối hình góc cạnh. Đừng sợ mình "thua sút" vì không có năng khiếu tưởng tượng. Hãy nhìn thật lâu, thật nhiều những khối hình được vẽ trong sách, hoặc bạn tự nhìn vào đề và vẽ. Đó là bước khởi đầu quan trọng để bạn tiếp cận dạng toán này và luyện thi đại học môn Toán thật tốt.

Ôn thi đại học môn Toán: Để hình học không gian không còn là nỗi lo

Vẽ hình chính xác
* Khi vẽ hình chóp, nên để mặt đáy mỏng và dẹt. Mặt đáy quá lớn sẽ khiến hình không "thật", và bạn rất khó nhìn.
* Đừng thể hiện mọi chi tiết lên hình, rất dễ rối.
* Thay vì vẽ đường đứt nét, hãy vẽ những đường liền mảnh. Những đường không khuất được thể hiện bằng những đường đậm và dứt khoát  
* Với một bài, bạn nên vẽ nhiều hình. Đừng chăm chăm vào một hình và "bó tay" trong việc tìm ra phương án giải 
* Vẽ sao cho mọi chi tiết đều được thể hiện rõ ở đáy và mặt bên. Đừng vẽ vào mặt khuất.

Chú ý đến từng chi tiết trong đề bài
* Đề bài hình học không gian thường rất ngắn gọn. Nhưng nội dung đều rất đáng giá. Chẳng hạn như, "cho một hình chóp đều cạnh a" là bạn đã có tất tần tật những kiến thức liên quan như: các cạnh bằng nhau, chân đường cao trùng với tâm đáy, các mặt bên bằng nhau, góc hợp bởi cạnh bên với đáy bằng nhau...
* Liên hệ với hình học phẳng: Nếu đề cho "mặt bên là tam giác cân" thì bạn phải liên tưởng ngay đường cao cũng là đường trung tuyến, hoặc góc hợp bởi hai cạnh bằng nhau bằng 60 độ thì đó là tam giác đều.
* Liệt kê ra những thông tin đề cho. Đề yêu cầu chứng minh gì, suy ngược lại từ những kiến thức đã có. Ví dụ, chứng minh hai mặt phẳng vuông góc với nhau thì dựa vào lý thuyết, từ đó đi tìm từng dữ kiện một, chắp nối lại.

Lưu ý
* Hình học không gian ban đầu sẽ rất "khó và khổ" cho bạn. Nhưng khi làm nhiều dạng bài trong nhiều lần, bạn dần bị "thấm" và đam mê lúc nào không hay! Vì vậy, đừng nản nhé!
* Chịu khó liên hệ thực tế, đừng bị trói buộc bởi các công thức khô cứng. Tập tưởng tượng và hình dung.
* Khi đã học quen rồi phải trau dồi liên tục, vì hình học không gian rất dễ quên nếu không có sự rèn luyện lâu dài.

Chúc các bạn ôn thi đại học tốt!


Theo Mực tím

Đăng nhận xét

 
Top